Cẩn trọng chiêu trò lừa đảo dịp nghỉ lễ

12:19, 11/04/2024

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đang đến gần, do vậy nhu cầu đi du lịch của nhiều người tăng mạnh. Các mánh khóe lừa đảo được kẻ xấu tận dụng lừa khách du lịch.

Trước khi chuyển tiền đặt cọc, khách hàng cần tìm hiểu kỹ thông tin từ đơn vị cung cấp dịch vụ.

Trái đắng trước nghỉ lễ

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đang đến gần, do vậy nhu cầu đi du lịch của nhiều người tăng mạnh. Nắm bắt điều này, không ít kẻ gian đã lợi dụng tâm lý ham rẻ, thậm chí là thiếu kinh nghiệm của người dân để thực hiện những hành vi lừa đảo thông qua hình thức mua bán tour hay các dịch vụ du lịch trên mạng xã hội nhằm trục lợi khiến nhiều khách hàng vừa mất tiền, vừa bực mình, bức xúc.

Lựa chọn đi du lịch tại Singapore, Malaysia trong đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, anh Trần Anh Quân (quận Đống Đa, Hà Nội) đã tìm kiếm tour du lịch trong hội nhóm trên mạng xã hội có tên “Combo du lịch giá rẻ - Tour – Vé máy bay – Phòng khách sạn”.

Ngay sau khi đăng bài tìm kiếm, một tài khoản có tên Thuý Nga Travel đã liên lạc và tư vấn tour du lịch cho anh Quân.

“Sau khi tư vấn hai vé của tour du lịch có giá 14.500.000 VND cùng các thông tin phòng ở, ăn uống, tham quan, tài khoản này đã xin phương thức liên lạc qua gmail, hộ chiếu, địa chỉ...”, anh Quân cho biết.

Để anh Quân có thể cọc tiền, tài khoản này cho biết, sẽ có hợp đồng đặt tour và hóa đơn đỏ, sau khi thanh toán sẽ gửi lại các giấy tờ liên quan. Người này cũng cho biết thêm: “Tour sát ngày nên thanh toán hết chứ không cọc ạ”. Sau khi anh Quân cọc tiền, tài khoản này đã chặn mọi phương thức liên lạc và biến mất nên anh Quân chỉ còn biết “ngậm đắng nuốt cay”.

Tương tự, chị Kim Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) đã mất 1.200.000 đồng tiền cọc sau khi chuyển khoản cho một tài khoản lừa đảo để đặt phòng nghỉ dưỡng trong dịp lễ 30/4 – 1/5 đợt sắp tới ở Ba Vì (Hà Nội).

“Tôi có dự định đi du lịch với gia đình 30/4 và 1/5 và có đăng bài tìm homestay. Thấy bạn này nhắn tin tư vấn nhiệt tình, tôi cũng thấy ổn. Sau khi tôi chuyển khoản cọc thì nhắn tin không nhận được trả lời. Tôi cũng thấy lo lắng nên có gọi điện, sau đó tài khoản này chặn tôi luôn”, chị Linh chia sẻ.

Trong dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, nhu cầu đi nghỉ dưỡng, du lịch dài ngày cao đã khiến cho nhiều địa điểm du lịch trở nên “sốt” khách. Từ nhu cầu đông đảo của người dân, một số đối tượng lừa đảo đã thu lợi từ giao dịch online của khách hàng thông qua việc lừa đặt tour du lịch, vé, phòng… Gặp phải những đối tượng lừa đảo mùa nghỉ lễ, nhiều du khách chỉ biết “ngậm trái đắng” vì vừa mất tiền, vừa lỡ mất thời gian nghỉ ngơi, du lịch đã chuẩn bị từ trước.

Không chỉ khách hàng, các địa điểm cung cấp dịch vụ du lịch cũng “đau đầu” vì trong dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay xuất hiện nhiều đối tượng giả mạo sử dụng thông tin của dịch vụ để lừa đảo khách hàng.

Tiền nào của nấy

Đã từng “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo dịp Tết năm 2023 vừa qua, chị Lê Bảo Hân (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, trên các trang mạng xã hội quảng cáo nhiều tour cả của công ty uy tín, lớn, nhỏ đều có, nhưng đúng là có trải nghiệm rồi mới thấy “tiền nào của nấy”.

“Gia đình tôi cũng đã trải nghiệm chuyến du xuân không mấy hài lòng. Tour đó người ta chỉ đưa vào những trung tâm mua sắm, những khu vui chơi mà tôi không trải nghiệm được nhiều, rồi ăn uống, sinh hoạt gia đình thì đưa vào những nơi rất bình dân, đơn sơ chứ không như trên các trang web quảng cáo chất lượng dịch vụ 4 sao, 5 sao”, chị Hân bức xúc.

Anh Trần Đức Dương, quản lý một khách sạn tại tỉnh Quảng Ninh đã phải lên tiếng cảnh báo khách hàng vì trong thời gian gần đây, lợi dụng nhu cầu lớn của khách hàng trong dịp nghỉ lễ, nhiều đối tượng lừa đảo đã lập các kênh thông tin giả mạo.

“Chuẩn bị đến dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, ở tỉnh Quảng Ninh cũng đang xuất hiện một nhóm đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Họ tinh vi tới mức ngày ngày chạy quảng cáo tới các khách hàng đang tìm kiếm dịch vụ du lịch.

Người bị lừa là những khách du lịch ở nơi xa. Chưa tìm hiểu được nhiều thông tin về du lịch và tâm lý ham rẻ khi thấy quảng cáo nên đã giao dịch với họ, để rồi sau đó bị chặn, tiền mất tật mang”, anh Dương chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chủ tịch CLB Du lịch Thủ đô, Giám đốc AZA Travel cho biết, mánh khóe của các đối tượng lừa đảo thường là lợi dụng tình trạng khan hiếm phòng ở các điểm du lịch, dùng hình ảnh khách sạn hạng sang, tour du lịch đang “hot”… để quảng cáo.

Thậm chí, để tạo niềm tin, nhiều đối tượng đã lập trang web giả mạo các công ty du lịch, lữ hành uy tín để bán tour, vé máy bay, cho thuê phòng với mức giá chênh lệch lớn so với thị trường. Nhưng ngay sau khi chuyển tiền thì các đối tượng lừa đảo lập tức cắt đứt mọi liên hệ, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo... cũng đóng luôn và người tiêu dùng cũng chỉ biết than trời chứ không thể làm gì.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Đạt, một hình thức lừa đảo nữa cũng được các đối tượng áp dụng đó là dịch vụ làm visa du lịch nước ngoài dịp nghỉ lễ.

“Đã có nhiều người phản ánh về việc đặt dịch vụ xin visa với cam kết tỷ lệ “đậu” cao, nhưng sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí thì các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ… Sau đó, khi không được thì lấy nhiều lý do để đổ lỗi cho nạn nhân và không trả lại tiền”, ông Đạt chia sẻ.

Để tránh bị “sập bẫy” lừa, ông Nguyễn Tiến Đạt đưa ra lời khuyên, người dân nên cảnh giác trước khi quyết định mua tour, dịch vụ du lịch với mức giá rẻ, chỉ nên lựa chọn dịch vụ của những công ty uy tín hoặc qua các ứng dụng du lịch hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán…

Đồng thời, tỉnh táo trước yêu cầu đặt cọc giữ chỗ cũng như cần trang bị cho bản thân những kỹ năng giao dịch online để tránh rơi vào “bẫy” của các chiêu trò lừa đảo trên mạng, bởi rủi ro tiềm ẩn từ những giao dịch du lịch trên không gian mạng có thể xảy đến bất kỳ ai.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

(https://giaoducthoidai.vn/can-trong-chieu-tro-lua-dao-dip-nghi-le-post678914.html)