9 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để chuyển đổi số trong lĩnh vực thể dục thể thao

16:42, 08/02/2023

Tổng cục Thể dục Thể thao vừa làm việc về việc xây dựng đề án "Chuyển đổi số trong lĩnh vực thể dục thể thao giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030", do Trung tâm Thông tin của Tổng cục thực hiện với 9 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.

Theo đơn vị tư vấn giải pháp, mục tiêu đề án - Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông – Tập đoàn VNPT - việc chuyển đổi số góp phần xây dựng nền thể thao Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế, đồng thời hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thể thao thông minh, tiện ích, gia tăng thành tích cho các vận động viên.

Đề án "Chuyển đổi số trong lĩnh vực Thể dục thể thao giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030" đặt ra 9 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; hoàn thiện, nâng cao chất lượng Hạ tầng số; Xây dựng, phát triển nền tảng số; phát triển dữ liệu số; phát triển các ứng dụng, dịch vụ số; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số; hoàn thiện bộ máy tổ chức đáp ứng yêu cầu thực hiện chuyển đổi số; tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Ngành thể dục, thể thao sắp chuyển đổi số.

Trong giai đoạn 1, đề án sẽ ưu tiên tập trung hiện đại hóa hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin tại Tổng cục Thể dục thể thao. Giai đoạn này tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin và chuyển đổi số, kiến thức về thể thao hiện đại cho cán bộ, viên chức và người lao động. Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin: hệ thống tường lửa bảo mật dữ liệu, đường truyền, hệ thống máy chủ, hệ thống lưu trữ tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu Tổng cục Thể dục thể thao.

Đồng thời, thực hiện chuyển đổi số và số hóa dữ liệu, xây dựng kho tri thức số cho Tổng cục Thể dục thể thao; đầu tư trang thiết bị, xây dựng tài nguyên thông tin số tại Tổng cục Thể dục thể thao. Xây dựng, phát triển nền tảng dữ liệu dùng chung trên cơ sở các dữ liệu được số hóa của Tổng cục Thể dục thể thao và dữ liệu chia sẻ từ các hệ thống khác. Bên cạnh đó, đào tạo kiến thức về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức tại các Vụ, đơn vị trực thuộc.

Trong khi đó, giai đoạn 2 sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi số và số hóa dữ liệu, hoàn thiện kho tri thức số cho Tổng cục Thể dục thể thao; đầu tư trang thiết bị, phục vụ việc khai thác các tài nguyên số tại Tổng cục Thể dục thể thao.

Giai đoạn này sẽ tập trung ứng dụng công nghệ mới trong việc khai thác, phân tích, giám sát, dự báo, hỗ trợ các cấp quản lý ra quyết định, cải thiện hiệu suất, thành tích vận động viên đồng thời cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng (OTT) cũng như hỗ trợ cảnh báo gian lận, tiêu cực và tạo lập môi trường làm việc số, hỗ trợ chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái kinh tế số, xã hội số trong lĩnh vực Thể dục thể thao.

Theo Tổng Cục trưởng Đặng Hà Việt, vấn đề Chuyển đổi số trong thể dục thể thao đã được ngành bắt đầu thực hiện cách đây gần 20 năm. Lãnh đạo ngành cùng các khối trường thể dục thể thao đã làm việc với trung tâm thông tin và xây dựng nền tảng chuyển đổi số đầu tiên của thể thao Việt Nam.

Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực thể dục thể thao nhấn mạnh tính cấp thiết phải chuyển đổi số trong công tác chuyên môn, đào tạo, nhằm nâng cao thành tích trong giai đoạn tới.

"Cần xây dựng lộ trình tuyển chọn vận động viên kế cận đảm bảo tính thống nhất từ trung ương đến địa phương, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu, không theo tiêu chí chung" - Tổng cục trưởng Đặng Hà Việt nói.

Tổng Cục trưởng giao Trung tâm Thông tin Thể dục thể thao tiếp tục phối hợp với các vụ, đơn vị liên quan khảo sát, lấy ý kiến đóng góp cho đề án; phối hợp cùng đơn vị tư vấn giải pháp hoàn chỉnh lại dự thảo đề án.

Thời hạn hoàn thành dự thảo đề án trình lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trong quý I/2023.

Bảo Ngọc (T/h)