Ai đang nắm quyền điều hành ở Bình Nhưỡng?
Sự “biến mất” đầy bí ẩn của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hơn một tháng qua đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về sự ra đi, cũng như về người kế nhiệm ông tại quốc gia này.
- Triều Tiên bắt và kết án 3 công dân Mỹ
- Lo Triều Tiên thử tiếp hạt nhân, Mỹ-Nhật-Hàn gặp mặt quân sự cấp cao
- Triều Tiên xử du khách Mỹ tội "có hành vi thù địch"
- Nổ súng sát đường biên giới với Triều Tiên, 10 lính Hàn Quốc thương vong
- Triều Tiên tử hình 4 người sau vụ sập chung cư 23 tầng
- Triều Tiên bị tố nhái smartphone của Trung Quốc
- Tên lửa thử nghiệm của Triều Tiên vừa được bắn về phía biển Nhật Bản
- Tìm hiểu về một số công nghệ Pin
Với cộng đồng quốc tế, Triều Tiên là một quốc gia “đầy bí ẩn” và ngay những hoạt động và hành tung của các chính khách nước này cũng bí ẩn không kém. Sự “biến mất” hơn 5 tuần của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un cũng vậy, đang làm dấy lên những “đồn đoán” về ông, như về bệnh tình của cá nhân, khả năng tạo một “tình huống bất ngờ’ hay thậm chí là đã bị lật đổ.
Tướng Hwang Pyong So (bên trái, phía dưới), trong quân phục, ngồi cạnh lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (ngồi giữa) trong ngày 10/5/2014, người vừa được cho là đang nắm quyền điều hành đất nước Triều Tiên.
Dưới đây là tổng hợp những tin đồn về ông Kim Jong-un cũng như người lãnh đạo đất nước Triều Tiên trong thời điểm hiện nay từ các nguồn.
Giả thuyết 1: Sức khỏe không ổn
Hôm 10/10 vừa qua, ông Kim Jong-un đã không đến viếng lăng mộ cha - ông Kim Jong Il và người ông Kim Il Sung. Trước đây, kểtừ khi lên nắm quyền tại Bình Nhưỡng, ông chưa bao giờ bỏ lỡ buổi lễ này. Cũng ngày 10/10, Lãnh tụ tối cao của Triều Tiên đã không xuất hiện nhân lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên. Theo giới chức thạo tịn, đây là một “sự vắng mặt bất thường”.
Sự vắng mặt này càng được bình luận sôi nổi bởi trước khi “biệt tăm”, tại Triều Tiên, đâu đâu cũng thấy sự xuất hiện hình ảnh của Kim Jong-un! Và ngày nào cũng vậy, hình ảnh ông Kim Jong-un luôn xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên, khi thì đến quan sát một bệ phóng hỏa tiễn, hay thăm một nông trại trồng nấm, viếng một trạm trượt tuyết, một nhà thương, v.v...
Hồi tháng 7, đài truyền hình nhà nước cho thấy Kim Jong-un đi khập khiễng. Cuối tháng 9, để giải thích cho sự vắng mặt, chính quyền Triều Tiên đã thông tin rằng ông Kim Jong-un “bị mệt” vì làm việc quá nhiều. Một sự công nhận chưa từng thấy, và từ đó tin đồn sôi nổi hẳn lên.
Còn truyền thông Hàn Quốc khẳng định là Kim Jong-un bị giải phẫu mắt cá chân, tin đồn khác cho là lãnh đạo của Triều Tiên bị bệnh tiểu đường hay bệnh gút.
Giả thuyết 2: Kim Yo Jong, em gái của Kim Jong-un điều hành
Theo CNN, nhờ tiếp cận được với một nhóm người mới rời khỏi Triều Tiên và họ cho rằng, hiện nay, đất nước này đang do Kim Yo Jong, em gái của ông Kim Jong-un đang điều hành. ‘Hội trí thức đoàn kết Triều Tiên’ - nhóm được thành lập bởi những người đã trốn khỏi Triều Tiên nói với CNN rằng, ít nhất Kim Yo Jong đang tạm thời nắm quyền điều hành chính phủ.
Họ không tiết lộ về nguồn tin và CNN cũng thừa nhận không có khả năng xác nhận độc lập thông tin này, nhưng CNN vẫn khẳng định khả năng điều hành đất nước Triều Tiên của Kim Yo Jong là có (thể).
Michael Madden, người điều hành trang blog theo dõi lãnh đạo Triều Tiên cho biết các phương tiện truyền thông nước này khẳng định Kim Yo Jong là Phó Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, một vị trí đầy quyền lực.
Hay Victor Cha, nhà phân tích thuộc Trung tâm nghiên cứu và chiến lược Quốc tế, người đã từng xử lý những thông tin về Triều Tiên cho Hội đồng an ninh Quốc gia Mỹ cho rằng: "Hệ thống nhà nước Triều Tiên rất khó vận hành nếu như không có người thuộc dòng họ Kim phụ trách. Nếu Kim Jong-un gặp vấn đề thì Kim Yo Jong là người duy nhất đủ điều kiện nắm quyền lực tạm thời".
Victor Cha còn nói: "Nếu trên thực tế cô ấy đang điều hành đất nước với độ tuổi khoảng 25, đó thực sự là điều đáng báo động. Điều đó có nghĩa đã có chuyện nghiêm trọng xảy ra với ông Kim Jong-un và Triều Tiên phải tìm mọi cách lấp chỗ trống".
Giả thuyết 3: Đã bị lật đổ
Giả thuyết ngày càng đuợc gợi lên, nhưng nếu đúng như thế (Kim Jong-un đã bị lật đổ) thì ai đang là người nắm quyền ở Bình Nhưỡng?
Jan Jin-sung, một viên chức Triều Tiên đang tỵ nạn ở Hàn Quốc cho rằng, là một cơ quan của Đảng, Ban Tổ chức và Định hướng, đã nắm quyền từ năm ngoái, vào lúc ông Jang Song Taek người dượng của Kim Jong-un bị xử tử.
Theo người này, cơ quan đảng nói trên duy trì ông Kim Jong-un như “một lãnh đạo mang tính chất biểu tượng”, vì với 60 năm tuyên truyền, hình ảnh “thánh sống” về dòng họ Kim đã ăn sâu vào lòng dân chúng Triều Tiên và Kim Jong-un là người “có tính chính đáng” nhất.
Nhưng quyền lực thực thụ là ở nơi khác. Theo ông Jang Jin-sung, người nắm thực quyền quyền ở Bình Nhưỡng chính là tướng Hwang Pyong So – người đã thăng chức một cách ngoạn mục khoảng một năm nay. Đây chính là người đã gây bất ngờ khi đến Seoul ngày 4/10, trong một chuyến viếng thăm ngoại giao.
Jang Jin-sung cũng lưu ý rằng, tướng Hwang có cận vệ đi theo, một đặc quyền trước đây dành cho người lãnh đạo tối cao. Một điểm bất thường khác là ông Hwang vẫn mặc quân phục trong chuyến đi, trong khi trước đây chính quyền Bình Nhưỡng trong những chuyến công tác ngoại giao, thường cử giới dân sự.
Giả thuyết 4: Kim Jong-un vẫn nắm quyền
Nhiều nhà phân tích lại cho rằng, Kim Jong-un vẫn nắm quyền, và sự vắng mặt của ông có lẽ chỉ do “vấn đề sức khỏe”. Tuy nhiên, việc Kim Jong-un vắng mặt vào ngày lễ trọng đại 10/10/2014 - kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Đảng Lao động có khả năng làm dấy lên trở lại các tin đồn.
Chính quyền Hàn Quốc vẫn tiếp tục bác bỏ các tin đồn “không chính thống”. Bộ trưởng Bộ Thống nhất của Hàn Quốc khẳng định, Bắc Triều Tiên dường như vẫn được lãnh đạo như bình thường. Và hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) ngày 11/10 đưa tin người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Patrick Ventrell nhận định tin đồn xảy ra đảo chính ở CHDCND Triều Tiên liên quan đến sự kiện nhà lãnh đạo Kim Jong-un không xuất hiện hơn một tháng qua là thông tin sai lệch.
Hiện, xe hơi của ông Kim Jong-un được cho là chưa hề rời Bình Nhưỡng kể từ khi ông “biến mất”, nên nhiều khả năng nhà lãnh đạo này vẫn đang ở thủ đô. Vấn đề sức khỏe có thể là cách lý giải hợp lý nhất cho sự vắng mặt của ông Kim Jong-un hiện nay.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu sự vắng mặt của Kim Jong-un kéo dài, tác hại tối thiểu của sự cố đó là làm suy yếu phần nào quyền kiểm soát của Kim Jong-un trước “giới ưu tú” tại Bình Nhưỡng.
Với sự bí mật của Triều Tiên, không ai ngoài những người thân cận của nhà lãnh đạo này có thể biết chắc điều gì đang xảy ra với ông Kim Jong-un.
Thanh Trà (tổng hợp)