Nhà mạng Hàn Quốc sẽ 'cắt' 2G từ tháng 6/2021

08:23, 19/01/2021

Theo Koreaherald, ngày 17/01, nhà mạng di động LG Uplus của Hàn Quốc ra thông báo cho biết, nhà mạng này sẽ chấm dứt các dịch vụ mạng 2G vào cuối tháng 6 năm nay, điều này sẽ đánh dấu sự kết thúc của hệ thống mạng 2G tại quốc gia này.

LG Uplus là nhà mạng di dộng duy nhất tại Hàn Quốc đang vận hành và cung cấp các dịch vụ mạng 2G cho khách hàng. Trước đó, vào tháng 7 năm ngoái, nhà mạng SK Telecom đã chính thức ngừng cung cấp dịch vụ mạng 2G, trong khi nhà một nhà mạng di động khác của Hàn Quốc là KT Telecom đã ngừng cung cấp dịch vụ mạng 2G từ năm 2012 do sự phát triển nhanh chóng của các thế hệ mạng di động tiến tiến và số lượng người dùng mạng 2G giảm xuống đáng kể.

Nhà mạng LG Uplus cho biết đã báo cáo kế hoạch ngừng cung cấp dịch vụ mạng 2G của mình với Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc, tuy nhiên lịch trình chi tiết vẫn chưa được hoàn thành.

Theo số liệu của Bộ CNTT-TT Hàn Quốc thì tính đến tháng 11 năm 2020, số lượng thuê bao mạng 2G của LG Uplus chỉ còn 374.000 thuê bao, chiếm khoảng 2,5% trong tổng số 14,8 triệu thuê bao của nhà mạng.

Quyết định ngừng cung cấp dịch vụ 2G của LG Uplus phù hợp với chính sách của chính phủ Hàn Quốc nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tần số vô tuyến hiện có.

Được biết, Hàn Quốc bắt đầu cung cấp dịch vụ di động 2G vào năm 1996 dựa trên mạng đa truy nhập phân chia mã thương mại đầu tiên trên thế giới do nhà mạng SK Telecom xây dựng. Số lượng thuê bao 2G trên cả nước đã vượt qua con số 20 triệu vào năm 2006 nhưng bắt đầu giảm sau khi cả nước thương mại hóa mạng 3G và 4G lần lượt vào năm 2003 và 2011.

Nhà mạng Hàn Quốc sẽ 'cắt' 2G từ tháng 6/2021 - Ảnh 2

Mạng 2G là gì?

Để hiểu công nghệ 2G là gì, hãy xét qua đôi nét về lịch sử phát triển của hệ thống mạng di động.

Hệ thống mạng di động thế hệ đầu được gọi là công nghệ 1G, được xem là mạng di động không dây cơ bản đầu tiên trên thế giới, lúc đó người sử dụng thiết bị di động chỉ có thể nghe và gọi. Khi số lượng các thuê bao trong mạng tăng lên, nhu cầu nâng cao dung lượng mạng để đảm bảo chất lượng cuộc gọi cũng như cung cấp thêm một số dịch vụ bổ sung cho mạng cũng xuất hiện.

Để giải quyết vấn đề này người ta đã nghĩ đến việc số hoá hệ thống mạng di động, và điều này dẫn tới sự ra đời của các hệ thống mạng di động thế hệ 2 hay còn gọi là công nghệ 2G.

2G là từ viết tắt của công nghệ viễn thông di động thế hệ thứ hai được ra mắt lần đầu tiên ở Phần Lan vào năm 1991.

Các tính năng chính của kết nối di động 2G là mã hóa tín hiệu các cuộc hội thoại và tin nhắn dưới dạng kỹ thuật số (cải tiến so với tín hiệu tương tự của mạng 1G), cung cấp các dịch vụ dữ liệu khác nhau cho điện thoại di động.

Ba tính năng vượt trội của mạng 2G so với 2 công nghệ tiền nhiệm là 0G và 1G là:

Gọi thoại với tín hiệu được mã hóa dưới dạng tín hiệu kĩ thuật số (digital encrypted) giúp cải thiện tốc độ và chất lượng cuộc gọi.

Cung cấp các dịch vụ như tin nhắn văn bản, tin nhắn hình ảnh và MMS (tin nhắn đa phương tiện).
Sử dụng hiệu quả hơn phổ tần số vô tuyến cho phép nhiều người dùng hơn trên mỗi dải tần.

Như vậy, việc ra đời của 2G đã giúp tiết kiệm về thời gian và chi phí và quan trọng là phạm vi kết nối phủ sóng rộng khắp.

Có thể hiểu rằng, mạng 2G chỉ có tác dụng cải thiện tốc độ và chất lượng cuộc gọi chứ không quyết định việc điện thoại có nghe gọi được không. Thậm chí nếu thông tin mạng 2G bị "khai tử" tại Việt Nam theo nhiều nguồn tin là đúng thì điện thoại cục gạch vẫn có thể nghe gọi được, chỉ là sẽ không còn hỗ trợ nhắn tin.

Pv (T/h)