Bài 2: Việt Nam giải bài toán về rác thải nhựa như thế nào?
Với con số khoảng 3 triệu tấn chất thải nhựa hàng năm, Việt Nam đã và đang hành động quyết liệt để ngăn chặn vấn nạn này.
Hành động quyết liệt
Hàng năm, Việt Nam thải ra khoảng 3 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn nhựa hàng năm rò rỉ ra các vùng ven biển. Điều đó đã đe dọa tới sự sống của các sinh vật biển, giảm độ che phủ rừng ngập mặn, gây ra lũ lụt lớn hơn ở các cộng đồng ven biển, các bệnh lây truyền qua đường nước. Đây cũng là vấn đề nghiêm trọng đối với các gia đình phụ thuộc vào nghề cá và du lịch.
Vấn đề ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.
Trước thực trạng trên, Việt Nam đã và đang đưa ra các giải pháp, cam kết và giải quyết ô nhiễm chất thải nhựa, đồng thời nhấn mạnh việc phát triển kinh tế xanh, các-bon thấp, tiếp cận theo xu hướng tuần hoàn trong quản lý.
Trong đó, nổ bật như việc ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW (22/10/2018) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm biển và rác thải nhựa. Tiếp đó là Quyết định số 1746/QĐ-TTg (04/12/2019) ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Kế hoạch đặt ra mục tiêu giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025, 75% vào năm 2030, và loại bỏ nhựa sử dụng một lần khỏi các điểm du lịch ven biển và các khu bảo tồn biển vào năm 2030.
Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường (10/1/2022) đã thúc đẩy phân loại chất thải và trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu (EPR), thực hiện trách nhiệm tái chế các sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu, chính sách EPR về bao bì đã có hiệu lực từ 01/01/2024.
Kể từ khi Luật bảo vệ môi trường 2020 được thông qua, Việt Nam đã thu hút nhiều doanh nghiệp và sự quan tâm của cộng đồng vào hoạt động thu gom, tái chế, giảm thiểu bao bì khó phân hủy. Mạng lưới thu gom, tái chế và phong trào tái sử dụng bao bì đã phát triển với các doanh nghiệp và nhà nhập khẩu làm nòng cốt.
Năm 2019, đánh dấu sự ra đời của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) với xuất phát điểm là 9 thành viên bao gồm các công ty FDI và Việt Nam hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, sản xuất bao bì, bán lẻ và nhập khẩp, ngày nay con số này đã tăng lên 26 thành viên.
Các doanh nghiệp này đã và sẽ ký kết hợp tác với các nhà tái chế để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Ví dụ, Suntory PepsiCo Việt Nam và DUYTAN Recycling ký Biên bản hợp tác chiến lược cung cấp nhựa tái sinh cho bao bì giai đoạn 2022-2026. La Vie và DUYTAN Recycling ký kết hợp tác thu gom và tái chế 11.000 tấn chất thải nhựa trong 5 năm, áp dụng cho các sản phẩm chai La Vie từ dung tích nhỏ đến sản phẩm dung tích 19L. Unilever Việt Nam cũng hợp tác với VietCycle và DUYTAN Recycling để thúc đẩy tuần hoàn nhựa.
Ngoài ra, một số nhà tái chế trong nước đã và sẽ hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài. Vietcycle và Tập đoàn ALBA châu Á đã ký kết xây dựng nhà máy tái chế trị giá 50 triệu USD với công suất 48.000 tấn/năm, sử dụng công nghệ Đức để sản xuất nhựa rPET đạt chuẩn quốc tế. Đây là nhà máy tái chế nhựa lớn nhất miền Bắc và đầu tiên sản xuất nhựa đựng thực phẩm.
Hoạt động tái chế cũng mang lại nhiều giá trị xã hội tích cực, như tạo việc làm với vốn đầu tư thấp và nguồn nhân lực không cần kỹ thuật cao. Ước tính tại TP. Hồ Chí Minh, hơn 1.500 cửa hàng thu mua phế liệu tạo việc làm cho hơn 15.000 người và hơn 7.000 người thu gom phế liệu, với thu nhập bình quân khoảng 150.000 đồng/ngày. Trang bị của những người thu gom phế liệu này rất đơn giản: 01 chiếc xe đạp với vài túi nhựa (50 - 100L) hoặc xe ba bánh đẩy tay.
Chính sách EPR ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống thu gom, phân loại và tái chế chất thải, đặc biệt là khu vực phi chính thức với 90% lao động nữ, giúp thu gom hơn 30% rác nhựa tái chế và giảm gánh nặng tài chính cho các đơn vị thu gom chính thức (UNDP).
Để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn nhựa và thực hiện các kế hoạch quốc gia, cần hỗ trợ lực lượng lao động phi chính thức cải thiện sinh kế và chuyển dịch sang hệ thống quản lý chất thải chính thức, đồng thời thúc đẩy sự quan tâm và lắng nghe từ cộng đồng, góp phần vào văn minh và công bằng cộng đồng.
Những thách thức trong việc xử lý chất thải nhựa
Hiện nay, việc phân loại chất thải rắn đang vướng phải vấn đề nan giải là ý thức bảo vệ môi trường của đa số người dân vẫn còn thấp. Hành động vứt rác bừa bãi đã tạo ra những bãi rác tự phát, gây nhức nhối trong cộng đồng. Trong khi đó, hoạt động phân loại chất thải rắn ở các hộ gia đình chưa hiệu quả.
Khó khan nhất trong quản lý chất thải rắn và CTRSH là việc kiểm soát, thu gom. Thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần vẫn còn phổ biến. Việc không phân loại chất thải nhựa đã tạo nên nguồn nhựa phế liệu lẫn tạp chất cao, không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất, dẫn đến việc phụ thuộc vào nhựa phế liệu nhập khẩu.
Trong khi đó, chi phí tái chế, vốn mở nhà máy tái chế ban đầu cao nhưng thu hồi vốn chậm, lợi nhuận thấp, sự chênh lệch không đáng kể giữa mua vào và bán ra. Đó là những thách thức không nhỏ đối với đơn vị thu mua, tái chế chất thải nhựa đang phải đối mặt.
Về chính sách EPR, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức, thiết lập, vận hành mạng lưới thu hồi, thực hiện trách nhiệm tái chế và xử lý bao bì nhựa sau khi thải bỏ. Các hoạt động thu gom, tái chế chất thải nhựa chủ yếu dựa vào khu vực phi chính thức gồm người nhặt phế liệu, cơ sở thu mua và kinh doanh phế liệu để bán cho các cơ sở tái chế.
Vấn đề nan giải tiếp theo là việc tiếp cận công nghệ thông tin, dữ liệu thị trường còn khó khăn. Công tác phổ biến cơ chế, chính sách mới đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, người dân còn hạn chế
Lực lượng lao động chủ yếu ở trình độ, tay nghề thấp. Các cơ sở tái chế rác thải nhựa ở các làng nghề có quy mô nhỏ, máy móc thiết bị cũ, gây phát thải khối lượng lớn chất thải nhựa ra môi trường xung quanh đồng thời cạnh tranh với khu vực chính thức về nguồn nhựa phế liệu trong nước.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Để hóa giải những tồn tại trên, cần có nhiều cơ chế, chính sách và sự vào cuộc của toàn thể xã hội.
Đầu tiên là việc nâng cao ý thức người dân. Các cơ quan chức năng, đơn vị cần bổ sung, lấp đầy các thùng rác phân loại nơi công cộng là cần thiết và cấp bách. Tại Hồng Kông, một tổ chức phi chính phủ Drink Without Waste đã khuyên khích việc thu gom chất thải nhựa bằng các đặt máy thu gom chai nhựa tại các địa điểm công cộng để đổi lấy phần thưởng.
Đẩy mạnh hơn nữa tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện quy định về phân loại CTRSH tại nguồn theo Điều 75, Luật BVMT năm 2020, để nâng cao chất lượng của nhựa phế liệu trong nước, tạo thêm nguồn nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp tái chế.
Xây dựng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy xã hội hóa hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa. Thu hút khu vực tư nhân trong đầu tư và hợp tác để cải thiện hạ tầng quản lý chất thải; thu mua và sử dụng nhựa tái chế cho bao bì sản phẩm.
Cung cấp hướng dẫn về ưu đãi, hỗ trợ đất đai, đầu tư và tiếp cận Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Các cơ quan nhà nước cần giảm rào cản thủ tục hành chính để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các hỗ trợ cho hoạt động tái chế.
Phân tách việc quản lý chất thải nhựa và CTRSH, thiết lập mức thuế bảo vệ môi trường hợp lý để giảm sản xuất và sử dụng nhựa gây hại cho môi trường.
Xây dựng hệ thống cơ sở thông tin dữ liệu, diễn đàn chung để các doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cân các thông tin dữ liệu, chính sách cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để cơ chế, chính sách mới thực sự đi vào hoạt động của doanh nghiệp, đời sống, cũng như góp phần nâng cao ý thức của người dân.
Thúc đẩy nghiên cứu và áp dụng công nghệ để tái chế nhựa có giá trị thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế, thị trường hiện nay. Nâng cao trình độ quản lý và công nghệ để chính thức hóa hoạt động tái chế chất thải nhựa tại các làng nghề. Kiểm soát yêu cầu bảo vệ môi trường, hỗ trợ chuyển đổi tái chế phi chính thức sang chính thức. Tăng cường liên kết giữa cơ sở tái chế phi chính thức và doanh nghiệp tái chế chính thức, thúc đẩy khu vực phi chính thức tham gia hệ thống thu hồi bao bì nhựa để tái chế chính thức.
Thiết nghĩ, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách, cơ chế, dự án nhằm khuyến khích, thúc đẩy từ công tác thu gom, phân loại đến tái chế chất thải nhựa được áp dụng trên quy mô rộng và đồng bộ, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập kinh tế cũng như góp phần xử lý vấn đề rác thải, bảo vệ môi trường hiện nay.
Quang Minh
PV (Theo Tạp chí Tin học và Đời sống)