BBC: Việt Nam 'là nơi khởi nghiệp'

21:31, 16/05/2016

Sau gần 40 năm, giọng Ka Fue Lay vẫn đầy cảm xúc khi nhớ lại khoảnh khắc ông trèo thang lên một con tàu của Anh, phóng viên của BBC viết.

Trong bài báo có tên Việt Nam 'là nơi khởi nghiệp' vừa được đăng tải, phóng viên BBC viết tiếp, đó là lúc ông Ka Fue Lay biết mình được an toàn. Chiếc thuyền nhỏ mỏng manh mà họ dùng để đi khỏi Việt Nam đã ngập phân người và nôn mửa, được thủy thủ đoàn của Anh đốt cháy.

Ông trò chuyện với phóng viên của BBC từ nhà ở Wiltshire, nơi ông làm trong lĩnh vực chăm sóc xã hội và kết hôn với cháu gái của cựu Thủ tướng Anh, Neville Chamberlain.

Cuộc sống của ông ở Anh hoàn toàn khác so với những năm đầu đời, thời ông còn chăn trâu và nhặt nhạnh kiếm sống trong rừng ở miền Nam Việt Nam.

Ông tới Anh năm 1979, thời điểm cứ mỗi tháng có 25.000 người Việt Nam rời đi bằng thuyền.

Anh Tat Wa Lay, cháu ông Ka Fue Lay, hiện sống ở TP.HCM. 

Cháu của Ka Fue Lay, Tat Wa Lay, chỉ là một đứa trẻ khi gia đình rời đi, nay đã trở lại Việt Nam làm việc.
Chứng kiến cuộc khủng hoảng di cư trên Địa Trung Hải, anh rất xúc động và viết trên Facebook về lúc gia đình anh được tiếp đón nồng ấm ở Anh Quốc và kêu gọi mọi người mở lòng hơn.

Mẹ anh kể lại về khoảnh khắc năm 1984 khi gia đình tới khu nhà xã hội, ngỡ sẽ bị đối xử thù địch và phân biệt chủng tộc nhưng thay vào đó, một “chàng trai trẻ ăn mặc xuềnh xoàng” cởi áo khoác và đưa cho những người tỵ nạn đang lạnh cóng.

Cử chỉ ấy cảm động đến nỗi những người khác cũng làm theo, anh nói. Mẹ anh không bao giờ quên được khoảnh khắc ấy, và anh viết “anh trai tôi vẫn nhớ hơi ấm từ chiếc áo khoác ấy, và nó in trong tim anh cho tới ngày nay”.

Đoạn post của anh đã có 12,5 triệu người xem và được chia sẻ 150.000 lần.

Trong số 4 triệu người Việt ở hải ngoại, rất nhiều người như Tat Wa Lay – nay quay trở lại.

Ở Anh Quốc, anh vẫn luôn tò mò về lý do vì sao mình “khác biệt”.

Anh chưa bao giờ hiểu được vì sao chú mình để móng tay dài ngoằng, và vì sao mẹ anh vẫn ngồi xổm trên sàn nhà để chặt thịt gà trong khi có bàn bếp để làm việc đó.

Cha mẹ anh cũng không bao giờ nói về những gì đã xảy ra mà anh chỉ được nghe từ một người họ hàng, rằng anh là người tỵ nạn.

Sống ở TP.HCM cũng đã trả lời cho một số câu hỏi thời niên thiếu của anh. Và anh thấy mình có thể đóng góp được điều gì đó cho xã hội ở đây. Anh dạy tiếng Anh và phát triển các ứng dụng trên iPad giúp trẻ em học ngoại ngữ.

Phóng viên của BBC kể, khi chúng tôi nói chuyện bên bờ sông Sài Gòn, tôi nghĩ thành phố giờ chắc khác lắm so với thời mà cha mẹ anh rời đi. Khung cảnh xung quanh chúng tôi là tòa nhà cao tầng bằng kính với sân đỗ trực thăng.

Việt Nam đang tìm cách làm sao năng lượng của tư bản chủ nghĩa được bơm vào vừa đủ để phát triển kinh tế và mong đợi tầng lớp trung lưu ngày càng tăng lên.

Đây là điểm mà lợi ích của họ có thể phù hợp với thị trường tự do của Thung lũng Silicon.

Bởi những gì khiến người ta quay lại không chỉ là vẻ đẹp của đất nước này, cũng không phải là sợi dây liên hệ với mảnh đất quê hương mà là cơ hội của ngành công nghiệp thế kỷ 21: công nghệ.

Ngan Lee điều hành một diễn đàn công nghệ. Ở quán bar trên tầng thượng, cô nói với tôi rằng Wi-Fi ở TP.HCM nhanh hơn và rẻ hơn bất kỳ thành phố Đông Nam Á nào khác.

Toàn bộ thành phố Đà Nẵng có Wi-Fi miễn phí – các gia đình dùng mạng này khi ra công viên chơi.

Điều đó giải thích vì sao hơn 40 triệu người trong số 90 triệu dân sử dụng mạng.

Dream-plex ở trung tâm TP.HCM là kiểu không gian làm việc thời thượng mà bạn có thể tìm thấy ở California.

Văn phòng theo dạng không gian mở với bếp và phòng giải trí nơi người ta có thể thuê bàn làm việc và gặp gỡ, nói chuyện với những người cùng chung mơ ước lớn. Những người phóng viên của BBC gặp hầu hết đều học hành ở nước ngoài về, hoặc vừa mới tới Việt Nam.

Họ đều phấn khởi trước những cơ hội có thể có được nhờ vào nhịp sống nhanh và đông đúc của thành phố này.

Sarah Montague, người dẫn chương trình Today của BBC Radio 4 viết, như một người mới tới thành phố cổ kính này nói với tôi: “Việt Nam là nơi khởi nghiệp”.

telecomit.vn theo BBC.