Vietnam ICT Summit 2015: CNTT và Quản trị thông minh

15:14, 25/06/2015

Diễn đàn Cấp cao Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam 2015 (Vietnam ICT Summit) đã chính thức khai mạc tại Hà Nội sáng ngày 25/6.

Với chủ đề “CNTT và Quản trị thông minh”, diễn đàn đã thu hút sự tham gia của trên 500 đại biểu trong và ngoài nước. Đặc biệt, Diễn đàn có sự tham dự của không chỉ các doanh nghiệp trong ngành CNTT mà 2/3 các đại biểu đăng ký tham dự diễn đàn đến từ các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp ứng dụng CNTT từ khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Đây là sự thay đổi lớn trong thành phần tham dự diễn đàn so với 5 năm trước đây, chứng tỏ CNTT có được sự quan tâm ngày càng lớn hơn của cộng đồng và xã hội.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: “Việt Nam đã có được những bước tiến vượt bậc trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới. Việt Nam đã lọt vào nhóm các quốc gia dẫn đầu thế giới về cung cấp dịch vụ thuê ngoài phần mềm, trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới về đầu tư công nghiệp CNTT. Tuy nhiên, Việt Nam phải có những đột phá và hành động nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn để vươn lên trở thành một dân tộc tiên tiến thế giới”.

Phó Thủ tướng đã đưa ra chỉ đạo 6 điểm đối với các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà khoa học, các chuyên gia bao gồm: nhanh chóng xây dựng chính phủ điện tử; phát triển giao thông thông minh; kết nối liên thông ngành y tế, bảo hiểm, bệnh viện, bác sĩ với người dân; tăng nhanh nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các ngành có lợi thế cạnh tranh đặc biệt là nông nghiệp và du lịch; và ứng dụng CNTT sâu rộng để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản trị.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng chia sẻ: Tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của CNTT, theo chỉ đạo của Chính phủ, mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa phát biểu, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan, tổ chức, các hiệp hội liên quan trong đó có sự đóng góp của VINASA, sẽ tiếp tục tham mưu, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm triển khai thắng lợi Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, cụ thể cần phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Chú trọng tới việc kiện toàn, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, phương thức chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT và các Ban Chỉ đạo CNTT. Người đứng đầu các cấp, các ngành sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ ứng dụng, phát triển CNTT tại cơ quan, đơn vị và địa phương mình;

2. Đưa việc ứng dụng, phát triển CNTT là nội dung quan trọng, bắt buộc phải có trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công, chương trình mục tiêu năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020, cũng như trong các đề án, dự án đầu tư của quốc gia, các Bộ, ngành và địa phương.

3. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách và ban hành đầy đủ hành lang pháp lý về ứng dụng, phát triển CNTT theo hướng phù hợp với thực tế, đảm bảo theo kịp sự phát triển của công nghệ; Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về tài chính, đầu tư theo hướng bảo đảm phân bổ đủ mức ngân sách nhà nước hàng năm cho CNTT.

4. Xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ việc đầu tư, nghiên cứu - phát triển, sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ CNTT trọng điểm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước đóng vai trò lớn hơn trong các dự án CNTT, hỗ trợ hình thành một số doanh nghiệp CNTT Việt Nam tầm cỡ khu vực và thế giới.

5. Xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia đồng bộ, hiện đại trong đó thông tin được tạo lập, chia sẻ, tích hợp và sử dụng giữa các cơ quan, tổ chức và xã hội một cách hiệu quả với mục tiêu hỗ trợ tốt nhất cho công tác quản trị, quản lý và điều hành tại các lĩnh vực trọng điểm, trong môi trường đảm bảo và tự chủ về an toàn thông tin.

6. Thúc đẩy triển khai các phương thức đầu tư, ứng dụng CNTT tiên tiến, hiệu quả, minh bạch như việc cho phép thuê dịch vụ CNTT, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư,… huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia; tạo điều kiện thuận lợi, áp dụng mức ưu đãi cao nhất cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất và cung cấp sản phẩm, dịch vụ CNTT.

7. Ứng dụng, khai thác, phát triển và làm chủ các công nghệ quản trị, quản lý thông minh dựa trên các thành tựu khoa học - công nghệ, ứng dụng CNTT rộng rãi, thiết thực, có hiệu quả cao; Phát triển nguồn nhân lực CNTT đáp ứng nhu cầu mới.

Bên lề sự kiện, nhiều doanh nghiệp lớn đã tham gia trưng bày, giới thiệu những sản phẩm công nghệ mới, thu hút quan tâm của đông đảo đại biểu tham dự, bao gồm: Tập đoàn VNPT, FPT, VTC, Honey Well…

Thời Phong