Xu hướng công nghệ và nguồn lực CNTT chất lượng cao cần đáp ứng

11:59, 27/10/2022

Ngày 25/10/2022, Hội Tin học Việt Nam (VAIP) phối hợp cùng Hội Tin học TP.HCM (HCA) tổ chức chuỗi tọa đàm “Nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao” và “Xu hướng Công nghệ chuỗi khối Blockchain tại Việt Nam”.

Chất lượng nguồn lực là chìa khóa duy nhất giải quyết bài toán phát triển CNTT

Đánh giá nguyên nhân dẫn đến nhu cầu nguồn nhân lực CNTT trên thị trường tăng nhanh hiện nay, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch HCA cho biết là do đang có sự tăng trưởng trong ứng dụng CNTT của Chính phủ và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam đã hình thành thị trường có nhu cầu về nguồn nhân lực kỹ năng cao cho dịch vụ
gia công phần mềm. Hoạt động đầu tư của các tập đoàn CNTT đa quốc gia vào Việt Nam cũng gia tăng. Các ứng dụng phục vụ cho người sử dụng cuối bùng nổ với sự tăng trưởng của hạ tầng viễn thông và Internet. Các chương trình xây dựng thành phố thông minh, các chương trình chuyển đổi số, các dây chuyền sản xuất, nhu cầu ứng dụng công nghệ mới như AIoT, điện toán đám mây… đòi hỏi cần đáp ứng một lượng lớn nguồn lực có chuyên môn cao. Trong khi đó, hoạt động đào tạo trên cả nước nói chung vẫn chưa đáp ứng được sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, cũng như các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế về nghề cùng các kỹ năng chuyên nghiệp, ngoại ngữ và năng suất lao động. Ông Lâm Nguyễn Hải Long khẳng định, để giảm thiểu những thách thức này, ngành CNTT chỉ có thể cạnh tranh trên cốt lõi là làm sao có được nguồn nhân lực dồi dào với chất lượng ổn định. Bởi chất lượng nhân lực chính là chìa khóa duy nhất để giải quyết bài toán phát triển ngành CNTT.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM.

Tỷ lệ sinh viên tìm được đúng việc theo chuyên môn đào tạo chỉ khoảng 75%, trong đó nhóm ngành Du lịch, nhà hàng chiếm tỷ lệ cao nhất 91%, tiếp đến là nhóm ngành kỹ thuật, CNTT đạt tỷ lệ 88% và giảm dần với các nhóm ngành Quản trị kinh doanh và Xã hội khác. Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, 11,2% doanh nghiệp cho rằng ngành học của sinh viên ít phù hợp với công việc và có đến 16% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá chương trình đào tạo hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa gắn liền với thực tiễn, sinh viên không có nhiều cơ hội đạt được các kỹ năng phù hợp để cạnh tranh trên thị trường lao động khắc nghiệt. Đây cũng là điểm hạn chế, tác động đến cơ hội có được việc làm và việc làm chất lượng của sinh viên - ông Trần Vân Nam, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng FPT Polytechnic chia sẻ thêm. Cũng theo thống kê, riêng tại TP.HCM, có từ 8.000-10.000 sinh viên ngành CNTT ra trường mỗi năm đây cũng là một con số không hề nhỏ.

Tình trạng thừa nhưng vẫn thiếu nguồn nhân sự CNTT vẫn tồn tại bao lâu nay theo ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký VAIP, chủ yếu do nguồn nhân lực chuyên môn cao chưa đáp ứng nhu cầu, các chương trình đào tạo tại các trường đại học chưa đúng trọng tâm doanh nghiệp tìm kiếm, hầu hết sinh viên ra trường đều thiếu kỹ năng và chuyên môn, phải mất thêm một khoảng thời gian nhất định để đào tạo lại ở môi trường doanh nghiệp. Giải pháp để cân bằng tình trạng thiếu hụt cung-cầu, theo ông Nguyễn Long cần tập trung tăng chất lượng hơn về số lượng. Các đơn vị đào tạo nên phối hợp, liên kết chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp công nghệ, các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế để mở rộng các cơ hội việc làm, kết hợp để đào tạo, giảng dạy cho nguồn nhân lực từ ghế nhà trường. Nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên, cần đi sâu vào kỹ năng thực hành, nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT, kỹ năng nghiên cứu và vận hành. Các doanh nghiệp đều mong muốn những cơ sở đào tạo có được những cơ chế chính sách cởi mở để có thể thiết kế những chương trình đào tạo thiết thực, giúp sinh viên ra trường là có thể làm việc được ngay mà không cần phải mất thời gian cầm tay chỉ việc.

Chiến lược xây dựng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao càng được xem là yếu tố quan trọng cần phải đặt lên hàng đầu.

Là tổ chức xã hội nghề nghiệp, trong nhiều năm qua Hội Tin học Việt Nam đã trở thành nhân tố quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng, tìm kiếm tài năng CNTT trẻ Việt Nam, thông qua việc tổ chức các cuộc thi như Olympic Tin học, Kỳ thi ICPC và các kỳ thi Tin học, Lập trình, Sáng tạo dành cho học sinh, sinh viên, coder Việt Nam… dành cho mọi lứa tuổi, từ cấp tiểu học đến người đã đi làm dưới 30 tuổi. Rất nhiều gương mặt xuất sắc đang công tác ở các cấp quản lý, giảng dạy ở các trường đại học nổi tiếng và khởi nghiệp thành công trong nước và quốc tế hiện nay đều bước ra từ các cuộc thi Olympic và ICPC. Vì vậy, trong chiến lược xây dựng nguồn nhân lực CNTT chất lượng, ông Nguyễn Long nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc xếp hạng đào tạo CNTT tại Việt Nam, và hiện VAIP đang tiến hành xây dựng bộ chỉ số xếp hạng này (CS-Ranking). Song song đó, VAIP cũng đang phối hợp với các đối tác thực hiện đề án kết nối trường đại học với trường chuyên, nhằm mở rộng phạm vi cung cấp kiến thức, kỹ năng mới cho học sinh cũng như mở rộng đầu vào chất lượng cao tuyển sinh. Đặc biệt, VAIP cũng đang thực hiện kế hoạch xây dựng và vận hành hệ thống CSDL và cổng thông tin phục vụ quản lý các cuộc thi Olympic-ICPC Việt Nam và các cuộc thi khác và cấp chứng nhận giải thưởng để đảm bảo nguồn đầu vào có kỹ năng. Hội cũng sẽ sớm ra mắt Sách tổng hợp các bộ đề học sinh, sinh viên giỏi cấp Quốc gia và Quốc tế, và ra mắt Cổng đào tạo để tổ chức các khóa học trực tuyến về thuật toán-lập trình, STEM và các vấn đề công nghệ mới liên quan đến kỹ năng lập trình như Big Data, blockchain, Web 3… do các chuyên gia hàng đầu về công nghệ phụ trách.

Ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký VAIP.

Ông Nguyễn Long cũng kiến nghị, các cơ quan có thẩm quyền cần đưa Olympic Tin học SV, thi HSG Tin học Quốc gia, Quốc tế vào nội dung thực hiện Quyết định 698 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển nguồn nhân lực CNTT và các kế hoạch phát triển CNTT mới" của Chính phủ. Chính thức hóa và có nguồn kinh phí hàng năm cho hoạt động Olympic Tin học SV của các đại học, học viện, cao đẳng. Cần khuyến khích (và bắt buộc với các trường đạo tạo CNTT và tạo điều kiện để tổ chức Olympic Tin học giữa các khối ĐH, CĐ và Olympic SV Việt Nam. Khuyến khích và hỗ trợ cụ thể sinh viên tham gia các kỳ thi, giải CNTT quốc tế như ICPC cũng như khen thưởng các học sinh, sinh viên đoạt giải. Các trường đào tạo cần tạo môi trường phát triển tài năng sinh viên CNTT, theo đó trong 3 năm đầu tập trung vào đào tạo kỹ năng, còn các năm sau nên khuyến khích vào sáng tạo và thực tế nghiên cứu ứng dụng.

Vai trò của công nghệ Blockchain trong chuyển đối số

Khái quát toàn cảnh Blockchain Việt Nam, ông Huy Nguyễn, Chuyên gia Google, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết sau 13 năm hình thành và phát triển (từ 2009 đến nay), công nghệ Blockchain đã được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực mà không chỉ tài chính hay tiền mã hóa (Cryptocurrency) như mọi người thường biết. Blockchain được định nghĩa là công nghệ chuỗi khối, là sổ cái phân tán với bằng chứng truy vết, mỗi một nút trong mạng được xem như một clinet và cũng là server để lưu trữ bản sao ứng dụng. Và với cơ chế đồng thuận, tất cả nút mạng khi tham gia đều phải tuân thủ luật chơi. Đáp ứng nhu cầu sử dụng và xu hướng phát triển, Blockchain hiện có 3 loại Public (hoàn toàn công khai và miễn phí sử dụng – như Bitcoin, Ethereum, Solana…), Private (chỉ những tổ chức, đối tượng có thẩm quyền mới được tham gia hệ thống, như Ethereum,Hypeledger, Corda…) và Hybrid (kết hợp giữa Public và Private, hỗ trợ nhiều giải pháp tùy biến, như Ripple Network, XinFin…).

Blockchain đã được thế giới công nhận là một trong những công nghệ của tương lai. Hiện tại có đến 81 doanh nghiệp nằm trong Top 100 doanh nghiệp lớn nhất thế giới đều đang sử dụng các giải pháp liên quan đến Blockchain. Thống kê của trang Crypto cũng cho thấy, tính đến hết năm 2021, gần 400 triệu người trên thế giới sở hữu định danh mã hóa. Tổng lượng tiền đầu tư vào các công ty Blockchain trên toàn cầu riêng trong năm 2021 lên đến 30 tỷ USD. Sức hấp dẫn của công nghệ này còn thể hiện ở số lượng các bằng sáng chế. Từ 4.673 bằng sáng chế về Blockchain trong năm 2018 đã tăng vọt lên 56.000 bằng trong năm 2021.

Du nhập vào Việt Nam từ năm 2017, ông Huy Nguyễn cho biết thêm, trong Top 500 doanh nghiệp Blockchain hàng đầu thế giới hiện nay có tên của 7 công ty Việt Nam (Axie, 98, TomoChain, akaChain, Kardiachain, Aura…). Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm đã được rót về cho các công ty Blockchain Việt Nam này ước đạt 325 triệu USD. Trong 2 năm liền vừa qua, Việt Nam được ghi nhận là quốc gia đứng đầu về tỷ lệ tiếp nhận tiền mã hóa trên toàn cầu. Thị trường cũng được dự đoán có tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian từ 2023-2027… Tất cả các số liệu trên cho thấy, nhu cầu thị trường ứng dụng công nghệ Blockchain rất lớn, tuy nhiên trở lại câu chuyện về vấn đề nguồn nhân lực, ông Huy Nguyễn nhận định, mặc dù trong nước hiện có đến 160 trường đào tạo về CNTT nhưng nguồn lực chuyên biệt cho lĩnh vực Blockchain bị thiếu nghiêm trọng, chỉ đáp ứng được từ 10-15% nhu cầu, và nguồn lực này có được chủ yếu từ việc chuyển ngành. Ông Huy cũng lưu ý thêm, bên cạnh phát triển các ứng dụng công nghệ Blockchain thành công của các công ty trong nước như FPT, Viettel, VietnamBlockchain Corporation, Kardiachain…, hay các công ty trong lĩnh vực tiền mã hóa thì hiện vẫn có không ít những công ty mạo danh Blockchain để thực hiện những hành vi bất chính.

Công nghệ Blockchain đóng vài trò gì cho vấn đề chuyển đổi số quốc gia? Ông Huy khẳng định, Blockchain không phải là chìa khóa vạn năng nhưng nó sẽ là chìa khóa để mở ra cánh cửa tới tương lai. Blockchain sở hữu những tính năng rất đặc biệt mà nếu sử dụng đúng sẽ hỗ trợ rất đắc lực cho những công nghệ khác trong bất cứ cuộc chuyển dịch nào. Chính phủ Việt Nam cũng ủng hộ và đã ban hành nhiều quyết định liên quan đến công nghệ mới này. Điển hình tại Quyết định 942/QĐ-TTg, Chính phủ đã giao ngân hàng nhà nước chủ trì nghiên cứu xây dựng và thí điểm sử dụng tiền điện tử ngân hàng trung ương dựa trên công nghệ Blockchain. Hay theo Quyết định 2117/QĐ-TTg, Chính phủ cũng nhấn mạnh blockchain là công nghệ trụ cột  trong cuộc CMCN 4.0.

Việc ứng dụng Blockchain trong chuyển đổi số sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro sai phạm do con người, đồng thời tăng hiệu quả sản xuất. Với mỗi lĩnh vực ngành nghề, công nghệ blockchain sẽ hiện diện và giúp giải quyết những vấn đề theo cách khoa học và minh bạch nhất. Như trong Ngân hàng, công nghệ blockchain sẽ giúp giải quyết các vấn đề trong tài trợ thương mại, thanh toán quốc tế; trong lĩnh vực Logistic sẽ minh bạch chuỗi cung ứng, tự động hóa thanh toán và theo dõi hàng hóa theo thời gian thực. Tương tự, trong lĩnh vực Giáo dục sẽ giúp lưu trữ văn bằng, tạo sơ yếu lý lịch; trong Y tế, Sức khỏe giúp lưu trữ hồ sơ bệnh án, ủy quyền cung cấp dịch vụ; hay trong Nông nghiệp giúp truy xuất nguồn gốc… Là quốc gia sở hữu dân số vàng (75% dân số trong độ tổi lao động), Việt Nam được các chuyên gia quốc tế nhận định là một trong những thị trường tiềm năng nhất cho phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain.

Chắc chắn chuyển đổi số nếu không có Blockchain thì không thể có được nền kinh tế số, bởi nền kinh tế số cần phải đảm bảo đầu tiên là sự minh bạch, sau đó là trải nghiệm dịch vụ. Đây cũng chính là cơ hội lớn cho lớp trẻ tiếp cận Blockchain để phát triển những giải pháp phục vụ thị trường trong nước cũng như cạnh tranh với thế giới. 

Ngày hội Tuyển dụng 4.0 sẽ diễn ra vào ngày 2/12/2022 tại Công viên Phần mềm Quang Trung, TP.HCM

Trong khuôn khổ sự kiện, ngày 25/10/2022, Hội Tin học TP.HCM (HCA) đã phối hợp cùng các đối tác công bố tổ chức Ngày hội Tuyển dụng 4.0 - The Next Occasion inTech 2022 với chủ đề “Chinh phục Công nghệ - Kiến tạo tương lai”. Sự kiện sẽ được diễn ra vào ngày 2/12/2022 tại Trung tâm Triển lãm Hội nghị Quốc tế Việt Nam - VISKY EXPO, Khu Công viên Phần mềm Quang Trung, Phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, TP.HCM.

Ngày hội Tuyển dụng 4.0 - The Next Occasion inTech 2022 được kỳ vọng các bạn sinh viên sẽ có được cơ hội tiếp cận các thông tin mới về thị trường lao động, nhu cầu và tiêu chí tuyển dụng của doanh nghiệp để từ đó có những định hướng phù hợp. Ngoài ra, sự gắn kết, hợp tác chặt chẽ giữa các trường viện và doanh nghiệp thông qua các hoạt động chuyên môn sẽ giúp rút ngắn khoảng cách đào tạo - tuyển dụng, mang lại hiệu quả đầu tư của xã hội.

Ngày hội dự kiến thu hút hơn 100.000 lượt tham dự với nhiều hoạt động thiết thực; hứa hẹn sẽ là nơi giao lưu, trao đổi về các chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; thúc đẩy việc làm bền vững gắn với tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập các nghề mũi nhọn của Thành phố trong thời gian tới như: Công nghệ thông tin - Truyền thông - Trí tuệ nhân tạo, Tự động hóa - Robot, Y tế, Quản trị doanh nghiệp, Tài chính - Ngân hàng và Du lịch.

Bên cạnh hoạt động tuyển dụng, Ngày hội còn nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức các hội thảo về kỹ năng, hội thảo chuyên ngành, đưa đoàn các ứng viên vào doanh nghiệp tại Công viên Phần mềm Quang Trung để tham quan, trao học bổng cho những sinh viên giỏi vượt khó, bình chọn các hồ sơ xin việc xuất sắc, các hoạt động game mini… Đặc biệt vào buổi tối còn có chương trình ca nhạc của nhiều gương mặt ca sĩ nổi tiếng được giới trẻ yêu thích hiện nay. Thông tin Ngày hội tham khảo thêm tại đây https://tinyurl.com/TNOiT-2022.

Thùy Dung