Chuyển đổi số Giáo dục: Cú hích thúc đẩy đào tạo trực tuyến và cơ hội kinh doanh giáo dục số tại thị trường Việt nam

08:52, 08/07/2022

Chuyển đổi số trong giáo dục có thể xem là sự chuyển dịch từ mô hình khóa học trực tuyến (e-learning) sang phát triển các nền tảng giáo dục số (platform).

Cùng với sự ra đời của dịch vụ web cuối thế kỷ 20, mô hình khóa học trực tuyến phát triển nhanh chóng những năm đầu thế kỷ 21. Ở đó, phương thức học ảo thông qua các thiết bị nối mạng đối với một máy chủ có lưu giữ sẵn bài giảng điện tử và phần mềm cần thiết để có thể hỏi, yêu cầu, ra đề cho học sinh học trực tuyến từ xa.

Khóa học trực tuyến giúp người học xóa bỏ rào cản không gian địa lý và chủ động hơn trong quản lý thời gian. Ở khía cạnh nhà cung cấp dịch vụ, mô hình giáo dục trực tuyến tương đối dễ làm với chi phí đầu tư tương đối thấp, độ khó công nghệ không cao trong khi sản phẩm có thể mang về nguồn thu nhập thụ động tốt, chính những điều này đã thúc đẩy e-learning phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2008-2015.

Mặc dù phát triển tốt nhưng e-learning cũng đạt điểm tới hạn và bộc lộ những hạn chế khi đòi hỏi của người dùng ngày càng cao. Chính lúc này sự kết hợp giữa công nghệ và giáo dục (edTech) bùng nỗ mạnh mẽ. Có thể dẫn chứng bằng số liệu của statista.com (thống kê vào quý 1 năm 2022) cho biết giáo dục là danh mục phổ biến xếp thứ 2 trên Google play app (chiếm 10,41%).

Một trong những yếu tố thu hút của công nghệ giáo dục bởi nó giúp người dùng thực sự trải nghiệm quá trình học học tập mới mẻ và cá nhân hóa. Cùng với đó, độ khó của thiết kế các ứng dụng lúc này đòi hỏi trình độ công nghệ cao, việc phát triển từ website lên nền tảng (platform) cần sự dẫn dắt của các nhà giáo dục có tầm nhìn để nghiên cứu và tạo ra sản phẩm giáo dục đột phá.

 Thống kê mức độ phổ dụng của các app giáo dục

Chuyển đối số giáo dục

Chưa có một định nghĩa “chuyển đổi số giáo dục là gì?” nhưng có thể trả lời câu hỏi “chuyển đổi số giáo dục có nghĩa là gì?” bằng sự kết hợp giữa số hóa nội dung và số hóa hoạt động giáo dục của đơn vị đào tạo.

Số hóa nội dung: Trước đây được hiểu là chuyển đổi tài liệu giấy sang dạng dữ liệu lưu trữ trong hệ thống máy tính để phong phú nguồn tài nguyên kiến thức và dễ dàng “lưu thông” trên internet. Hệ quả của việc này không những giúp người dùng tiếp cận với kiến thức mà còn cho phép họ tương tác với hệ thống hay người dùng khác.

Tuy nhiên, ở mức độ này bản chất của mô hình giáo dục truyền thống vẫn chưa có gì thay đổi. Số hóa trong chuyển đổi số là ngoài việc số hóa dữ liệu còn gắn thêm dữ liệu của dữ liệu (metadata) nhằm giúp các thuật toán “thấu hiểu” đến từng phần tử dữ liệu và đây là tiền đề của tự động hóa ở bước tiếp theo.

Thỏa thuận hợp tác về số hoá hoạt động giáo dục giữa Đại học Quang Trung và Ban điều hành nền tảng giáo dục kỹ thuật số eduplaX vừa diễn ra ngày 20/6/2022 tại Bình Định.

Số hóa hoạt động: Đây là giai đoạn đưa các thủ tục triển khai đào tạo thực hiện trực tiếp bởi con người sang tự động hoặc bán tự động trên môi trường trực tuyến. Sự chuyển dịch này giúp tự động hóa quy trình triển khai và tối ưu hóa hoạt động giám sát của các đơn vị đào tạo. Cùng với việc giải phóng sức người và sự vận hành thông suốt của hệ thống, số lượng khách hàng được phục vụ cùng lúc có thể bội tăng.

Chuyển đổi số thúc đẩy đào tạo trực tuyến tại Việt Nam

Đầu của thế kỷ 21, các mô hình giáo dục ở Việt Nam vẫn còn theo hướng truyền thống, lúc này công nghệ hầu như đóng vai trò hỗ trợ quá trình dạy và học, điển hình với các thương hiệu Học Mãi, Topica, … Đến cuối thập kỷ thứ 2, xu hướng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào edTech đánh dấu sự ra đời của các sản phẩm công nghệ giáo dục mang tính đột phá, trong nhóm này có thể kể đến 2 ví dụ điển hình là ELSA và eduplaX, đây đều là các sản phẩm của người Việt chiếm lĩnh 2 thị trường tiếng Anh và Toán học.

Các nền tảng này không chỉ cung cấp các tính năng thông minh bằng công nghệ AI giúp giáo viên dạy sáng tạo hơn, học sinh học hứng khởi và hiệu quả hơn; mà còn hỗ trợ tổ chức giáo dục trong công tác quản trị, cũng như đồng hành cùng phụ huynh trong tiến trình học tập của học sinh độ tuổi cần giám sát.

 Nền tảng giáo dục số eduplaX.

Nếu như trước đây thành phố lớn và trung tâm tỉnh lỵ là lựa chọn số một để các đơn vị truyền thống đặt cơ sở đào tạo, thì với chuyển đổi số, biên giới của thị trường khá mờ nhạt thậm chí là biến mất. Đơn vị đào tạo hoàn toàn phát triển được tập khách hàng mới thông qua các kênh tiếp thị và quảng bá nền tảng, và nhanh chóng mở rộng thị trường ra khỏi các trung tâm đô thị.

Bên cạnh đó, với việc mở rộng này cũng giúp “khách hàng” là người học vùng ven, vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận nguồn tri thức phong phú, tiếp cận phương pháp dạy học tốt từ các thầy cô mà với cách truyền thống họ không thể với tới. Chuyển đổi số lúc này còn đóng vai trò tạo ra cơ hội công bằng cho người học ở bất kỳ nơi đâu (anywhere) và bất kỳ lúc nào (anytime).

Chuyển đổi số giáo dục ở Việt Nam cũng mở ra cơ hội cho đào tạo trực tuyến: nhiều trường đại học Việt Nam đã có các khóa học trực tuyến mà ở đó người dạy và người học tương tác theo thời gian thực thay vì học từ video thu sẵn.

Tuy nhiên, cú hích thực sự xảy ra trong đại dịch covid-19, các lớp học truyền thống dừng hẳn trong một thời gian dài và trên diện rộng buộc các đơn vị đào tạo phải chuyển qua trực tuyến để duy trì hoạt động đào tạo, người học phải thích nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội học tập.

Sự thích ứng này vô hình chung đã giúp cả đơn vị đào tạo, người dạy và người học thích nghi. Ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát, thói quen của người học và quán tính của đơn vị đào tạo đã thúc đẩy đào tạo trực tuyến diễn ra mạnh mẻ.

Công nghệ không thay thế hoàn toàn vai trò của con người, nhưng các nền tảng edTech sẽ là đòn bẫy để cách mạng hóa ngành giáo dục giúp người dạy và người học linh hoạt, đa dạng và chủ động trong truyền tải và lĩnh hội tri thức nhân loại.

Chuyển đổi số, cơ hội kinh doanh giáo dục số tại thị trường Việt Nam

Kinh doanh giáo dục ở Việt Nam luôn được đánh giá cao bởi thị trường lớn cả về số lượng người học và tỷ lệ đầu tư cho việc học tập của các gia đình Việt tỷ lệ thuận với thu nhập của người dân.

Theo báo cáo của HSBC, chi phí trung bình cho giáo dục ở Việt Nam hàng năm trên 40% tổng doanh thu của mỗi gia đình. Và ngay cả khi nếu phải cắt giảm chi tiêu do khó khăn về tài chính, gần một phần ba cha mẹ (32%) cho rằng họ hầu như sẽ không cắt giảm chi phí đầu tư cho học tập của con cái.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của công nghệ đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường việc làm, thúc đẩy người lao động nâng cấp bản thân để đáp ứng sự thay đổi khi công nghệ đang ngày được áp dụng rộng rải.

Từ đây, bên cạnh các mô hình đào tạo chính quy (formal education) các mô hình đào tạo phi chính quy (informal educatuon) ngày càng phát triển tạo nên xu hướng học tập trọn đời (life-long learning). Chính điều này đã bổ sung một yếu tố nữa để phát triển kinh doanh giáo dục số tại thị trường Việt Nam.

Nguyễn Hữu Tình

GV Khoa CNTT, trường ĐH công nghiệp Tp.Hồ Chí Minh