Hà Nội: Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết

07:20, 08/11/2022

Hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội có xu hướng gia tăng. Trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh SXH.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh trong thời gian qua

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biếttrước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp và là chu kỳ dịch bệnh SXH, năm 2022, số ca mắc SXH trên địa bàn TP có xu hướng gia tăng mạnh.

Số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.312 ca (tăng 8,9% so với tuần trước đó). Bệnh nhân ghi nhận phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn; trong đó có một số quận, huyện có số ca mắc cao là: Hà Đông (148), Thanh Oai (127), Phú Xuyên (110), Đống Đa (101)...

Nhân viên y tế tuyền truyền các biện phòng, chống sốt xuất huyết cho người dân. Ảnh: Nguồn sở Y tế Hà Nội.

Như vậy, tính từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 10.716 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 539/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành đã xác định được là D1 và D2 và D4.

Ngoài ra, trong tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận thêm 58 ổ dịch mới tại 15 quận, huyện: Hoàng Mai (16), Thanh Oai (6), Bắc Từ Liêm (5), Hà Đông (5), Thanh Trì (5), Hai Bà Trưng (5), Chương Mỹ (3), Đống Đa (3), Phú Xuyên (2), Long Biên (2), Hoài Đức (2), Gia Lâm (1), Đan Phượng (1), Phúc Thọ (1), Tây Hồ (1). Đáng chú ý, số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức cao, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng, do đó cần tiếp tục bám sát tình hình dịch, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue.

Quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh SXH, thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế, chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở Y tế, CDC Hà Nội đã phối hợp với trung tâm y tế (TTYT) quận, huyện, thị xã triển khai những hoạt động phòng chống SXH. Đơn cử như TTYT quận, huyện, thị xã bố trí nhân lực, thành lập đội phản ứng nhanh kịp thời điều tra véc tơ. Xử lý môi trường khi phát hiện ca bệnh. Đảm bảo đủ kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch; duy trì hoạt động chủ động giám sát phát hiện bệnh nhân SXH tại cộng đồng và cơ sở y tế. Thực hiện giám sát véc tơ truyền bệnh SXH.

Các đơn vị triển khai những chiến dịch vệ sinh môi trường, loại trừ ổ bọ gậy, diệt bọ gậy phòng chống SXH toàn thành phố, đặc biệt khu vực có nguy cơ cao. Thường xuyên kiểm tra, giám sát hỗ trợ công tác phòng, chống SXH khu vực ổ dịch cũ, xử lý ca bệnh, ổ dịch SXH của các xã/phường/thị trấn.

Hoạt động tập huấn thường xuyên diễn ra. Trong đó, tập huấn về kỹ năng giám sát, điều tra dịch tễ như bệnh nhân, huyết thanh, véc-tơ; kỹ thuật phun hoá chất, tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng. Kỹ năng phát hiện, xử lý bọ gậy cũng như kỹ năng tuyên truyền, vận động hộ gia đình, người dân nâng cao nhận thức, tham gia phòng chống SXH, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng...

Các phường trên địa bàn thành phố diễu hành cổ động tuyên truyền phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn nhận định, năm 2022, tình hình dịch bệnh SXH tại Hà Nội có nguy cơ bùng phát trong thời gian tới. Do bắt đầu bước vào mùa dịch theo chu kỳ hàng năm dịch SXH có thể bùng phát sau 3 - 5 năm (năm 2017 dịch bùng phát, sau 5 năm là năm 2022).

Trước tình hình thay đổi khí hậu phức tạp, số lượng cơn bão sẽ kéo dài trong tháng 10, 11, 12. Do đó, bệnh SXH cũng sẽ kéo dài theo và dịch bệnh không chỉ đỉnh dịch vào tháng 10, mà có thể vào giữa tháng 10, tháng 11. Tuy công tác phòng chống dịch bệnh SXH được triển khai từ đầu năm nhưng cần tập trung quyết liệt vào tháng 10, 11,12 để hạn chế số ca mắc, chuyển biến nặng và tử vong.

Bên cạnh đó, địa bàn TP rộng, quá trình đô thị hóa, kết cấu khu dân cư tập trung, nhiều ngõ, ngách nhỏ, dân số đông, di biến động dân cư lớn, có nhiều công trường xây dựng lớn, nhỏ, nhiều khu nhà trọ, chợ truyền thống, khu đất trống... Do đó, nếu người dân chủ quan, lơi là, không có ý thức thì dịch bệnh sẽ bùng phát, khi xuất hiện dịch khả năng lây lan và bùng phát sẽ nhanh.

Phòng, ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát

Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội cho rằng, nếu chúng ta hiểu rõ về dịch bệnh SXH, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh của cơ quan y tế thì người dân hoàn toàn có thể phòng chống được dịch bệnh. SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Người dân loại trừ được bọ gậy, dụng cụ chứa nước, không có bọ gậy, không có muỗi thì không có SXH.

Phun thuốc diệt muỗi tại các điểm có nguy cơ cao

“Qua theo dõi, trên 80% bệnh nhân mắc SXH là thể nhẹ, nếu người bệnh mắc SXH hiểu về bệnh, được theo dõi và tư vấn đúng sẽ hạn chế được bệnh diễn biến nặng. Nhưng hiện nay, một số hộ gia đình vẫn chưa chủ động dọn vệ sinh sạch sẽ, qua kiểm tra vẫn phát hiện dụng cụ chứa nước có bọ gậy... Đồng thời, vẫn còn tình trạng một số người dân chủ quan, lơi là, khi có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc SXH không báo cho cơ quan y tế mà tự điều trị dẫn đến bệnh chuyển biến nặng, có nguy cơ tử vong” - bác sĩ Khổng Minh Tuấn cảnh báo.

Trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp, Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội cho rằng, để hạn chế dịch bệnh SXH cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các ban, ngành, đơn vị, người dân tham gia vào hoạt động chủ động phòng chống dịch bệnh SXH, thực hiện loại trừ ổ bọ gậy. Đối với chủ gia đình có nhà cho thuê trọ cần hướng dẫn, quán triệt người đến thuê nhà, phòng trọ chủ động phòng chống dịch bệnh SXH...

Đặc biệt, ý thức của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình cần chủ động dọn vệ sinh làm sạch trong nhà mình, làm sạch cảnh quan môi trường xung quanh, nơi công cộng, đường làng ngõ xóm, không có dụng cụ chứa nước, không có ổ bọ gậy, không có muỗi, không có dịch bệnh SXH. Đơn giản, mỗi ngày, mỗi người chỉ cần bỏ ra 5 - 10 phút chủ động loại trừ ổ bọ gậy như tất cả dụng cụ trong nhà. Phế thải không dùng đến cần thu gom, tiêu hủy.

Dụng cụ dùng chứa nước cần cất, không để nước ứ dọng. Bể chứa nước cần có nắp đậy kín và thường xuyên thả cá vào bồn nước và các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng, bọ gậy; phế thải ngoài vườn, nơi công cộng như lốp xe, vỏ hộp nhựa, túi bóng... cần thu gom xử lý triệt để. Điển hình như xã hội phát triển, người dùng hộp nhựa, xốp đựng thức ăn rất nhiều, nếu không được thu gom, xử lý mà vứt bừa bãi, thì sau cơn mưa, nước mưa ứ đọng trong đó, muỗi đẻ trứng, xuất hiện bọ gậy, sẽ có nguy cơ xảy ra SXH…

“Do đó, loại trừ ổ bọ gậy sẽ duy trì được bền vững phòng chống SXH. Đồng thời, ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Khi mắc bệnh, có biểu hiện sốt, nghi ngờ SXH, cần thông báo ngay cho y tế cơ sở để cán bộ y tế nắm bắt được thông tin và có những tư vấn, hướng dẫn phòng và điều trị kịp thời...” - Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội khuyến cáo.

Bảo Trân