Biến 3G thành Wi-Fi, phải cẩn thận

08:00, 18/09/2011

Các nhà cung cấp dịch vụ đã phát triển các loại USB 3G để hỗ trợ kết nối internet cho máy tính dù ở bất kỳ đâu thông qua sóng của mạng di động Việt Nam. Hạn chế của USB 3G là chỉ dùng cho một máy tính duy nhất, do đó, khi trên thị trường xuất hiện thiết bị biến 3G thành Wi-Fi nhằm chia sẻ thêm cho nhiều máy tính, điện thoại khác dùng thì đã gây được sự chú ý lớn. Tuy nhiên, người dùng nên thận trọng khi dùng thiết bị này. 
 

Thiết bị mới?
 

Tuần trước, độc giả Hoàng Trung Long (Quận 5, TP. HCM) đã liên lạc với Văn Phòng Đại diện của Tòa soạn tại TP. HCM để thông báo về hiện tượng các thiết bị biến sóng 3G thành Wi-Fi (modem) xuất hiện tại một số cửa hàng bán đồ công nghệ và ngay cả chợ dân sinh tại khu vực Quận 1, chợ Bến Thành (TP. HCM). Theo anh Long, những thiết bị này có giá tương đối rẻ từ vài trăm nghìn trở lên nhưng có khả năng “kích sóng” 3G mạnh hơn và phát ra Wi-Fi để các máy tính có thể kết nối internet thông qua 3G nhờ trung gian Wi-Fi. 
 
Theo hướng dẫn của anh Long, chúng tôi đến những điểm bán các thiết bị trên và khá ngạc nhiên trước sự đa dạng của mặt hàng này. Anh Quỳnh, chủ một cửa hàng trên đường Bùi Thị Xuân cho hay, dang modem này không phải mới xuất hiện tại Việt Nam mà đã có từ đầu năm 2010, để đáp ứng nhu cầu mới liên quan đến 3G của người Việt ngay sau khi dịch vụ 3G được các nhà mạng ở Việt Nam triển khai (cuối năm 2009). 
 
 
Theo một số nhà quan sát thì do nhu cầu 3G của người Việt Nam chưa thực sự cao nên thiết bị này vẫn còn tương đối lạ lẫm. “Các mặt hàng này có xuất xứ từ Trung Quốc với giá ban đầu khá cao, từ 2 triệu đồng trở lên và tốc độ kết nối cũng còn chậm trong khi kiểu dáng lại không thực sự bắt mắt. Do thời gian đầu mới triển khai nên tốc độ mạng 3G chưa thực sự cao trong khi những modem trên tốc độ tối đa (lý thuyết) cũng chỉ 3,6 Mbps nên số lượng người mua rất ít vì khi dùng trên máy tính, tốc độ kết nối internet thực tế rất yếu”. 
 

Nguy cơ bảo mật
 

“Tùy theo tốc độ làm việc, bán kính phát sóng mà giá của những chiếc modem biến 3G thành Wi-Fi có mức khác nhau, ở tầm phát sóng trong phạm vi dưới 10m và tốc độ 3,6 Mbps thì có giá khoảng vài trăm ngàn. Tuy vậy, trong trường hợp cần dùng cho không gian rộng hơn và tốc độ 7,2 Mbps thì giá modem tương đối cao, từ trên 2,5 triệu”, chị Liên - đại diện một cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng 8 (TP. HCM) cho biết. Điểm lợi của những thiết bị trên là chúng giúp biến sóng 3G thành Wi-Fi và các thiết bị khác hỗ trợ Wi-Fi như điện thoại, máy tính bảng, laptop,… đều có thể sử dụng sóng Wi-Fi để lên mạng, duyệt web. “Khá đông khách hàng đã đến cửa hàng sắm thiết bị này nhằm sử dụng trên xe hơi của mình”, chị Liên cho biết thêm. 

Nếu người khác có thể bắt được sóng Wi-Fi từ modem này phát ra thì họ vẫn có thể kết nối Internet “chùa” và sẽ khiến chủ nhân sẽ phải trả các khoản phí khổng lồ hàng tháng.


 
 
Theo các chuyên gia, khi sử dụng modem này, người dùng cần cẩn thận về vấn đề bảo mật. Cũng như các thiết bị Wifi khác,  modem trên luôn có hạn chế về khả năng bảo mật mặc dù nó đã được khắc phục phần nào nhờ sử dụng cơ chế kết nối thông qua 3G, tuy thế - nếu người khác có thể bắt được sóng Wi-Fi từ modem này phát ra thì họ vẫn có thể kết nối internet “chùa” và sẽ khiến chủ nhân sẽ phải trả các khoản phí khổng lồ hàng tháng. Điểm hạn chế là không giống như ADSL với các gói cước trọn gói, người sử dụng sẽ phải trả thêm tiền nếu như dùng càng nhiều dữ liệu 3G, vì thế - nếu không cẩn thận, việc dùng modem trên sẽ mang lại các hậu quả cực kỳ tai hại. Cách tốt nhất để bảo vệ mình khi dùng modem trên là người dùng cần đặt mật khẩu cho mạng Wi-Fi và thiết lập để giới hạn số thiết bị có khả năng kết nối cùng lúc với nó để tránh người lạ “hack” vào. Ngoài ra, các biện pháp khác như tắt modem khi không dùng, thường xuyên kiểm tra tài khoản, thời gian kết nối,… cũng sẽ là cách giúp người dùng nhận biết khi có sự cố xảy ra. 

 
Chất lượng sản phẩm

 
Theo anh Quỳnh, hiện có rất nhiều các sản phẩm modem 3G Wi-Fi như trên với nhiều nhà cung cấp khác nhau đến từ Trung Quốc, Đài Loan hoặc các nước Âu – Mĩ. “99,99% các modem dạng này bán ở Việt Nam đều là từ Trung Quốc với chất lượng… không thể biết trước. Vì thế, trước khi mua, bạn không nên tin lời quảng cáo của người bán về nguồn gốc của các món hàng trên. Tốt nhất, hãy mua các modem này ở mức giá vài trăm ngàn và khoảng cách kết nối ngắn nhằm tiết kiệm chi phí và tránh các nguy cơ bị “câu trộm” sóng Wi-Fi. 

 
Nếu có điều kiện, hãy mua các sản phẩm chính hãng từ nước ngoài – vốn bán rất nhiều ở các trang mua bán trực tuyến, eBay, Amazon,.. Khi ấy, bạn sẽ an tâm hơn về chất lượng và khả năng làm việc của các modem trên. 

 
Hà Thi