10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Tên miền tiếng Việt đạt 1 triệu tên trong tháng 7
Tháng 7/2014, số lượng tên miền tiếng Việt sẽ đạt con số 1 triệu, đánh dấu sự phát triển vượt trội của hệ thống tên miền tiếng Việt. Đây cũng là sự vụ VT-CNTT nổi bật nhất trong tuần.
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Bitcoin tại Việt Nam đang “tiền trảm, hậu tấu”?
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: “Lãnh đạo sở ngành rất kém về CNTT”
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Mobifone chính thức rời VNPT
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bât trong tuần: Báo mạng sẽ là chủ lực trong tương lai
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNPT
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Nguyễn Hà Đông sẽ kiện các “game nhái”
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2014 bước sang năm thứ 10
- Những sản phẩm số tiêu biểu năm 2007
1- Trào lưu mới: Kinh doanh game mobile
Sau cú hích Flappy Bird, hơn 70% game đang được phát triển dành riêng cho smartphone và hàng nghìn trò chơi mới được tải lên mạng mỗi ngày, minh chứng cho một “trào lưu mới” đầy tiềm năng: Kinh doanh game di động.
Đầu năm 2014, giới làm game xôn xao về tên tuổi Nguyễn Hà Đông, tác giả của trò chơi Flappy Bird trên các thiết bị di động với hàng triệu lượt tải. Dù phải gỡ trò chơi sau đó vì phải chịu quá áp lực, song đến nay Flappy Bird vẫn là một câu chuyện đáng phân tích, mổ xẻ trong ngành công nghệ cũng như lập trình viên Việt Nam.
"Thành công của Flappy Bird minh chứng một điều là thị trường game còn rất nhiều tiềm năng và nhiều thú vị. Ai cũng có cơ hội vàng như nhau để tạo ra điều kỳ diệu như Flappy Bird từng mang lại", hãng Appota đánh giá.
"Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường game lớn nhất Đông Nam Á, nhưng game mobile mới thực sự bùng nổ từ năm 2013. Với sự phát triển của công nghệ và việc phổ thông hóa smartphone như hiện nay, game mobile đang có nhiều thuận lợi để phát triển", một CEO trong lĩnh vực phát triển game đánh giá.
Không chỉ doanh nghiệp, nhiều lập trình viên trẻ cũng nung nấu ý tưởng tự sáng tạo nên các trò chơi để trải nghiệm sự thành công. Một lập trình viên 28 tuổi cho biết, cách đây ba tháng, anh đã tự chi tiền để xây dựng một game trên mobile dựa trên ý tưởng bảo vệ môi trường và cứu động vật quý hiếm (Rescue your pet). "Đây là lần đầu tiên mình bỏ tiền ra làm game. Số tiền bỏ ra không lớn, song điều quan trọng nhất là ý tưởng", lập trình viên trẻ này bày tỏ. Cũng theo anh này, nhiều bạn trẻ khác cũng đang "mày mò" tự viết game để theo đuổi đam mê và kiếm thu nhập.
Biết việc phát triển game rất vất vả, thành công không thể đến nhanh, nhưng cộng đồng làm game mobile vẫn đam mê và nhiệt huyết. "Game mobile vẫn là thị trường mới đầy tiềm năng và là vùng đất mới chưa được khai phá hết, mặc dù có nhiều sự cạnh tranh khốc liệt nhưng cơ hội ở đây được chia đều cho tất cả miễn là biết cách nắm bắt nó”, một người làm game nhận xét.
2- Cẩn trọng với email phát tán virus “ăn theo” căng thẳng ở Biển Đông
Mới đây, một phóng viên Vietnam+ nhận được email với tiêu đề rất “hot”: “Bảo vệ vùng biển, vùng trời trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” từ một địa chỉ lạ có tên là quyenqc@gmail.com.
Ảnh chụp màn hình email có chứa mã độc.
Nội dung email này, người gửi còn ghi rõ đích danh thư gửi tới phóng viên kia với nội dung như sau:
“Kính gửi anh…
Attachment là Bản thuyết minh về bảo vệ vùng biển, cùng trời trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Tư lệnh Hải quân. Xin gửi anh xem xét và nghiên cứu.”
Đính kèm email là một file có dung lượng 278KB với tên gọi: “Phương án bảo vệ vùng biển-QT tác chiến A-6-2014.doc."
Nghi ngờ email "có vấn đề," phóng viên Vietnam+ đã liên hệ với Công ty An ninh mạng Bkav nhờ kiểm tra và được ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách Nghiên cứu Phát triển của Bkav thông báo kết quả: Tập tin trên có đính kèm virus.
3- VinaPhone chặn thành công việc nghe lén điện thoại
Nhà mạng VinaPhone vừa công bố đã có giải pháp chống nạn nghe lén thông tin của thuê bao điện thoại di động. Đây là tin vui cho các thuê bao VinaPhone nói riêng và những người dùng di động nói chung sau vụ việc hơn 14.000 thuê bao bị Công ty Việt Hồng (Hà Nội) đặt thiết bị theo dõi và ăn cắp dữ liệu cá nhân.
Hầu hết người dùng di động tại Việt Nam chưa cài đặt các phần mềm bảo vệ, ngăn chặn việc xâm phạm dữ liệu cá nhân hoặc nghe lén, như F5, Juniper, Bit Defender..., bởi các phần mềm này đòi hỏi phần cứng có dung lượng lớn gấp 10 lần dung lượng trong máy để lọc toàn bộ dữ liệu và đưa ra cảnh báo.
Kế đó, mặc dù các thiết bị Firewall (tường lửa) của F5, Juniper, Bit Defender... có thể chặn virus xâm nhập nhưng không chặn các ứng dụng được thuê bao chấp thuận cài trên máy (do vô tình hoặc bị đối tượng xấu cài đặt) như Ptracker. Ngoài ra, sự bùng nổ của các phần mềm gián điệp APT núp dưới tính năng quản lý tin nhắn miễn phí, định vị, bản đồ... và thói quen sử dụng ứng dụng không phải trả tiền của người Việt chính là nguyên nhân dẫn đến việc “cõng rắn cắn gà nhà”.
VinaPhone đã đưa ra giải pháp phòng tránh sau khi trao đổi với các hãng giải pháp công nghệ (như F5, Juniper, Bit Defender, Elcom, Fire Eyes...). VinaPhone cho biết, bản chất của việc bị nghe lén là do vô tình cài đặt các thiết bị, ứng dụng gián điệp trên di động và người dùng có thể tự bảo vệ bằng các biện pháp phòng tránh chủ động.
Theo đó, VinaPhone đề nghị, ngay lúc mua máy, người dùng nên khôi phục điện thoại về trạng thái gốc khi xuất xưởng bằng tính năng “Reset factory”. Tính năng này sẽ xóa bỏ những phần mềm gián điệp được cài sẵn (hoặc vô tình cài với máy “qua tay”) trên máy điện thoại di động. Cùng đó, trong quá trình sử dụng, thuê bao nên xem di động là vật bất ly thân và khi nhận được những tin nhắn thông báo cước, khuyến mãi, trúng thưởng “khác thường”, người dùng nên liên hệ trực tiếp với nhà mạng để kiểm tra (có thể gọi vào hotline 0943222288 hoặc đầu số 9191), tránh trường hợp để mã độc xâm nhập vào máy hoặc bị lừa đảo.
Nhà mạng cũng cho biết, ngoài việc triển khai các đợt nhắn tin khuyến cáo khách hàng thận trọng, trong thời gian tới, VinaPhone sẽ hợp tác với một số hãng bảo mật để đưa ra ứng dụng bảo vệ dữ liệu dành riêng cho thuê bao của nhà mạng.
4- Truyền hình trả tiền: Nhà mạng lo nhà đài độc quyền, phá giá
Tại cuộc họp sơ kết ngành đầu tháng 7 vừa qua, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT đã kiến nghị Bộ TT-TT cần có biện pháp quản lý giá, chất lượng đối với dịch vụ truyền hình trả tiền. Theo nhìn nhận của ông, các "nhà đài" có lợi thế hơn hẳn các nhà mạng về bản quyền nội dung, lại được phép cung cấp dịch vụ internet nên có khả năng bù chéo dịch vụ, độc quyền cung cấp… dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.
Theo ông, việc quản lý giá đối với dịch vụ truyền hình trả tiền hiện nay đang có bất cập. Đó là các doanh nghiệp viễn thông tham gia thị trường chỉ được làm truyền dẫn mà không làm nội dung, trong khi đó, các Đài Truyền hình vừa được làm nội dung, cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền lại vừa được cung cấp dịch vụ internet. Từ đó, dẫn đến câu chuyện "nhà đài" có thể bù chéo cho dịch vụ truyền hình và giảm giá, dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường này.
Không chỉ bị cạnh tranh mạnh về giá cước internet, "nhà mạng" còn bị thua thiệt trong việc cung cấp dịch vụ nội dung. Theo quy định, các kênh truyền hình nước ngoài, chỉ một số ít đơn vị (trong đó có VTV) được cấp phép biên tập, biên dịch dẫn tới việc độc quyền cung cấp nội dung. Do vậy, khi các "nhà mạng" phải mua lại nội dung từ các đơn vị được cấp phép này, dễ dàng xảy ra chuyện giá mua lại bản quyền nội dung tăng lên. Cùng đó, cũng do chưa có chuẩn quy định về chất lượng nội dung, nên không ít chương trình chất lượng không bảo đảm và nghịch lý ở chỗ giá bản quyền vẫn tăng.
Với những phân tích như trên, cho thấy, trong cuộc cạnh tranh với "nhà đài", "nhà mạng" đang bị sức ép lớn, thậm chí là sự thua thiệt. Và cũng dễ hiểu khi Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT kiến nghị Bộ TT-TT cần có biện pháp quản lý giá cả và chất lượng nội dung dịch vụ truyền hình trả tiền để bảo đảm thị trường này phát triển lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng giữa "nhà đài" và "nhà mạng".
5- MobiFone sẽ hợp tác với Bưu điện trong việc bán hàng
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2014 của Công ty Thông tin Di động (VMS) mới đây, đại diện của Công ty VMS cho biết, cần phải phối hợp bán hàng qua các chuỗi, đặc biệt là sẽ hợp tác với Tổng công ty Bưu điện (VNPost) để bán hàng.
VMS cho biết, hợp tác này rất tiềm năng và có thể hợp tác trên nhiều lĩnh vực như thuê các điểm bán hàng, đặc biệt ở tuyến huyện và tuyến xã. VNPost có mặt bằng cơ sở hạ tầng xuống tận xã. Với giá cả hợp lý, tính ổn định cao, hợp tác này sẽ có lợi cho VMS.
Theo số liệu của Bộ TT-TT, tổng số điểm bưu chính phục vụ do VNPost khai thác là hơn 13.000 điểm, bao gồm 2.516 bưu cục, 8.117 Điểm Bưu điện - Văn hóa xã, 1.150 đại lý bưu điện và hơn 1.000 ki-ốt, thùng thư công cộng.
6- Tên miền tiếng Việt tăng mạnh, đánh dấu Internet VN trên “bản đồ thế giới”
Báo cáo mới đây về tình hình triển khai tên miền đa ngữ (IDN) trên thế giới được UNESCO và Cơ quan quản lý tên miền .EU (EURid) phối hợp thực hiện kéo dài suốt 3 năm, bắt đầu từ năm 2011 và kết thúc năm 2013, số lượng lấy mẫu tên miền khảo sát lên tới 90% tên miền trên thế giới, tương ứng với tổng số lượng 252 triệu tên, trong đó có 5,2 triệu tên miền đa ngữ.
Theo báo cáo, trong năm 2013, trên thế giới có hơn 5,2 triệu tên miền đa ngữ đã được đăng ký. Trong đó, có 780 tên miền tiếng Nga, 300.000 tên miền tiếng Trung, 3 nghìn tên miền tiếng Ai Cập, còn Việt Nam là 850.000 tên miền. Đến thời điểm hiện tại, có thể nói, tất cả các trình duyệt đều đã hỗ trợ tên miền IDN, trong đó có tên miền tiếng Việt.
Theo số liệu thống kê, Nga là quốc gia có tốc độ phát triển hàng đầu thế giới về tên miền IDN với những con số rất ấn tượng: đã đạt 100.000 tên được đăng ký chỉ sau 3 tiếng cấp phát và 500.000 tên sau một tuần, 800.000 tên miền sau chưa đầy nửa năm. Tính tới tháng 3/2014, có trên 820.000 tên miền tiếng Nga đã được đăng ký, trong số đó 62,3% tên miền đưa vào sử dụng thực tế. Tại Hàn Quốc đã triển khai cấp phát tên miền IDN từ tháng 5/2011. Đến hết năm 2012 đã có 119,957 tên miền IDN đã được đăng ký. Tại Trung Quốc, tính tới cuối năm 2013, số tên miền IDN đã được đăng ký là 270.000.
Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã chính thức cho phép đăng ký tên miền tiếng Việt (TMTV) tự do, miễn phí theo chủ trương của Chính phủ từ 10 giờ 30 phút ngày 28/4/2011. Kết thúc tuần đầu tiên, đã có 114.957 TMTV được đăng ký. Trong tháng đầu tiên, có 167.080 TMTV được đăng ký và con số TMTV đã được đăng ký trong năm đầu tiên là 736.076. Dự kiến trong tháng 7/2014, số lượng TMTV đăng ký trên hệ thống sẽ đạt 1 triệu tên. Đây là những con số ấn tượng, cho thấy một tương lai, tiềm năng phát triển TMTV, phù hợp với xu thế chung của thế giới về phát triển tên miền đa ngữ, đánh dấu sự phát triển Internet ở Việt Nam trên “bản đồ internet” thế giới.
7- Hội thảo toàn cảnh về hiện thực ICT tại Việt Nam
Trong khuôn khổ Hội thảo Toàn cảnh CNTT - Truyền thông lần thứ 19 (VIO 2014) do Hội Doanh Nhân Trẻ TPHCM và Hội Tin học TPHCM phối hợp tổ chức tại TP.HCM, các nhà lãnh đạo cao cấp của các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước thuộc Hội đồng nội dung của VIO 2014 đã cùng nhau đem đến một bức tranh toàn cảnh về hiện thực triển khai các xu hướng công nghệ trên nền tảng thứ ba đang diễn ra khắp toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Hiện, nền tảng thứ ba với sự trỗi dậy của điện toán đám mây, công nghệ di động, sự hội tụ của truyền thông xã hội, công nghệ siêu dữ liệu và Internet of Things (khả năng kết nối các thiết bị và kết nối vào Internet), đã làm nên một cuộc cách mạng mới trong thế giới công nghệ và đem đến những cơ hội kết nối mới phục vụ cho hàng tỷ người và hàng chục tỷ thiết bị.
Với chủ đề “Nền tảng thứ ba - Xu hướng và hiện thực triển khai”, nội dung đi sâu vào khai thác việc ứng dụng thực tế tại Việt Nam của các xu hướng công nghệ trên nền tảng thứ 3, đó là: Điện toán đám mây - Cloud Computing, dữ liệu lớn - Big Data, di động - Mobility, mạng xã hội - Social network, Internet của sự vật - Internet of things; VIO 2014 sẽ giúp các doanh nghiệp tìm hiểu sâu các giải pháp CNTT, trong đó có điện toán đám mây và khả năng ứng dụng, giúp tiết giảm đầu tư ban đầu, chi phí vận hành và tạo sức cạnh tranh với hạ tầng CNTT năng động.
8- Khai trương hệ thống “Chính quyền điện tử” Đà Nẵng
Ngày 22/7, Sở TT-TT TP.Đà Nẵng đã bấm bút khai trương hệ thống thông tin “Chính quyền điện tử” Đà Nẵng.
Hệ thống này được xây dựng trên cơ sở kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử Đà Nẵng, đã được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt tháng 7/2010 với 4 hợp phần: Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; hệ thống các ứng dụng; các chính sách về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông; nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông, do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.
Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng có chức năng chính là vận hành toàn bộ bộ máy chính quyền của TP.Đà Nẵng một cách đồng bộ và nâng cao hiệu quả. Đây cũng là công cụ để gắn kết người dân, tổ chức và doanh nghiệp với hệ thống chính quyền TP.Đà Nẵng, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, tổ chức và DN giao tiếp với chính quyền, hưởng lợi từ các dịch vụ công do chính quyền cung cấp, đồng thời để người dân, tổ chức và doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình.
9- Ngày 3/7, tuyến cáp quang biển AAG sẽ được khôi phục
Theo thông tin từ đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG (Asia America Gate Way), công tác hàn nối cáp AAG phân đoạn Vũng Tàu (Việt Nam) – Hồng Kông (Trung Quốc) đang được tiến hành khẩn trương. Mối hàn chính đầu tiên đã được tiến hành vào 3 giờ sáng ngày 26/7. Cáp sẽ được hàn nối xong vào 11 giờ ngày 28/7.
Dự kiến, đến 11h ngày 30/7, tuyến cáp quang biển AAG sẽ được sửa chữa hoàn tất, 100% kênh truyền được khôi phục.
Vào 18 giờ 53 phút ngày 15/7/2014 đã xảy ra sự cố khiến một sợi cáp trên tuyến cáp AAG - phân đoạn Vũng Tàu (Việt Nam) – Hồng Kông (Trung Quốc) bị đứt. Vị trí gián đoạn cách trạm cập bờ Vũng Tàu 18km, nằm ở độ sâu 19m dưới mực nước biển.
10- Khởi động bình chọn sản phẩm di động của năm 2014
Chương trình bình chọn danh hiệu “Sản phẩm di động của năm” - Best Mobile Products 2014 vừa được Tạp chí Xã hội Thông tin (thuộc VNPT) và Hiệp hội Internet Việt Nam chính thức phát động ngày 24/7/2014 tại Hà Nội.
Đây là năm thứ ba liên tiếp chương trình này được tổ chức với mục đích tôn vinh các sản phẩm công nghệ di động, được đánh giá cao bởi Ban biên tập của Tạp chí này cùng một nhóm các phóng viên ưa thích công nghệ, đang làm việc tại các cơ quan truyền thông trong cả nước.
Việc tổ chức bình chọn và trao tặng danh hiệu “Sản phẩm di động được ưa chuộng nhất của năm” do báo giới ICT bình chọn, nhằm mục đích mong muốn ghi nhận sự lựa chọn tin dùng và ưa thích của người tiêu dùng Việt Nam. Ngoài ra, chương trình còn là cơ hội tốt để các doanh nghiệp khuếch trương những sản phẩm được khách hàng ưa chuộng nhất. BTC sẽ không xếp hạng các sản phẩm theo tỷ lệ bình chọn mà chỉ công bố những sản phẩm có số phiếu bình chọn cao nhất.
Được biết, 14 chủng loại sản phẩm di động đã được đề cử, bình chọn và được chia thành 2 nhóm: Thiết bị di động; Và, dịch vụ, ứng dụng, giải pháp di động. Trong đó, về thiết bị di động có 9 chủng loại sản phẩm gồm: Điện thoại di động cơ bản, điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy ảnh kỹ thuật số, máy quay kỹ thuật số, máy tính xách tay, lưu trữ di động, đồng hồ thông minh và điện thoại di động thương hiệu Việt.
Còn về các dịch vụ, ứng dụng, giải pháp di động, có 5 chủng loại sản phẩm sẽ được bình chọn là: Phần mềm ứng dụng di động, dịch vụ nội dung di động, giải pháp di động, dịch vụ điện toán đám mây, giải pháp Mobile Marketing.
Sản phẩm tham gia vào danh sách bình chọn của năm là những sản phẩm mới, do các nhà sản xuất, các nhà phân phối và do báo giới ICT đề cử. Ban tổ chức sẽ lựa chọn các đề cử, công bố danh sách ngắn và tổ chức lấy bình chọn từ cộng đồng báo giới ICT tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Danh hiệu “Best Mobile Products 2014” dự kiến sẽ được Ban tổ chức công bố tại TP.HCM vào ngày 5/12/2014.
Thanh Trà (tổng hợp)