Báo chí còn thiếu tự chủ về công nghệ

15:43, 27/06/2024

Ngày 25/6, tại TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức sự kiện kết nối "Nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi số phục vụ ngành báo chí".

Sự kiện được tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp, ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số lĩnh vực báo chí, hỗ trợ cơ quan báo chí đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tác nghiệp.

Sau khi thực hiện quy hoạch báo chí, TP.HCM hiện có 19 cơ quan báo chí, gồm: 7 báo in, 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình và 10 tạp chí. Trừ 3 tạp chí khoa học, còn lại 16 cơ quan báo chí đã từng bước thực hiện việc chuyển đổi số nhằm tạo ra những giá trị mới.

Nỗ lực chuyển đổi số

Theo ông Nguyễn Minh Hải - Trường phòng Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, các cơ quan báo chí TP.HCM đã thực hiện chuyển đổi số từ các khâu như: Chuyển đổi số trong sản xuất nội dung, đó là cá nhân hóa và ngữ cảnh hóa nội dung; dùng thuật toán để phân tích hành vi, thói quen, nhu cầu, sự quan tâm của người dùng, để từ đó tạo ra và phân phối nội dung phù hợp tới các “phân khúc” người đọc, xem, nghe; đa dạng hóa các hình thức sáng tạo nội dung.

Chuyển đổi số còn thể hiện trong phương thức cung cấp sản phẩm tới người dùng. Trong đó, sử dụng đa nền tảng để tiếp cận người dùng theo phương thức “người dùng ở đâu, thông tin ở đó”; hình thành các liên kết báo chí để phân phối nội dung (báo chí liên kết với viễn thông, công ty công nghệ, mạng xã hội, với các nền tảng số).

Đến nay, các cơ quan báo chí thành phố đã từng bước thực hiện chuyển đổi số theo điều kiện của mình và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

 Toàn cảnh hội thảo.

Điển hình như Báo Người lao động đã triển khai Đề án thu phí bạn đọc báo điện tử (từ tháng 7 năm 2022), tại chuyên mục đặc biệt “Dành cho bạn đọc VIP”, bước đầu đã được đạt được kết quả đáng khích lệ. Sau hơn 1 năm triển khai, “Dành cho bạn đọc VIP” đã xuất bản 255 bài báo chất lượng cao về nội dung, được trình bày bắt mắt về hình thức, chủ yếu dưới dạng e-Magazine. Tính đến tháng 10/2023, báo đã thu hút gần 19.350 tài khoản đăng ký.

Ở Đài Truyền hình TP.HCM (HTV), chiến lược công nghệ hạ tầng của HTV tập trung vào 4 yếu tố: Đa truyền thông, đa phương tiện; đa hạ tầng; đa nền tảng và đa dịch vụ. Từ năm 2023, HTV đã triển khai sản phẩm truyền thông mới trên mạng đó là trang tin tức tổng hợp HTVNewZ với các tin bài theo mô hình đa truyền thông; khán giả có thể tiếp cận thông tin với mọi hình thức như văn bản, hình ảnh, graphic, video.

Thiếu tự chủ về công nghệ

Trong giai đoạn hiện nay, báo chí TP.HCM đang gặp rất nhiều khó khăn do nhiều tác động. Việc cạnh tranh quyết liệt giữa báo chí và mạng xã hội khi thông tin trên mạng xã hội ngày càng đa dạng, phong phú, nhanh chóng.

Ông Nguyễn Minh Hải - cho rằng xu hướng sụt giảm của báo in và thay đổi cách đọc truyền thống gần như không thể thay đổi được và có chiều hướng ngày càng bị ảnh hưởng sâu rộng. Các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đối với hoạt động báo chí đến nay vẫn còn rõ nét ở nhiều mặt, trong đó có một số mặt báo chí bị ảnh hưởng gián tiếp do tình hình kinh tế - xã hội nói chung.

Bên cạnh đó, báo chí của thành phố thiếu tự chủ về công nghệ, buộc phải lệ thuộc vào công nghệ của đối tác. Điều này làm yếu tố bảo mật và năng lực thương mại của các cơ quan báo chí đối với các sản phẩm của mình bị ảnh hưởng không nhỏ.

 Ông Nguyễn Văn Khanh - Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM.

Đồng tình, ông Nguyễn Văn Khanh - Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM - cho biết số cơ quan báo chí tự phát triển CMS còn ít. Ít đơn vị hoàn toàn tự chủ được server, CMS, bảo mật hoặc Cloud vì rất tốn kém về tiền bạc và cần đội ngũ nhân sự quản lý, vận hành.

“Hiện nay, phần lớn các hệ thống thông tin do cơ quan báo chí đang vận hành khai thác chưa được xác định cấp độ an toàn thông tin, song song với đó, các cơ quan báo chí bố trí, dành nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo đảm an toàn thông tin cũng chưa đáp ứng. Điều này cũng khiến các cơ quan báo chí lệ thuộc và có thể bị chi phối về nội dung và lợi ích bởi các công ty công nghệ”, ông Nguyễn Văn Khanh nói.

Cũng theo ông Khanh, các cơ quan báo chí bị ăn cắp bản quyền nội dung thường xuyên, liên tục trong nhiều năm qua, cho đến nay vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn. Nhiều tác phẩm báo chí được biên soạn công phu, tòa soạn phải đầu tư lớn nhân lực, tài lực, thời gian,... Chỉ vài phút sau khi đăng, phát thì đã bị nhiều trang mạng, trang tin điện tử tổng hợp, các nhóm trên Facebook và YouTube sao chép về, đăng trọn vẹn mà không hề xin phép, cũng không dẫn nguồn.

Về giải pháp, ông Nguyễn Minh Hải đề xuất cần có giải pháp xây dựng các “hệ thống dùng chung” hoặc “giải pháp dùng chung” cho các cơ quan báo chí, như cơ sở hạ tầng kỹ thật, cơ sở dữ liệu, nguồn lực con người, nguồn vốn..., thay vì để từng cơ quan thực hiện rời rạc, manh mún vừa khó thực hiện do không đủ nguồn lực vừa lãng phí.

Chẳng hạn, cần tạo điều kiện để các cơ quan báo chí thành phố được đưa cơ sở dữ liệu về đặt tại máy chủ của Công ty Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), với mức phí dịch vụ hợp lý, thay vì từng đơn vị chọn đối tác riêng.

Việc đưa về đặt máy chủ tại đây một cách tập trung sẽ giúp cơ quan báo chí thuận tiện trong việc xử lý nội dung và bảo mật. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo cho QTSC và các công ty công nghệ xây dựng một hệ thống quản trị nội dung báo chí dùng chung, sau đó chia sẻ và phân cấp cho các cơ quan có báo điện tử, trang tin điện tử tổng hợp sử dụng. Việc hỗ trợ này nhằm chấm dứt sự lệ thuộc vào các công ty dịch vụ công nghệ về mặt kỹ thuật,...

Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo

https://sohuutritue.net.vn/bao-chi-con-thieu-tu-chu-ve-cong-nghe-d226830.html