Báo chí và AI: Tầm quan trọng của việc duy trì đạo đức nghề nghiệp

16:10, 01/04/2025

Mới đây, Hội nghị Nhà báo Thế giới 2025 đã khai mạc tại Trung tâm Báo chí Hàn Quốc ở Seoul. Sự kiện do Hiệp hội Nhà báo Hàn Quốc tổ chức, thu hút sự tham gia của 62 nhà báo từ 52 quốc gia trên thế giới.

Hội nghị Nhà báo Thế giới được tổ chức thường niên từ năm 2013, với các chủ đề khác nhau liên quan đến những vấn đề và thách thức lớn của các quốc gia và toàn cầu như hòa bình thế giới và bảo vệ môi trường. Sự kiện này đã trở thành một diễn đàn quan trọng, thu hút sự tham gia của các nhà báo từ khắp nơi trên thế giới và cũng là cơ hội để các nhà báo trao đổi thông tin, kết nối mạng lưới. Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà báo đã thảo luận về việc sử dụng AI trong báo chí, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đạo đức nghề nghiệp và đảm bảo AI không thay thế con người.

Trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Yoo In Chon nhấn mạnh, sự phát triển của AI và mạng xã hội đang thay đổi căn bản cách thức sản xuất và tiếp nhận tin tức.

Bộ trưởng Yoo In Chon cũng cho rằng, với sự phát triển của AI và mạng xã hội, tốc độ truyền tải tin tức đang ngày càng nhanh hơn, mức khai thác nội dung được cá nhân hóa ngày càng tăng và cách thức sản xuất và tiếp thu tin tức đang thay đổi cơ bản. Để thông tin chính xác, có giá trị được cung cấp kịp thời, cần thiết phải thiết lập các tiêu chuẩn về đạo đức truyền thông và hợp tác quốc tế để sử dụng hợp lý nội dung tin tức và bảo vệ bản quyền trong kỷ nguyên truyền thông mới.

Ông Park Jong Hyun, Chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Hàn Quốc, đơn vị chủ trì sự kiện, trong phát biểu tại lễ khai mạc đã nhấn mạnh, chúng ta hiện đang sống trong thời đại mà bất cứ ai cũng có thể truy cập tin tức và các thông tin cần thiết mọi lúc, mọi nơi chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh. Những điều không thể tưởng tượng chỉ vài năm trước đây đã trở thành hiện thực. Khoa học và công nghệ kỹ thuật số đang phát triển nhanh hơn bao giờ hết. Nếu các cơ quan báo chí không chuẩn bị cho tương lai của mình, báo chí có thể phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng chưa từng có. Hai chủ đề lớn mà hội nghị đưa ra năm nay là báo chí trong thời đại AI và vai trò của báo chí trong việc đối phó với biến đổi khí hậu, là hai nhiệm vụ lớn mà cộng đồng quốc tế và giới truyền thông có trách nhiệm chung tay cải thiện.

Nhiều nhà báo chia sẻ họ đang sử dụng AI hàng ngày để phân tích dữ liệu, rút ngắn văn bản, gợi ý tiêu đề, thậm chí dựng clip minh họa. Các nhà báo cũng cho rằng AI có thể giúp tiết kiệm thời gian, nhưng không thể thay thế phán đoán và lương tri của người làm báo. 

Song song với kỳ vọng, là những nỗi lo không nhỏ. Deepfake, tin giả, thao túng bằng thuật toán, AI nếu rơi vào tay những người không có đạo đức sẽ trở thành công cụ cực kỳ nguy hiểm. Không ít diễn giả đã cảnh báo về nguy cơ mất kiểm soát thông tin, khi AI có thể tạo ra video, hình ảnh, thậm chí cả giọng nói y như thật, khiến người xem không thể phân biệt thật – giả. Và khi những nội dung này lan truyền, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Một vấn đề khác cũng gây tranh cãi gay gắt: bản quyền và công bằng. Nhiều công ty công nghệ lớn như OpenAI, Google đang bị tố cáo sử dụng dữ liệu báo chí để huấn luyện mô hình AI mà không xin phép và không trả phí.

Hội nghị kết thúc bằng một thông điệp rất rõ ràng AI là công cụ, nhưng chính con người mới quyết định công cụ ấy được dùng vào việc gì. Không phải cứ có công nghệ là tiến bộ mà là khi công nghệ đi cùng đạo đức, đi cùng sự thấu cảm, đi cùng khát vọng phục vụ sự thật. Khi một nhà báo đứng giữa khán phòng, kể câu chuyện đã thay đổi một đạo luật bằng chính trải nghiệm của mình, người ta mới nhớ ra rằng nhà báo là người kể chuyện thật, chạm vào trái tim thật, và làm lay động cả xã hội thật.