Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn: “Chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện”

14:37, 18/11/2020

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhấn mạnh, Chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc, nhưng cũng là giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Ngày 18/11, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tổ chức Hội nghị “Xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số của doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc và phải thực hiện theo đúng chủ trương, chỉ của Thủ tướng Chính phủ. Đây vừa là nhiệm vụ, nhưng cũng là giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước còn cho rằng, khi cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ, công cuộc chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các lĩnh vực của xã hội như truyền thông đại chúng, y học, khoa học,…

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn: “Chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện”

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn: “Chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện”

Chuyển đổi số trở thành cơ hội, đồng thời cũng là thách thức, đòi hỏi các các quốc gia, doanh nghiệp trên thế giới phải thực hiện thay đổi mạnh mẽ để phù hợp với sự tiến bộ của công nghệ, khoa học kỹ thuật. Nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, đồng thời giúp các doanh nghiệp trực thuộc nâng cao năng lực, sức cạnh tranh trên thị trường.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, với vai trò xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình cho các đơn vị thành viên, sẽ là tác nhân hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong chuyển đổi số.

Hiện nay, 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đang nắm giữ những nguồn lực lớn và trọng yếu trong nền kinh tế đất nước như: Nông nghiệp, giao thông vận tải và Logistics, năng lượng, sản xuất công nghiệp, đầu tư và kinh doanh tài chính, công nghệ thông tin và viễn thông… Do đó, việc xây dựng nền kinh tế số quốc gia sẽ được hiện thực hóa nếu đẩy mạnh chuyển đổi số ở các Tập đoàn, Tổng công ty này.

Phát biểu tại hội nghị này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Ngọc Cảnh đã xác định hai vai trò chính của các doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Thứ nhất, các Tập đoàn, Tổng công ty phải nhanh chóng tiến hành chuyển đổi số và khẳng định vai trò dẫn dắt của mình trong chuyển đổi số nền kinh tế. Thứ hai, các doanh nghiệp công nghệ trực thuộc Ủy ban phải thực hiện chuyển đổi số cho Chính phủ hoặc chính quyền địa phương và các doanh nghiệp khác, trong đó có các doanh nghiệp thuộc Ủy ban.

Cùng với đó, Ủy ban đã đặt ra những định hướng chuyển đối số trong giai đoạn tiếp theo. Theo đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao nhận thức và quyết tâm về việc chuyển đổi số. "Đi nhanh, đi trước sẽ chiếm ưu thế, nếu đi chậm, đi sau thì sẽ giảm năng lực cạnh tranh và mất thị trường", Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh.

Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt về năng lực số, hạ tầng số, phát triển sản phẩm giải pháp số theo lĩnh vực cũng như xây dựng nguồn nhân lực có chuyên môn cao. Trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban phải có nội dung về thực hiện chuyển đổi số, xác định rõ các nhiệm vụ và kinh phí thực hiện, phù hợp với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Phát biểu tại hội thảo này, ông Phạm Đức Long, Chủ tịch VNPT nhấn mạnh, sự phát triển với tốc độ cao của công nghệ số, và kết quả của nó là sự hình thành một nền kinh tế số với những quy luật vận hành đổi mới, tốc độ thay đổi nhanh, và gia tăng kết nối giữa các thành phần kinh tế.

Trong những năm qua, kinh tế số Việt Nam đã và đang có sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Đảng và Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tạo hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế số còn chưa đồng đều giữa các lĩnh vực kinh tế khác nhau, giữa các vùng miền khác nhau, nhận thức về kinh tế số chưa tương xứng trong xã hội và chủ thể kinh doanh.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Nhà nước được Đảng và Chính phủ giao trọng trách đầu tàu, hướng dẫn, dẫn dắt các thành phần khác trong chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số doanh nghiệp và chuyển đổi số xã hội, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng và phát triển của kinh tế số.

Ông Phạm Đức Long khẳng định, VNPT sẽ tham gia với vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, cùng đồng hành hỗ trợ để có những đóng góp thiết thực cho quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số các doanh nghiệp thuộc Ủy ban.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty đã trình bày thực trạng quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp. Trong đó, những khó khăn, bất cập, đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp là vấn đề được nhiều doanh nghiệp đề cập.

Tại hội nghị này, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước khằng định sẽ hỗ trợ cơ chế, chính sách để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhưng cũng sẽ gia tăng các yêu cầu và áp lực nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp theo đúng quy định, chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Châu Anh (T/h)