Bộ TT&TT đề xuất quản lý các OTT như Viber, WhatsApp, Telegram

10:42, 25/03/2023

Hiện nay, các ứng dụng OTT như Zalo, Viber, Telegram... đang được sử dụng để thay thế cho các dịch vụ viễn thông truyền thống. Tuy nhiên, do pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý rõ ràng nên không đảm bảo quyền lợi của người sử dụng và tính bảo mật, an toàn thông tin.

Trải qua hơn 10 năm thi hành, một số quy định của Luật Viễn thông 2009 đã bộc lộ một số hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu trong thực tiễn. Do vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). 

Mục tiêu chính của việc sửa đổi Luật Viễn thông là nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên, thúc đẩy và huy động các thành phần kinh tế tham gia xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác, đồng thời giải quyết các bất cập hạn chế trong việc thực thi Luật thời gian qua.

Việt Nam sẽ quản lý các OTT như Zalo, Viber, WhatsApp, Telegram.

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi là việc đưa các dịch vụ nhắn tin, gọi điện OTT như Zalo, Viber, WhatsApp, Telegram vào trong phạm vi điều chỉnh của Luật. 

Cụ thể, Điều 22 trong dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi đã đưa ra các quy định về việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo đó, việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam phải theo các quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Trong trường hợp không thu cước phí, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam phải thông báo với Bộ TT&TT về thông tin liên hệ. 

Với trường hợp có thu cước hoặc không thu cước người sử dụng nhưng có số lượng người sử dụng hoặc phát sinh lưu lượng tại thị trường Việt Nam vượt mức ngưỡng theo quy định, phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hoặc đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hoặc đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Theo Liên minh Internet châu Á (AIC), đơn vị này ủng hộ tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam về việc xây dựng và phát triển nền kinh tế số. Để đạt được điều đó, việc xây dựng một môi trường pháp lý nói chung và sửa đổi Luật Viễn thông nói riêng, tạo thuận lợi và giúp thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số là rất quan trọng.

Khôi Nguyên (T/h)