Vinamilk "bắt tay" Kido, ứng dụng CN logistics vào sản xuất nước giải khát - kem

14:53, 09/06/2020

Cả Kido và Vinamilk đều là hai doanh nghiệp có năng lực lớn về sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm. nguồn lực tài chính mạnh mẽ. Việc liên doanh sẽ tận dụng được ưu điểm về logistics, giá nguyên vật liệu cạnh tranh hơn khi khai thác lợi thế quy mô. Bên cạnh đó, công ty mới có thể tận dụng được mạng lưới xuất khẩu rộng lớn của Vinamilk.

Sáng ngày 9/6, Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (KDC) và Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) công bố đã ký thỏa thuận ghi nhớ liên quan đến việc thành lập liên doanh trong lĩnh vực nước giải khát - kem. Trong đó, tỷ lệ vốn góp của Vinamilk là 51%, còn Kido là 49%.

Lĩnh vực liên doanh của hai bên là sản xuất kinh doanh nước giải khát (bao gồm các loại nước có lợi cho sức khỏe, trà, trà sữa… không bao gồm các loại có ga), sản xuất và kinh doanh các loại kem và thực phẩm đông lạnh.

Thông tin này được đưa ra ngay trong Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Thực phẩm đông lạnh Kido – KidoFoods (KDF) – là công ty con của Tập đoàn Kido.

Phát biểu tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 sáng 9/6 của Công ty Cổ phần Thực phẩm Đông lạnh Kido (Kido Foods), Phó tổng giám đốc Kido Group Mai Xuân Trầm cho biết liên doanh của Kido và Vinamilk sẽ lấy tên Vibev.

Theo ông Trầm, nước giải khát là một trong những lĩnh vực hấp dẫn của thị trường thực phẩm. Năm 2019, quy mô của ngành hàng nước giải khát Việt Nam lên tới 124.000 tỷ đồng. Dự báo đến năm 2023, con số này có thể đạt 134.000 tỷ.

Phó tổng giám đốc Kido Group đánh giá Kido và Vinamilk có nhiều lợi thế tương đồng giúp liên doanh nước giải khát mới thành công. Hai doanh nghiệp sở hữu hơn 1 triệu điểm bán nước giải khát, 600.000 điểm bán tạp hóa, 450.000 điểm bán thực phẩm thiết yếu và 120.000 điểm bán ngành hàng lạnh.

Cả Kido và Vinamilk đều là hai doanh nghiệp có năng lực lớn về sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm, nguồn lực tài chính mạnh mẽ. Liên doanh Vibev sẽ tận dụng được ưu điểm về logistics, giá nguyên vật liệu cạnh tranh hơn khi khai thác lợi thế quy mô. Bên cạnh đó, công ty mới có thể tận dụng được mạng lưới xuất khẩu rộng lớn của Vinamilk.

Lãnh đạo Kido Group giới thiệu về liên doanh nước giải khát với Vinamilk.

Tại đại hội, ban lãnh đạo KidoFoods cũng trình kế hoạch sáp nhập vào công ty mẹ Kido để gia tăng giá trị và tính thanh khoản của cổ phiếu, nâng cao năng lực tài chính, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc sáp nhập được thực hiện bằng cách công ty mẹ Kido sẽ phát hành thêm cổ phần KDC để hoán đổi toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành của KDF theo tỉ lệ 1:1,3 (1 cổ phiếu KDF sẽ đổi được 1,3 cổ phiếu KDC). Dự kiến trong tháng 8 sẽ hoàn tất các thủ tục để chuyển đổi cổ phiếu nói trên.

Mảng hoạt động kinh doanh chính của KidoFoods bao gồm kem, các sản phẩm từ sữa và thực phẩm đông lạnh. Năm 2019, KidoFoods đạt doanh thu thuần 1.383 tỉ đồng, tăng 10% và lợi nhuận trước thuế đạt 185 tỉ đồng, tăng 488% so với năm 2018.

Tuy nhiên, do diễn biến giá nguyên liệu tăng liên tục, năm qua công ty tạm hoãn kế hoạch mở rộng quy mô và chỉ duy trì để dự phòng cho kế hoạch phát triển của ngành lạnh trong thời gian tới...

Theo số liệu từ Euromonitor năm 2019, KidoFoods đang dẫn đầu thị trường kem Việt Nam với 41,4% thị phần, bỏ xa các đơn vị kế tiếp. Theo kế hoạch năm 2020, KidoFoods đặt mục tiêu doanh thu thuần là 1.600 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 200 tỉ đồng, tăng lần lượt 15,7% và 7,9% so với năm vừa qua.

Kido Foods là công ty được Kido thành lập để mua lại nhà máy kem Wall’s của Unilever vào năm 2003, với vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng. Đây là thương vụ hiếm hoi một doanh nghiệp nội mua lại dây chuyền, nhà máy sản xuất của một tập đoàn đa quốc gia vào thời điểm đó.

Trải qua 16 năm, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Celano, Merino hiện là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường kem tại Việt Nam với 41,4% thị phần.

Thanh Tùng