Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp

13:22, 15/02/2022

Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT) cho thấy, những năm gần đây, lượng thí sinh thi vào các trường thuộc bộ có dấu hiệu giảm. Cụ thể, khối đại học hiện có 52.208 sinh viên, giảm khoảng 35% so với giai đoạn 2010-2015.

Sinh viên Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên trong giờ thực hành.

Các bậc cao đẳng, trung cấp tỷ lệ tuyển sinh cũng có mức giảm tương tự, thậm chí nhiều trường, ngành học không có sinh viên theo học. Đây là một thực tế đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải có những đổi mới mang tính liên ngành để có thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp hiện nay.

Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ 15,5% lên khoảng 50% vào năm 2020. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, nguồn nhân lực cho ngành này còn thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo.

Đổi mới từ chính các cơ sở đào tạo

Từ thực tế này, đã và đang đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trực thuộc Bộ NN và PTNT nói riêng, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề có đào tạo ngành nghề nông nghiệp nói chung cần sớm xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể thậm chí dài hơi để có thể thu hút được học viên tham gia vào quá trình học tập tại trường, từng bước cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để đáp ứng yêu cầu ngày một cao của thị trường lao động, hiện các cơ sở đào tạo đã có sự chủ động trong nâng cao chất lượng giảng dạy. Theo NGND, GS, TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường đại học Lâm nghiệp, nhà trường đang hướng tới việc đào tạo sinh viên không những phải có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có kỹ năng cần thiết để không bị thay thế bởi rô-bốt và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, tư duy phản biện. Đây chính là yêu cầu sống còn của các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Xác định rõ mục tiêu đào tạo hướng đến nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cũng được xem là yêu cầu sống còn của khối trường nghề. Ghi nhận tại Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội, tính đến hết năm 2020, nhà trường đã xây dựng được cơ chế hợp tác với hơn 140 doanh nghiệp lớn nhỏ trong cả nước. Trong đó phải kể đến những doanh nghiệp lớn như: Công ty Deso Việt Nam, Công ty Trường Hải Auto, Công ty Toyota… giúp nhà trường thường xuyên định hướng lại chương trình đào tạo thông qua việc cập nhật các tiêu chuẩn từ các doanh nghiệp, đồng thời có cơ sở định hướng đầu tư thiết bị, máy móc nhà xưởng phù hợp với các công nghệ và yêu cầu sản xuất từ doanh nghiệp thời 4.0. Theo Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc, ngoài thành công trong xây dựng chiến lược hợp tác với doanh nghiệp, nhà trường còn chọn khâu đột phá từ chính người thầy thông qua đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên với tiêu chuẩn khu vực và thế giới. Nhờ đó, các lớp đào tạo chất lượng cao của nhà trường luôn đáp ứng tốt các yêu cầu của doanh nghiệp như: Trình độ kỹ năng nghề bậc cao, trình độ ngoại ngữ, tin học đạt chuẩn. Bên cạnh đó, yêu cầu về đạo đức, kỷ luật nghề nghiệp và các kỹ năng mềm khác cũng được nhà trường hết sức chú trọng.

Cần những chính sách phù hợp

Nếu như hợp tác đào tạo, đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động vốn được xem là hướng đi đúng và trúng của các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ NN và PTNT trong nhiều năm qua, thì thời điểm hiện tại, hình thức đào tạo này cần phải được hoàn thiện, bổ sung những hướng đi mới để giúp những cơ sở đào tạo không bị động. Theo Bộ trưởng NN và PTNT Lê Minh Hoan, cần xác định hai mục tiêu trong đào tạo. Thứ nhất, giáo dục, đặc biệt là trong khối ngành nông nghiệp, phải tìm ra những điểm riêng, hấp dẫn. Thứ hai, các viện, trường, cơ sở đào tạo nghiên cứu về việc tích hợp đa giá trị trong việc giảng dạy.  Bộ trưởng yêu cầu, “Mỗi thầy, cô, mỗi viện, trường, tất cả đều có sứ mệnh và bổn phận để giúp nền nông nghiệp thoát khỏi lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ. Tôi mong chờ một cú huých đủ mạnh, để những ai đang cống hiến trong ngành nông nghiệp đều thấy họ có một công việc đáng làm, một cuộc sống đáng sống”.

Và để tạo ra cú huých trong giáo dục nguồn nhân lực chất lượng cao từ đó tạo động lực cho xây dựng nông thôn mới, NGND, GS, TS Trần Văn Chứ cho rằng, các trường phải đổi mới phương pháp giáo dục nhằm thích nghi với tình hình hội nhập trên thế giới và phải đổi mới toàn diện về hệ thống kiến thức và phương pháp đào tạo, cần phát triển hơn nữa vào các ngành nghề chất lượng cao như: kỹ thuật số, công nghệ thông tin, năng lượng, vật liệu mới, công nghệ sinh học, để người lao động có thể làm chủ khi cuộc cách mạng số hóa đang bùng nổ mạnh mẽ như hiện nay. Còn với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, cần nhanh chóng cử cán bộ trẻ, có năng lực đi đào tạo, tu nghiệp nước ngoài, đồng thời xây dựng bản đồ phát triển nhân lực, chuẩn bị cho một chiến lược dài hơi để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, chế độ đãi ngộ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng cần có những đột phá để thu hút người trẻ. Đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ NN và PTNT, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong xây dựng cơ chế, chính sách về cơ chế đặt hàng đào tạo lại nhân lực công nghệ nông nghiệp từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau; tăng cường liên kết trong đào tạo đổi mới sáng tạo nông nghiệp đối với những lĩnh vực công nghệ cao chủ chốt. Bên cạnh đó là hỗ trợ hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các nhà trường, từ đó đáp ứng nhu cầu lao động ngành nông nghiệp vốn đang được cho là thị trường lao động vô cùng tiềm năng hiện nay.

Theo/nhandan.vn