Bút "chấm-đọc" bị đánh giá... chưa thông minh như quảng cáo
08:00, 13/09/2011
Anh Nguyễn Hữu Khánh (khu Nam Trung Yên, Hà Nội) mua cho con một chiếc bút thông minh có khả năng chấm đọc tiếng Anh với giá 1,2 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi mua về vài hôm thì chiếc bút chỉ còn tác dụng... vứt xó, vì "nó chẳng thông minh chút nào như quảng cáo"...
Phần mềm tiên tiến vẫn vấp lỗi
Trường hợp anh Khánh không phải là cá biệt. Chị Nguyễn Ngọc Mai (ngõ 92 Đào Tấn, Hà Nội) cũng mua cho con gái 5 tuổi một chiếc bút thông minh, giá 1.995.000đ, được quảng cáo là sử dụng phần mềm mới có khả năng giúp trẻ đưa bút vào chữ nào đó là bút sẽ "phát âm" chữ đó rõ ràng, có thể giúp trẻ học cách phát âm tốt chữ đó. Với cách này, trẻ dễ thuộc từ khi học tiếng Anh. Nhờ cây bút này trẻ không phải thường xuyên đi học thêm tiếng Anh tại các trung tâm hay đọc trước bài tập ở nhà...
Chỉ là phương tiện
Theo khảo sát của phóng viên KH&ĐS, trên thị trường đồ dùng học tập thông minh hiện nay phổ biến nhất là các loại bút thông minh, bút chấm đọc với đủ các nhãn hiệu gồm: Open, Kid talk, Tot talk, Smart talk, Touch talk... Giá cả cho những chiếc "bút biết nói" này cũng vô cùng phong phú, từ khoảng 1 triệu đồng đến trên 2 triệu đồng/bộ (có loại được tặng kèm sách). Những sản phẩm này đều được giới thiệu là có tính năng ưu việt, giúp trẻ chơi mà học, từ đó khơi dậy niềm say mê, yêu thích học tiếng Anh.
Theo nhiều nghiên cứu, bản chất thông minh ở con người là do gen di truyền, giáo dục chỉ hỗ trợ được khoảng 20%. Những loại đồ chơi hay dụng cụ học tập được xem là kích thích trí thông minh của trẻ chỉ là yếu tố gián tiếp. Yếu tố chính là sự quan tâm, đầu tư thời gian, công sức của bố mẹ vào trẻ nhỏ chứ không phải cứ mua về cho trẻ chơi là thông minh. Bố mẹ cần hướng dẫn con chơi một cách khoa học để trẻ có sự sáng tạo, phát triển trí não. |
Ông Lê Hoàng Hảo, giám đốc Công ty Thiết bị giáo dục 1 cho rằng, các đồ dùng học tập thông minh ngày càng được phát triển trên thị trường thiết bị giáo dục. Tuy nhiên, chất lượng ra sao cũng như cách dùng của người mua đến nay vẫn chưa được kiểm tra để biết độ chính xác. Nhiều thiết bị tốt nhưng người dùng chưa biết cách cũng sẽ thành dở hoặc có khi sản phẩm không tốt nhưng quảng cáo vống lên cũng không phải ít.
Vì thế, để nhận định dụng cụ học tập đó thông minh hay không cần có sự kiểm định từ cả hai phía. Khi bán sản phẩm thì nhà sản xuất cần có hướng dẫn sử dụng cụ thể, chi tiết và hướng dẫn người dùng sử dụng thành thạo trước khi giao sản phẩm, để tránh việc sản phẩm tốt nhưng người sử dụng không biết cách dùng chính xác, lại vứt bỏ gây lãng phí.
Nói về việc hiện nay nhiều bậc bố mẹ ưa chuộng các sản phẩm, đồ dùng học tập có gắn thêm chữ "thông minh", ông Lê Hoàng Hảo cho biết, đồ dùng học tập thông minh hay không thông minh đều chỉ là phương tiện học tập. Muốn học để phát triển, rèn luyện trí thông minh thì có nhiều phương tiện hỗ trợ nhưng khi dùng cần có sự lựa chọn sản phẩm phù hợp và khôn khéo sử dụng để tận dụng hết các chức năng của đồ dùng.
"Học lý thuyết suông trẻ sẽ không phát huy được trí thông minh nên cần phải có thực hành. Nếu chỉ nghe thì trẻ sẽ nắm bắt được 30% kiến thức, nếu kết hợp nghe và nhìn thì trẻ biết được 60%. Nghe đồng hành cùng nhìn và thực hành trẻ sẽ nắm được 90% kiến thức. Vì thế, với bất cứ dụng cụ hỗ trợ học tập nào khi sử dụng cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng của cha mẹ và thầy cô giúp trẻ phát huy các bài đã học", ông Hảo nhấn mạnh.
Theo Bee.net.vn