10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Người dùng phải chịu trách nhiệm về thông tin trên MXH
Với xu thế sử dụng mạng xã hội (MXH) để chia sẻ thông tin ngày càng tăng, Bộ TT-TT vừa ban hành Thông tư về "Hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội". Đây cũng là sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần.
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: VNPT nâng dung lượng kênh Internet quốc tế
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Việt Nam xếp thứ 3 thế giới về thư rác
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Bộ TT-TT sẽ quản lý đầu số nhắn tin để giảm tin nhắn rác
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Việt Nam sẽ cung ứng 80% chip máy tính của Intel trên toàn cầu
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Tên miền tiếng Việt đạt 1 triệu tên trong tháng 7
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Bitcoin tại Việt Nam đang “tiền trảm, hậu tấu”?
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: “Lãnh đạo sở ngành rất kém về CNTT”
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Mobifone chính thức rời VNPT
- Những sản phẩm số tiêu biểu năm 2007
1- Tên miền tiếng Việt chính thức cán mốc 1 triệu
Với việc chính thức chào đón tên miền tiếng Việt thứ 1 triệu, Việt Nam đã trở thành quốc gia cấp phát tên miền đa ngữ nhiều nhất thế giới.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng phát biểu tại sự kiện.
Trung tâm Internet Việt Nam cho biết, con số này là thành quả của việc mở cửa cho phép đăng ký trực tuyến và miễn phí tên miền tiếng Việt theo chủ trương của Chính phủ từ cuối tháng 4/2011. Con số 1 triệu chỉ là mốc chào mừng, bởi tính đến ngày 9/8, số lượng tên miền tiếng Việt đã kích hoạt là 1.006.306.
Tên miền tiếng Việt thuộc hệ thống tên miền đa ngữ (viết tắt IDN), là xu thế đang phát triển của công nghiệp nội dung Internet. Đây là tên miền được các quốc gia không sử dụng dụng ngôn ngữ tiếng Anh, ký tự Latin triển khai để hỗ trợ người dân địa phương truy cập Internet bằng ngôn ngữ riêng.
Dù số lượng đăng ký đã vượt mốc 1 triệu, nhưng số lượng trang web tên miền tiếng Việt tính đến 7/2014 mới ở con số 153,108 trang. Tuy nhiên, căn cứ số liệu thực tế, tên miền tiếng Việt đưa vào sử dụng tăng trưởng ngày một cao (năm 2012 là 10,15%, năm 2014 là 18,07%).
2- Người dùng phải chịu trách nhiệm về thông tin chia sẻ trên MXH
Thông tư số 09 của Bộ TT-TT quy định "Hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội" nêu rõ, các cá nhân có quyền chia sẻ thông tin không vi phạm quy định trên trang cá nhân, nhưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung các thông tin được đăng tải, chia sẻ đó.
Thông tư 09 cũng quy định, cá nhân không được phép cung cấp thông tin tổng hợp. Các trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành, mạng xã hội khi muốn cung cấp thông tin tổng hợp thì phải đề nghị cấp phép như đối với các trang thông tin điện tử tổng hợp. Tương tự, những trang này nếu muốn thiết lập mạng xã hội sẽ phải đề nghị cấp phép như đối với mạng xã hội.
Các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung thông tin do mình cung cấp. Sau 90 ngày kể từ khi giấy phép có hiệu lực, nếu tổ chức/doanh nghiệp được cấp phép không thiết lập được trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội thì giấy phép sẽ không còn hiệu lực.
Thông tư 09 là Thông tư đầu tiên được ban hành để hướng dẫn thi hành Nghị định 72 của Chính phủ về Quản lý Thông tin trên Internet. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3/10 để thay thế Thông tư số 14 do Bộ TT&TT ban hành trước đây về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet, cũng như thay thế Thông tư số 07 về hoạt động cung cấp thông tin trên trang cá nhân.
3- Cách phân loại các dịch vụ viễn thông của Việt Nam hiện không phù hợp
Do sự phân loại các loại hình dịch vụ viễn thông trước đây của Việt Nam khá đơn giản, nên dần nảy sinh những bất cập trong điều kiện mới, khi Việt Nam đang đàm phán để gia nhập các Hiệp định tự do thương mại song phương.
Quan điểm này được Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng đưa ra tại Hội nghị Hợp tác Quốc tế "Thông tin & Truyền thông: Hội nhập trong thời kỳ mới" vào ngày 25/8, khi ông đề cập đến những thách thức của lĩnh vực viễn thông trong quá trình đàm phán tham gia 7 Hiệp định quan trọng. Trong số này, đáng chú ý nhất là TPP - Hiệp định Thương mại tự do được đánh giá là "sâu và rộng nhất" mà Việt Nam từng tham gia, nhưng đồng thời cũng là Hiệp định phức tạp nhất mà Bộ TT-TT cùng Bộ Công thương đang phải "căng sức thực hiện".
Cụ thể, chúng ta phân chia dịch vụ khá đơn giản, bao gồm: Dịch vụ cơ bản và dịch vụ viễn thông Giá trị gia tăng, trong đó, dịch vụ cơ bản bao gồm dịch vụ cơ bản có gắn với hạ tầng và dịch vụ cơ bản không gắn với hạ tầng; dịch vụ GTGT cũng chia thành có gắn với hạ tầng và không gắn với hạ tầng. Cách phân loại đó không còn thể hiện được chính xác bản chất của các dịch vụ viễn thông hiện đại nữa. Nếu tiếp tục dựa vào đó để đưa ra các cam kết với quốc tế khi đàm phán hiệp định thương mại tự do thì sẽ dẫn đến những bất cập lớn.
"Trong lĩnh vực viễn thông, tuy doanh nghiệp đã quen với việc đàm phán gia nhập thị trường kể từ sau khi chúng ta đạt được hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ và gia nhập WTO, nhưng chắc chắn, mức độ đòi hỏi hiện nay sẽ lớn hơn rất nhiều so với trước đây. Tương tự, lĩnh vực bưu chính - chuyển phát nhanh có lợi nhuận cao nên đòi hỏi mở cửa thị trường là khó tránh khỏi", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đối với lĩnh vực CNTT thì thách thức hiện nay chủ yếu liên quan đến Thương mại Điện tử, các thủ tục chứng thực chữ ký số và thuận lợi hóa về hạ tầng kỹ thuật để thúc đẩy TMĐT phát triển, ông cho biết thêm.
4- Khai mạc Ngày Công nghệ thông tin 2014 tại Hà Nội
Ngày Công nghệ thông tin (CNTT) 2014 với chủ đề “SMAC - Nền tảng công nghệ phát triển thông minh” đã được khai mạc sáng 22/8 tại Hà Nội.
Theo các chuyên gia, SMAC sẽ thúc đẩy sự ra đời của các dịch vụ và sản phẩm CNTT mới, cơ hội đầu tư phát triển CNTT mới cho các doanh nghiệp. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết: “Cuộc cách mạng công nghệ SMAC đã bắt đầu tại Việt Nam. Nhiều công ty Việt Nam đã và đang làm SMAC. Mọi người, mọi nhà, mọi doanh nghiệp đều có thể tham gia cuộc cách mạng này để có thể dùng SMAC tạo ra năng suất, hiệu quả vượt trội”.
Ngày CNTT 2014 là sự kiện thường niên do Viện Công nghiệp phần mềm & Nội dung số thuộc Bộ TT-TT, Viện CNTT thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Khoa học Công nghệ của Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam VINASA đồng tổ chức, nhằm chia sẻ thông tin, phân tích đánh giá, dự báo xu hướng công nghệ mới nhất về CNTT trên thế giới và tại Việt Nam.
5- Vinaphone tặng 2.000 SIM biển đảo cho ngư dân Phú Yên
Trong tuần, từ ngày 24-27/8, VNPT Phú Yên phối hợp với Công ty VinaPhone tổ chức chương trình "Vinaphone tiếp sức ngư dân bám biển" tại địa bàn TP.Tuy Hòa, huyện Tuy An, huyện Đông Hòa và thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên).
Theo đó, chương trình dành tặng 2.000 SIM biển đảo miễn phí cho ngư dân các địa phương nói trên, trị giá 400.000 đồng/SIM.
Khi sử dụng bộ SIM này, ngư dân sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về viễn thông như: Giá cước gọi nội mạng 345 đồng/phút và ngoại mạng 700 đồng/phút, giảm gần 1/2 so với giá cước các cuộc gọi thông thường; cước tin nhắn là 99 đồng/tin nhắn.
6- Sẽ thu phí, lệ phí tên miền tiếng Việt
Tại chương trình Chào mừng sự kiện “Tên miền Tiếng Việt thứ 1 triệu” vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng đã đề nghị Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) nghiên cứu thu phí, lệ phí tên miền tiếng Việt (TMTV); bởi hiện VNNIC vẫn đang thực hiện cấp phát tên miền tiếng Việt tự do, miễn phí.
Lý giải điều này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, khi chúng ta cấp phát miễn phí thì tên miền sẽ được giữ chỗ rất nhiều, không đưa vào sử dụng. Vì vậy, phải xem xét thời điểm thu phí, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phù hợp và cũng để bù đắp chi phí cho bản thân cơ quan quản lý, cho các nhà đăng ký tên miền.
Ngoài ra, việc đóng phí cũng để tránh đầu cơ, phải chuyển nhượng nhanh, không giữ mãi được. Điều đó sẽ đẩy thị trường tên miền tiếng Việt đến đúng người cần dùng thật. Nhiều khi người sở hữu tên miền giữ lại để đợi giá cao lên chuyển nhượng sẽ sinh ra đầu cơ tên miền nên chính sách phí, lệ phí cũng cần phải xem xét trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết.
Thứ trưởng cũng đề nghị VNNIC, ngoài xem xét chính sách về phí, lệ phí để đảm bảo hoạt động có hiệu quả, cần tiếp tục truyền thông tên miền đa ngữ TMTV, bởi rất nhiều tổ chức, người dân, doanh nghiệp chưa hiểu hết ý nghĩa của TMTV. TMTV và nội dung thuần Việt là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Chúng ta dùng TMTV để truy cập các trang web thuần Việt thì cũng chính là dùng sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam.
7- Trang điện tử tổng hợp, MXH phải có ít nhất 1 hệ thống máy chủ đặt tại VN
Đó là một trong những điều kiện về kỹ thuật được Quy định tại Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT ngày 19/8/2014 của Bộ TT-TT, v/v quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội.
Cụ thể, tại Điều 4, Khoản 2, Điểm e của Thông tư quy định, việc thiết lập hệ thống thiết bị kỹ thuật trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội phải đáp ứng các yêu cầu: Đảm bảo phải có ít nhất 01 (một) hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, cho phép tại thời điểm bất kỳ cũng có thể đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin trên toàn bộ các trang thông tin tiện tử, mạng xã hội do tổ chức, doanh nghiệp sở hữu theo quy định tại điểm a, b, c, d và đ của Khoản 2 Điều này.
Ngoài ra, đối với trang thông tin điện tử tổng hợp phải: Lưu trữ tối thiểu 90 (chín mươi) ngày đối với nội dung thông tin tổng hợp kể từ thời điểm đăng tải; lưu trữ tối thiểu 02 (hai) năm đối với nhật ký xử lý thông tin được đăng tải. Đối với mạng xã hội: Lưu trữ tối thiểu 02 (hai) năm đối với các thông tin về tài khoản, thời gian đăng nhập, đăng xuất, địa chỉ IP của người sử dụng và nhật ký xử lý thông tin được đăng tải.
Đồng thời, các trang phải tiếp nhận, xử lý, cảnh báo thông tin vi phạm từ người sử dụng; phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn truy nhập bất hợp pháp, các hình thức tấn công trên môi trường mạng và tuân theo những tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thông tin; có phương án dự phòng bảo đảm duy trì hoạt động an toàn, liên tục và khắc phục khi có sự cố xảy ra, trừ những trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3/10/2014.
8- VNPT phát động Chiến dịch thi đua 120 ngày đêm về đích
Chiến dịch thi đua 120 ngày đêm hoàn thành vượt mức kế hoạch SXKD và tổ chức tôn vinh hơn 200 điển hình bán hàng giỏi, kỹ thuật viên giỏi trong phong trào Nụ cười VNPT 2014 được Tập đoàn VNPT và Công đoàn Bưu điện Việt Nam cùng phát động ngày 22/8, nhằm phấn đấu hoàn thành và vượt mức kế hoạch SXKD năm 2014.
Trong nội dung phát động thi đua đặc biệt "Phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch SXKD năm 2014", Ban Tổng giám đốc VNPT và Ban Thường vụ Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã đặt chỉ tiêu cho nhiều nội dung quan trọng như: Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch doanh thu Tập đoàn giao; Thực hiện tiết kiệm chi phí, đảm bảo hoàn thành vượt mức chỉ tiêu chênh lệch thu chi, giảm tối đa mức chênh lệch thu chi âm; Năng suất lao động tăng 10-15%.
9- Viettel bị yêu cầu dừng chương trình Internet cho Giáo dục
Tập đoàn Viettel vừa bị Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) yêu cầu dừng chương trình Internet cho giáo dục ở Hà Nam do vi phạm các quy định về quản lý giá cước và khuyến mại.
Theo đó, Cục Viễn thông đã ra văn bản yêu cầu Viettel dừng chương trình triển khai kết nối Internet cáp quang cho ngành giáo dục tại tỉnh Hà Nam mang tên FTTH EDU. Cơ quan này cho rằng chương trình trên vi phạm các quy định về quản lý giá cước và khuyến mại trong lĩnh vực viễn thông.
FTTH EDU là gói cước có giá 440.000 đồng/tháng, là gói cước cáp quang 18MB dành riêng cho trường học với đường truyền tốc độ cao và có thể sử dụng cho 15 – 18 máy tính. Người sử dụng được miễn phí lắp đặt và hỗ trợ modem wifi 4 cổng. Đặc biệt khi nhà trường thanh toán trước 6 tháng cước sẽ được miễn phí thêm 2 tháng sử dụng.
Được biết, Viettel không chỉ phải dừng việc này ở Hà Nam mà còn phải dừng chương trình này trên toàn quốc và phải báo cáo về vấn đề này trước ngày 28/8/2014.
Phía Viettel cho biết, tổng số thuê bao FTTH EDU theo chương trình này ở Hà Nam mới có 71 thuê bao.
10- TP.HCM sẽ trở thành “Đô thị thông minh”
Ngày 26/8, Sở TT-TT TP.HCM, Microsoft Việt Nam và lãnh đạo Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã ký Biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng đô thị thông minh và phát triển bền vững tại TP.HCM.
Hai bên sẽ phối hợp cùng triển khai các lĩnh vực trọng tâm bao gồm: Cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin (CNTT), cơ sở hạ tầng CNTT cho Đô thị thông minh; An toàn bảo mật thông tin; Phát triển ứng dụng điện toán đám mây; Đào tạo nhân lực CNTT; Các ứng dụng phục vụ quản lý chính quyền điện tử trong các lĩnh vực kinh tế xã hội…
Cũng trong khuôn khổ bản ghi nhớ, các thỏa thuận hợp tác liên quan đến lĩnh vực phát triển y tế và giáo dục cũng được thiết lập, hướng đến sự phát triển toàn diện của TP.HCM, nâng cao ý thức về tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và sử dụng các giải pháp chính hãng, triển khai phần mềm và ứng dụng có bản quyền.
Đặc biệt, hai bên sẽ cùng xem xét kết hợp triển khai giải pháp điện toán đám mây Microsoft Office 365 cho lĩnh vực giáo dục của thành phố, đồng thời đẩy mạnh việc triển khai máy tính với phần mềm đi kèm theo dự án ưu đãi Microsoft Shape the Future cho giáo dục mầm non và phổ thông.
Thanh Trà (tổng hợp)