Các chuyên gia VAIP đề xuất nhiều góp ý cụ thể, tâm huyết cho dự án Luật Công nghiệp công nghệ số

07:22, 28/08/2024

Ngày 27/8, Đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm Trưởng đoàn về khảo sát thực tế tại Hội Tin học Việt Nam để phục vụ thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Phía Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (UB KHCNMT-QH) có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên Thường trực; Lê Hoàng Hải, Uỷ viên Chuyên trách; Trần Ngọc Hoa, Vụ trưởng Vụ KHCNMT VPQH và các Chuyên viên UBKHCNMT QH.

Tiếp đoàn và làm việc với đoàn về phía Hội Tin học Việt Nam (VAIP) có: GS.TS Nguyễn Thanh Thuỷ, Chủ tịch VAIP; Ths. Nguyễn Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; Ths. Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch; PGS.TS Hoàng Xuân Lâm, Phó Chủ tịch, TS. Đặng Đức Mai, Phó Chủ tịch; Th.S Đinh Duy Hợi, UVBCH, TBT Tạp chí Tin học và Đời sống cùng với đại diện lãnh đạo CLB FISU, CLB VFOSSA, CLB VLSP, CLB ExIO, các doanh nghiệp hội viên VAIP và các chuyên gia hàng đầu ngành CNTT-TT.

Phó Chủ nhiệm UB KHCNMT-QH Nguyễn Phương Tuấn và GS.TS Nguyễn Thanh Thuỷ, Chủ tịch VAIP đồng chủ trì buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm UB KHCNMT-QH cho biết: “Theo tờ trình dự án Luật Công nghiệp công nghệ số (CNpCNS), nhu cầu phát triển công nghệ và loại hình công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra trên môi trường mạng và cần sử dụng đến dữ liệu số để vận hành. Trong dự án luật này, Chính phủ đưa vào để điều chỉnh bốn vấn đề mới gồm công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (TTNT), blockchain, tài sản số (tài sản mã hoá). Trên thế giới chưa có luật này, đây là vấn đề rất mới đối với Việt Nam. Vì vậy, trong buổi làm việc hôm nay rất mong các chuyên gia sẽ trao đổi thẳng thắn, đóng góp ý kiến theo bản dự thảo luật”. Theo văn bản từ UB KHCNMT-QH gửi Hội Tin học đã đặt ra trước 8 nhóm vấn đề cụ thể trong dự thảo Luật để thảo luận, làm rõ trong buổi làm việc.

GS.TS Nguyễn Thanh Thuỷ, Chủ tịch VAIP cho biết, hiện có rất nhiều luật có liên quan đến CNTT-TT. Hai luật điều chỉnh chung là Luật KHCN và Luật Chuyển giao CN; ba luật liên quan gần là Luật Bưu chính, Luật Tần số vô tuyến điện tử và Luật Viễn thông; năm luật trực tiếp liên quan đến những vấn đề của CNpCNS đó là Luật Công nghệ cao, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật CNTT và Luật Giao dịch điện tử. Những đóng góp của các chuyên gia sẽ là nguồn thông tin rất quan trọng để UB KHCNMT-QH tư vấn trực tiếp cho Quốc hội để làm sao ra được luật có ý nghĩa cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đất nước đang đi theo dòng chảy của chuyển đổi số, có 3 trục chính là Xã hội số, Kinh tế số và Chính phủ số, trong đó CNpCNS cũng là một phần rất quan trọng.

Cần làm rõ khái niệm Công nghiệp Công nghệ số

Ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch VAIP đại diện trả lời các câu hỏi của UB KHCNMT-QH về dự án Luật CNpCNS. Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, trước tiên cần làm rõ các khái niệm “CNpCNS" là: Sản xuất, kinh doanh sản phẩm CNS hay ứng dụng CNS vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hay bao gồm cả 2. Tiếp theo, cần làm rõ khái niệm sản phẩm CNS như cách định nghĩa sản phẩm CNTT trong Luật CNTT 2006: “sản phẩm CNTT, bao gồm sản phẩm phần cứng, phần mềm và nội dung thông tin số". Định nghĩa trong dự thảo Luật CNpCNS chưa rõ ràng được như vậy.

Ngoài ra định nghĩa này có những quy định làm khó cho việc thực thi như: "CNpCNS là ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao sản xuất sản phẩm CNS, cung cấp dịch vụ CNS có giá trị gia tăng cao, tác động tới nhiều ngành, lĩnh vực". Nếu quy định như vậy thì phải chăng các sản phẩm, dịch vụ không có giá trị gia tăng cao, không tác động tới nhiều ngành, lĩnh vực sẽ không được coi là sản phẩm, dịch vụ của CNpCNS?

Ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch VAIP đại diện trả lời các câu hỏi của UB KHCNMT-QH về dự án Luật CNpCNS.

Bên cạnh đó, cần lãm rõ CNpCNS có gì khác với CNp CNTT hay chỉ khác nhau ở cái tên? Vì hiện nay hầu hết các sản phẩm, dịch vụ của CNpCNS cũng đều có thể coi là sản phẩm, dịch vụ của CNp CNTT. Cần có các định nghĩa chính xác hơn về các khái niệm CNS, CNpCNS, sản phẩm CNpCNS khi bàn về phạm vi điều chỉnh.

Trong dự thảo Luật CNpCNS không quy định về hoạt động sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ CNS cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh, cơ yếu. Vì vậy, VAIP đề nghị không loại bỏ hoàn toàn các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, cơ yếu ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật này trừ khi có luật tương tự cho các lĩnh vực này. Nếu không có luật riêng thì những quy định nào có khả năng làm lộ bí mật nhà nước thì mới cần có quy định riêng và có thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết (ghi rõ trong luật là giao Chính phủ quy định chi tiết). Không làm như vậy thì các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, cơ yếu sẽ không có văn bản QPPL nào điều chỉnh các hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ CNS. Đây sẽ là khoảng trống rất nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Về tên Luật CNpCNS: Hiện nay trên thế giới chưa có nước nào ban hành luật với tên gọi Luật CNpCNS mà các nội dung liên quan đến CNpCNS được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) khác nhau như: Luật Thương mại điện tử, Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Bản quyền và Sở hữu trí tuệ; Luật chữ ký số; Luật An ninh mạng v.v. Việc Việt Nam dự kiến ban hành Luật CNpCNS cho thấy sự chủ động và quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng một khung pháp lý toàn diện và hiện đại để thúc đẩy phát triển công nghệ số.

Việc ban hành luật này sẽ đáp ứng được các mục tiêu sau: Tạo môi trường pháp lý ổn định, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ an ninh quốc gia. Vì vậy tên Luật CNpCNS hoàn toàn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên với tên gọi như vậy thì phạm vi điều chỉnh của luật sẽ bị giới hạn trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong khi phần lớn sản phẩm của nghiên cứu, đào tạo có thể vừa dùng cho ứng dụng, vừa dùng cho sản xuất, kinh doanh. Nên chăng thay vì ban hành luật mới, chúng ta sửa Luật CNTT, trong đó có các quy định cho cả công nghiệp và cho ứng dụng, nghiên cứu, đào tạo luôn.

Chính sách phát triển CNpCNS phải có ý nghĩa khuyến khích cao hơn

Với ý kiến việc ban hành Luật CNpCNS thì vị trí của Luật CNTT ở đâu: VAIP cho rằng Luật CNpCNS chưa thể thay thế được Luật CNTT, bởi phạm vi điều chỉnh của Luật CNpCNS chỉ liên quan đến sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ CNS, trong khi phạm vi điều chỉnh của Luật CNTT liên quan đến nhiều lĩnh vực như: sản xuất, kinh doanh, ứng dụng, nghiên cứu, đào tạo CNTT.

Các khoản 2, 3 của Điều 66 Hiệu lực thi hành chủ yếu liên quan đến việc chỉnh sửa các quy định liên quan đến CNTT và công nghiệp CNTT trong Luật CNTT năm 2006. Vì vậy Luật CNTT vẫn cần tiếp tục có hiệu lực đối với những nội dung còn lại.

Quang cảnh buổi làm việc.

Với nội dung chính sách phát triển CNpCNS, theo VAIP luật mới phải phù hợp và có ý nghĩa khuyến khích cao hơn so với các chính sách khuyến khích phát triển CNp CNTT, phát triển công nghệ cao (CNC) hiện nay. Những gì vẫn như các chính sách đã được ban hành và đang còn hiệu lực thì không cần phải quy định lại, chỉ nên quy định đối với những chính sách có mức độ khuyến khích, ưu đãi cao hơn.

Một vấn đề nữa là việc thành lập khu CNS có cần thiết không trong khi hiện các khu CNTT tập trung đang được triển khai? VAIP nhận định, không cần thiết phải sinh ra thêm khu CNS, thậm chí không cần đổi tên mà chỉ cần điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quy trình, thủ tục,… liên quan đến CNS cho các khu CNTT tập trung hiện có. Việc này vừa để giữ ổn định cho hoạt động của các khu CNTT hiện tại vừa tránh tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc cho việc chỉnh sửa hồ sơ, tài liệu có các nội dung liên quan đến việc đổi tên từ “Khu CNTT tập trung" sang "Khu CNS tập trung". Do đó, các nội dung liên quan đến khu CNTT tập trung cũng chỉ nên quy định ngắn gọn như vậy.

Dự án Luật CNpCNS có nêu về việc ban hành Khung kỹ năng CNS, tuy nhiên không thấy đề cập tới việc có cấp chứng chỉ CNS hay không? VAIP cho rằng, cốt lõi của CNS vẫn là CNTT nên không cần thiết phải thay đổi các chứng chỉ CNTT thành chứng chỉ CNS. Chỉ cần bổ sung các yêu cầu về chất lượng (nếu có) đổi với Khung kỹ năng CNTT hiện có cho phù hợp với xu thế phát triển của CNTT, CNS. Việc cấp các chứng chỉ này vẫn nên theo quy định hiện thời.

Ngoài ra, vì phạm vi điều chỉnh của Luật này chỉ là lĩnh vực CNpCNS nên các quy định liên quan đến khung kỹ năng, chứng chỉ CNS cũng chỉ áp dụng cho sản xuất, kinh doanh sản phẩm CNS, không áp dụng cho ứng dụng, nghiên cứu, đào tạo CNS.

Những góp ý cụ thể khác từ VAIP

Bên cạnh những vấn đề được UB KHMT-QH nêu ra, VAIP cũng có những góp ý cụ thể khác. Theo đó, đề nghị bổ sung quy định CNS là CNC để CNS (bao gồm: sản xuất, kinh doanh, ứng dụng, nghiên cứu, đào tạo) mặc nhiên được hưởng tất cả các ưu đãi của chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển CNC đang có và sẽ có trong tương lai. Mặc dù mọi người đều hiểu CNS là CNC nhưng để thuận lợi cho việc thực thi các chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển CNC thì cần có quy định cụ thể CNS là CNC.

Phần giải thích từ ngữ, gộp mục 5 (sản phẩm CNS) vào mục 2 (CNpCNS) giống như Luật CNTT. Bỏ Điều 10 (sản phẩm CNS) và đưa nội dung của điều này vào mục 2 của Điều 3 (giải thích từ ngữ) vì thực chất điều này không có quy định gì ngoài việc giải thích sản phẩm CNS là gì?

Tại Khoản 1 Điều 11 về sản phẩm, dịch vụ CNS trọng điểm, ngoài các mục a, b, c bổ sung mục d như sau: Góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh cho các sản phẩm, dịch vụ của các ngành, lĩnh vực. Hoán đổi Khoản 2 Điều 11 với Khoản 4 Điều 12 vì Khoản 2 Điều 11 liên quan đến chủ trương, chính sách phát triển là vấn đề thuộc thẩm quyền của CP/TTCP, còn Khoản 4 Điều 12 chủ yếu liên quan đến các khía cạnh kỹ thuật - công nghệ thì giao cho Bộ TTTT là Bộ chuyên ngành quy định chi tiết thì phù hợp hơn.

Bỏ Điều 13 về tài sản mã hóa vì 2 lý do, thứ nhất, có các quy định liên quan đến một số công nghệ cụ thể (công nghệ số cái phân tán, công nghệ chuỗi khối,..) làm mất tính trung lập về mặt công nghệ của luật dẫn đến cản trở sự ra đời, phát triển của các công nghệ khác trong tương lai. Thứ hai, nếu là tài sản của cơ quan, tổ chức công thì đã có rất nhiều văn bản QPPL quy định về mua sắm, sử dụng, quản lý tài sản công rồi nên không cần phải quy định lại.

Cân nhắc việc bỏ Điều 20 về phi cá nhân hóa dữ liệu số trong công nghiệp công nghệ số vì hiện nay Bộ Công an đang dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong đó sẽ có các quy định liên quan đến việc phi cá nhân hóa dữ liệu. Do đó, để tránh trùng lặp, mâu thuẫn giữa hai luật khi quy định về cùng một vấn đề, Luật CNpCNS không nên đưa ra quy định về vấn đề này mà để cho Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân - luật chuyên ngành quy định.

Cân nhắc việc bỏ Điều 21 về bảo đảm chất lượng dữ liệu số đầu vào trong CNpCNS. Cần làm rõ khái niệm “chất lượng dữ liệu số" thì mới có thể nói đến vấn để “đảm bảo chất lượng dữ liệu số". Ngoài ra điều này chủ yếu nói tới việc tuân thủ các quy định pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng dữ liệu số - hiện chưa được quy định trong bất cứ một văn bản QPPL nào. Ngoài ra việc đảm bảo chất lượng dữ liệu đầu vào là trách nhiệm và thậm chí là quyền lợi của nhà sản xuất nếu muốn đảm bảo chất lượng đầu ra, đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ để người mua chấp nhận khác với trách nhiệm của CQNN phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đổi tên Mục 6 “Nguồn nhân lực CNS” thành “Nguồn nhân lực CNCNS”. Vì phạm vi điều chỉnh của Luật này chỉ là CNpCNS không điều chỉnh các lĩnh vực khác của CNS như: ứng dụng, nghiên cứu, đào tạo. Sửa các điều 22, 23, 24, 25 cho phù hợp với phạm vi điều chính của Luật CNpCNS. Sửa các quy định của mục 9 về KCN CNS để không phải hình thành KCN mới mà chỉ là điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quy trình, thủ tục thành lập các KCN CNTT tập trung hiện có và sẽ thành lập trong tương lai cho phù hợp với sự phát triển của CNTT, CNS.

Về Chương VI. HỆ THỐNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO: Các quy định cho lĩnh vực mới và phức tạp này chưa đầy đủ, ví dụ: Còn thiếu các quy định về đạo đức AI, một vấn đề ngày càng được quan tâm, và nhiều quốc gia đang đưa ra các quy định để đảm bảo rằng AI được phát triển và sử dụng một cách có trách nhiệm.

Góp ý từ cộng đồng khoa học

PGS.TS Bùi Thu Lâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký CLB FISU Việt Nam đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật CNpCNS.

"Tham gia góp ý dự thảo luật, PGS.TS Bùi Thu Lâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký CLB FISU Việt Nam, đại diện nêu các ý kiến và cho rằng, không cần thiết cấp chứng chỉ CNS nữa, vì đã có chứng chỉ CNTT rồi, chúng ta nên đi theo hướng giảm bớt số lượng các loại chứng chỉ có nội hàm gần nhau. Thay vào đó, nên có chính sách cụ thể cho người lao động trong các nhà máy xí nghiệp CNS.

Liên quan đến phát triển các Viện trung tâm đổi mới sáng tạo phát triển CNpCNS thì vai trò của các trường đại học ở đâu? Theo PGS.TS Bùi Thu Lâm, trong dự thảo chỉ thấy ghi là các Viện trung tâm đổi mới trong khi trường đại học cũng là một địa chỉ quan trọng đào tạo nguồn nhân lực nhưng chưa thấy ghi trong dự thảo. Vậy nên cần bổ sung hoặc có những giải trình sao cho phù hợp.

“Còn về nội dung mở mới mã ngành đào tạo CNS như Dự thảo đã nêu, tôi thấy lĩnh vực CNTT-TT hiện nay có khá đa dạng các ngành đào tạo. Trước đây chỉ có mã ngành Tin học, CNTT thì giờ đã có những ngành mới như Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Hệ thống thông tin, Công nghệ phần mềm, Mạng máy tính, An toàn thông tin, TTNT, Khoa học dữ liệu,… vậy, câu hỏi đặt ra là liệu có nên thêm mã ngành CNS nữa hay không? Có cần thiết không?” - PGS.TS Bùi Thu Lâm nêu ý kiến.

Ngoài ra, PGS.TS Bùi Thu Lâm cũng góp ý Chương 6 về TTNT, theo ông nên đưa vào luật CNTT sửa đổi cho thấy sự phát triển của lĩnh vực, để ở luật CNCNS không phù hợp; hơn nữa, nội dung còn khá sơ sài và khó áp dụng. Tại điều 62, trách nhiệm các bên liên quan đến hoạt động phát triển, cung cấp và sử dụng hệ thống TTNT, ông Lâm cho rằng chỉ nên tập trung vào khâu cung cấp và sử dụng sản phẩm. Điều này cũng tránh ảnh hưởng tới hoạt động nghiên cứu phát triển và đào tạo vì sản phẩm sinh ra phục vụ quá trình nghiên cứu phát triển và đào tạo thì không cần dán nhãn. Ngoài ra, về nhãn thì cần phải làm rõ nội hàm, thế nào là sản phẩm do TTNT sinh ra? Một vấn đề rất được quan tâm là xử lý trách nhiệm khi sự cố TTNT xảy ra nhưng trong dự thảo Luật chưa thấy nêu rõ như thế nào.

TS. Nguyễn Việt Cường, đại diện CLB VLSP tham gia góp ý cho dự thảo luật.

Tham gia góp ý cho dự thảo luật, TS. Nguyễn Việt Cường đánh giá, những khái niệm trong luật còn chung chung. “Tôi cho rằng khái niệm trong luật thì cần chính xác và có thể định lượng được, vì chỉ có chính xác mới điều chỉnh được hành vi xã hội”. Ngay phần đầu dự thảo ngoài các loại hình phần cứng, phần mềm, nội dung số (nêu trong Luật CNTT) dự thảo thêm một nội dung “hội tụ công nghệ số” là khái niệm chưa rõ ràng khó điều chỉnh, thường trong công nghệ người ta dùng cụm từ “tích hợp”, đã xuất hiện trong các luật, thì sẽ tường minh hơn về các công nghệ kết nối với nhau.

Về vấn đề TTNT, theo TS. Nguyễn Việt Cường thì cần phân biệt giữa kĩ thuật TTNT và sản phẩm ứng dụng kĩ thuật TTNT để làm rõ tiềm lực, vai trò, và trách nhiệm của các công đoạn và thành phần tham gia vào công nghệ số. Ngoài ra khi đề xuất luật CNpCNS chưa tính đến xu thế phát triển trong tương lai gần (có khi chỉ trong vòng 2-5 năm tới) thí dụ như máy tính lượng tử sẽ sớm xuất hiện làm thay đổi (kể cả tên) các công nghệ mới dẫn trong dự thảo luật. Ngay cả khái niệm máy tính cũng sẽ khác, thế hệ tiếp theo của máy tính sẽ thay đổi nhiều mỗi phần một nơi (disaggregated computing), CPU một chỗ, Ram một chỗ khác, lưu trữ ở một nơi khác … và kết nối với nhau bằng công nghệ quang học.

Về Công nghệ bán dẫn ghi trong dự thảo cũng cần tường minh vì trước khi làm ra được sản phẩm cuối cùng là các con chip cùng với firmware để được sử dụng vào CNTT, CNS thì bán dẫn liên quan chủ yếu đến Công nghệ chế tạo Vật liệu, Công nghệ Điện tử, và hiện Việt Nam mới đang tiếp cận các lớp trên cùng của Công nghệ bán dẫn như thiết kế, kiểm thử, đóng gói. Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ lưỡng.

 Ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAIP góp ý cho dự thảo luật.

Ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAIP cho biết, trong dự thảo luật đã bỏ ra ngoài cụm từ “dịch vụ”, chỉ nói đến sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nếu nói đến TTNT và một số công nghệ khác thì phát sinh rất nhiều dịch vụ, kể cả trong  đào tạo nguồn lực. Trong dự thảo luật ít đề cập đến trách nhiệm, hiện nay các thông tin về lừa đảo “số” dùng “công nghệ số” tràn lan, thí dụ như sàn tiền ảo, blockchain, đa cấp, online có dấu hiệu lừa đảo trên môi trường “số” rất nhiều, vậy thì có đưa vào luật để điều chỉnh không, nếu có thì điều chỉnh như thế nào, cần phải cân nhắc kỹ.

PGS.TS Lương Chi Mai tham gia đóng góp ý kiến.

PGS.TS Lương Chi Mai nhìn nhận, các thuật ngữ trong luật liên quan đến TTNT, chuỗi khối, IoT,... những khái niệm này chúng ta đang hiểu trong giai đoạn hiện tại nhưng nó phát triển rất nhanh. Đặc biệt, mới đây Hội nghị quốc tế GenAI Summit 2024 về TTNT được tổ chức tại Việt Nam đã mời rất nhiều chuyên gia đầu ngành về TTNT, tại đây có nhiều vấn đề liên quan đến cách tiếp cận, các sản phẩm cũng như đạo đức TTNT được đặt ra. Với Luật CNpCNS, nếu đưa TTNT vào luật thì sẽ đặt ra vấn đề về trách nhiệm. Ví dụ trách nhiệm của những sản phẩm TTNT tạo ra sẽ thuộc về ai, thuộc về cái sản phẩm đó đưa ra hay thuộc về những người sản xuất. Đây cũng là chủ đề được cái chuyên gia của Việt Nam và thế giới rất quan tâm, nên khi đưa vào các định nghĩa tường minh thì cần thật thận trọng.

PGS.TS Ngô Hồng Sơn, Chủ tịch CLB VFOSSA đóng góp ý kiến.

Liên quan đến nguồn mở, PGS.TS. Ngô Hồng Sơn, Chủ tịch CLB VFOSSA đóng góp ý kiến với 2 điều trong luật. Đó là điều 22 “cho phép các cá nhân được tiếp cận dữ liệu mở qua cơ quan nhà nước”, đây là điểm rất tích cực trong luật này, tuy nhiên cần viết lại cho chặt chẽ hơn. Thứ hai là điều 76 đang công bố là ưu tiên khuyến khích phát triển công nghệ mở, điều này rất tích cực nhưng mà đang giới hạn trong sản phẩm bán dẫn nên theo PGS.TS. Ngô Hồng Sơn cần mở rộng ra. Chúng ta cho phép phát triển, hợp tác công nghệ mở trong toàn bộ CNS này thì có thể là bao quát hơn, đầy đủ hơn và sẽ thúc đẩy công nghệ mở.

Phát biểu tổng kết buổi làm việc, ông Nguyễn Phương Tuấn hoàn toàn nhất trí và đánh giá cao các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật CNCNS từ các chuyên gia CNTT tham dự. Những ý kiến đóng góp của các chuyên gia đã giúp UB KHMT-QH có cái nhìn tổng quan hơn. Ông Tuấn đề nghị VAIP tiếp tục đồng hành, đóng góp ý kiến với Ủy ban trong quá trình nghiên cứu, thẩm tra dự án Luật CNpCNS.