Bkav chọn con đường nào cho Bphone?
Những ngày gần đây, thị trường di động Việt Nam dậy sóng bởi một chiếc điện thoại Việt có tên là Bphone với những câu truyền thông “ trên trời”, lên sóng nước ngoài, rồi một vài những hình ảnh không rõ ràng. Còn lại tất cả về chiếc Bphone này vẫn là một bí ẩn.
Truyền thông – phát ngôn “trên trời”
Cái tên Bphone được nhắc đến khi xuất hiện tại CES 2014 vừa qua. Lúc này, Bkav tự tin tuyên bố đây là chiếc smartphone có thiết kế đẹp nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, thực tế không ai thấy được hình hài của nó, bởi Bkav đã dùng một chiếc hộp bao quanh sản phẩm và cấm người dùng mở nó ra.
Smartphone Bphone lần đầu tiên xuất hiện tại CES 2014.
Thời điểm đó, ông Vũ Thanh Thắng, phó chủ tịch Bkav cho biết: "Đây là một trong những smartphone đẹp nhất thế giới, đã được Bkav đăng ký bản quyền và không 'nhái' bất cứ sản phẩm nào. Đây là chiếc điện thoại cao cấp, được trau chuốt, chọn lọc cả về thiết kế, chất liệu (nắp lưng bằng kính, viền nhôm nguyên khối) cho đến cấu hình mạnh mẽ nhưng lại có giá không quá cao".
Ngay sau đó, một vài các hình ảnh BPhone rò rỉ ra từ những hình ảnh trong nhà máy của Bkav tại Hà Nội. Những hình ảnh được đưa ra ngoài cũng không rõ ràng vì được bịt kín hai đầu, chỉ có thể nhìn thấy được tổng quan là chiếc smartphone này có hai mặt kính.
Mới đây, hình ảnh được xem là rõ ràng nhất của Bphone là ở trên tay của Tổng giám đốc Bkav Nguyễn Tử Quảng tại buổi triển khai kế hoạch năm 2015 của công ty này. Ông Nguyễn Tử Quảng còn tự tin tuyên bố “Bphone đẹp và cá tính hơn iPhone 6”
Và Bphone tiếp tục xuất hiện trên tay Tổng giám đốc Nguyễn Tử Quảng.
Sự xuất hiện của Bphone khiến cộng đồng trong nước rất quan tâm. Tuy nhiên, với cách truyền thông và những tuyên bố “ trên trời”, Bkav nhận không ít “ gạch” từ cộng đồng mạng. Rất nhiều người cho rằng Bkav đã quá “nổ” khi tự cho sản phẩm của mình có thiết kế đẹp nhất thế giới hay là hơn cả iPhone 6, trong khi công ty này lần đầu tiên làm smartphone ở Việt Nam và hình ảnh sản phẩm đưa ra nhỏ giọt, không rõ ràng.
Mặc dù không đồng tình với cách truyền thông trên, nhưng nhiều người dùng cũng cho biết, nếu đây là một smartphone có chất lượng thì họ vẫn sẵn sàng ủng hộ hàng Việt, và họ hi vọng rằng đây không phải là một sản phẩm “bom xịt”.
“Made in Vietnam” như thế nào?
Đã có rất nhiều chiếc smartphone thương hiệu Việt xuất hiện tại thị trường Việt Nam, trong đó hiện có 2 cách làm sản phẩm. Cách làm thứ nhất là các doanh nghiệp Việt tiến hành thiết kế về kiểu dáng và tính năng sản phẩm, sau đó đặt hàng tại các nhà máy ở Trung Quốc để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh và đưa về Việt Nam bán cho khách hàng. Hình thức này có thể kể đến các thương hiệu như Mobiistar, Q-Mobile, FPT…
Và một hình thức nữa đó là các doanh nghiệp trong nước sẽ tiến hành nhập các linh kiện cũng từ Trung Quốc về tiến hành ráp lại từ nhà máy của mình ở Việt Nam để cho ra sản phẩm. Chiếc Vivas Lotus S1 và Vivas Lotus S2 của VNPT Technology, được sản xuất theo cách này và dây chuyền sản xuất của họ tận dụng từ dây chuyền của Acatel để lại trước đây. Hay các smartphone của Viettel cũng tiến hành tương tự như thế.
Và Bphone tiếp tục xuất hiện trên tay Tổng giám đốc Nguyễn Tử Quảng.
Riêng chiếc smartphone Bphone của Bkav hiện tại vẫn là một “bí ẩn” về cách sản xuất ra chiếc máy này.
Theo một phóng viên đã đi tham quan nhà máy của Bkav tại Hà Nội cho biết, với những gì quan sát thì Bkav chỉ làm các công đoạn thiết kế hình dáng, đưa ra các tính năng sản phẩm và nhập linh kiện từ Trung Quốc về ráp lại hoàn chỉnh ở nhà máy này, chứ không có gì gọi là “cao siêu” trong sản xuất cả. Nghĩa là giống chiếc Vivas Lotus 21 và Vivas Lotus S2 của VNPT Technology ở trên.
Cùng ý kiến, theo một chuyên gia trong ngành với những hình ảnh lộ ra từ nhà máy, trong đó chủ yếu xuất hiện công đoạn ráp sản phẩm, rất có thể chiếc smartphone này sẽ “made in Vietnam” theo kiểu phóng viên đề cập ở trên. Điều này có nghĩa Bkav sẽ nhập các linh kiện về và tiến hành ráp lại thành sản phẩm Bphone.
Nhưng vị chuyên gia này cũng đưa ra khả năng Bkav sẽ nhập một dây chuyền nhà máy cũ từ Trung Quốc để về tự sản xuất các linh kiện và cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh, bởi chi phí mua một nhà máy như thế sẽ không lớn. Nếu điều đó xảy ra, lúc này Bphone cần được ủng hộ và người dùng nên tin vào khả năng của các công ty công nghệ như Bkav khi họ làm smartphone tại Việt Nam thay vì “ném đá” nó.
Nhìn chung, muốn hiểu rõ hơn về Bphone, người dùng Việt Nam vẫn phải chờ Bkav đưa ra sản phẩm chính thức. Tuy nhiên, xét về một khía cạnh nào đó, câu chuyện xuất xứ hay ráp sản phẩm thực tế hiện nay không còn nhiều quan trọng. Bởi những hãng lớn như Apple, Microsoft…họ cũng chỉ tiến hành công đoạn thiết kế, đưa các tính năng sản phẩm, cũng như chọn đối tác sản xuất các linh kiện, còn lại sản phẩm vẫn sản xuất từ Trung Quốc. Nếu Bphone của Bkav là một sản phẩm tốt thì người Việt cần ủng hộ và nên tin vào năng lực của các công ty công nghệ ở Việt Nam.
Nhưng nếu với những hình thức truyền thông theo kiểu như trên, nếu cho ra đời một sản phẩm lỗi, Bkav chắc chắn sẽ phải “trả giá” rất nhiều cho chiến lược làm smartphone thương hiệu Việt của mình.
Nha Trang ( Tổng hợp)