Cảnh báo hiện tượng bong bóng khi dòng tiền đổ vào các kênh đầu cơ

11:24, 18/04/2021

Kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi rõ nét với sự sôi động trở lại của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, song hành với quá trình phục hồi là sự nóng lên rất nhanh của các thị trường tài sản, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế.

Khách hàng theo dõi bảng giao dịch chứng khoán tại sàn giao dịch Vietcombank (VCBS). Ảnh: PHẠM HƯNG

Những tác dụng không mong muốn

Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH và ÐT) vừa lên tiếng cảnh báo hiện tượng bong bóng có thể xảy ra đối với các thị trường tài sản đang tăng trưởng nhanh như: chứng khoán, bất động sản (BÐS). Theo Bộ trưởng KH và ÐT Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh sự khởi sắc của bức tranh kinh tế quý I, đã xuất hiện vấn đề cần chú ý khi nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn. Nguyên nhân khiến dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường BÐS là do lãi suất thấp. Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai, quy hoạch còn hạn chế khiến các đối tượng môi giới tạo nên các cơn sốt đất đẩy giá BÐS nhiều khu vực tăng mạnh trong những tháng đầu năm, bất chấp diễn biến của dịch bệnh. Trong lĩnh vực tài chính, thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhưng chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp (DN) BÐS và ngân hàng, sự tham gia của các DN sản xuất còn hạn chế. Trên thị trường chứng khoán (TTCK) có một nghịch lý là tổng mức huy động vốn vào thị trường tăng cao nhưng giá trị phát hành cổ phiếu giảm, cho thấy nguồn vốn vào thị trường không hoàn toàn để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhiều khuyến cáo về hiện tượng bong bóng đang hình thành ở các thị trường tài sản. PGS, TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô Trường đại học Kinh tế Quốc dân phân tích: Hiệu ứng phụ trong chính sách tiền tệ năm 2020 tương đối lớn. Ngoài giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm chậm hơn, làm lợi cho khu vực tài chính hơn là lợi cho sản xuất, kinh doanh, cho nên dòng tiền đang dịch chuyển sang các kênh đầu tư và đầu cơ. Ðây là những tác dụng không mong muốn của chính sách tiền tệ. Tỷ lệ cung tiền M2/GDP của Việt Nam đang tiệm cận mốc 200% và tỷ lệ tín dụng/GDP tiệm cận mức 150%, vượt xa so với các nước trong khu vực ASEAN-5. Do đó, giá cả tiêu dùng vẫn khá ổn định nhưng bong bóng giá tài sản đang là một rủi ro đáng quan ngại khi chính sách tiền tệ được nới lỏng.

Trên thực tế, giá BÐS và chứng khoán đều tăng bất thường trong năm 2020. Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày giao dịch cuối cùng của năm 2020 tăng gần 15% so với thời điểm đầu năm (tăng 66% so với mức đáy trong quý II), chỉ số HNX-Index tăng 98% (tăng 110% từ đáy). TTCK Việt Nam cũng xác lập kỷ lục hai tháng liên tiếp có mức tăng trưởng mạnh nhất thế giới (tháng 9 và tháng 10-2020). Một phân tích của Vụ trưởng Kinh tế tổng hợp Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Tú Anh cũng cho thấy điểm tương đồng: Năm 2020, tăng trưởng tín dụng ở mức 12,13%, tăng trưởng kinh tế đạt 2,91%. Khoảng cách tốc độ tăng trưởng tín dụng và GDP danh nghĩa ở mức rất cao cho thấy tín dụng dường như chưa thật sự đi vào nền kinh tế và hiệu quả của tín dụng đối với nền kinh tế đang xấu đi.

Hướng dòng tiền vào sản xuất

Trao đổi với chúng tôi, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển (BIDV) cho biết, tình hình tài chính, tiền tệ trên thế giới gần đây đang ở mức rủi ro hơn vì tiền rẻ bơm ra nhiều, thị trường tài chính cũng phát triển những sản phẩm mới làm đa dạng hóa hình thức đầu cơ. Trong sáu tiêu chí về dấu hiệu rủi ro tài chính toàn cầu, đối chiếu với thị trường tài chính Việt Nam cũng đã xuất hiện những vấn đề cần lưu ý. Vì thị trường Việt Nam có sự tương tác chặt chẽ với thị trường quốc tế; quy mô thị trường tài chính/GDP ngày càng lớn; xuất hiện một số sản phẩm mới ở cả hình thức đầu cơ và lừa đảo, cùng với đó, nguy cơ tiến công mạng cũng ngày càng phức tạp hơn. Tuy nhiên, tình hình của Việt Nam ở mức độ trung bình khá, tức là có dấu hiệu rủi ro nhưng ở mức kiểm soát được.

Trước hiện tượng dòng tiền chảy mạnh vào các kênh đầu cơ, TS Cấn Văn Lực khuyến cáo cơ quan quản lý cần có động thái cảnh báo cho các nhà đầu tư phải hết sức thận trọng, đa dạng hóa các kênh đầu tư, tránh tâm lý đầu tư theo phong trào khi chưa có sự hiểu biết, phân tích thấu đáo. Ðặc biệt không vay mượn, dùng đòn bẩy tài chính ở hệ số cao để đầu tư. Một trong những thách thức cho phát triển TTCK vốn hiện nay là nền tảng nhà đầu tư chưa bền vững (chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân chưa chuyên nghiệp) dẫn đến nguy cơ bong bóng trên thị trường khi lượng vốn đổ vào từ các nhà đầu tư mới (F0). Do đó, các cơ quan quản lý cần có các giải pháp đẩy nhanh tính minh bạch, chuyên nghiệp cho các định chế tham gia TTCK. Về phía các địa phương cần nhanh chóng vào cuộc ngăn chặn hiện tượng sốt đất và kênh đầu cơ mới xuất hiện, điển hình là lan đột biến.

Ðể hướng dòng tiền vào sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững, các cơ quan quản lý cần quan tâm đến vấn đề rủi ro hệ thống vì có sự liên thông giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu) nhằm đi đến sự thống nhất trong quản lý, phát triển thị trường. Bộ KH và ÐT đề nghị trong thời gian tới, các bộ, ngành chức năng cần chú trọng theo dõi sát diễn biến các thị trường tài sản đang có biến động, không để xảy ra tình trạng bong bóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng nền kinh tế. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giám sát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực BÐS, chứng khoán, BOT giao thông. Tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; giám sát các tổ chức tín dụng có các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Bộ Tài chính tập trung theo dõi thị trường trái phiếu DN, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 153/2020/NÐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ. Tăng cường giám sát biến động của TTCK, chống thao túng giá, phòng ngừa rủi ro tăng nóng của thị trường. Phát triển các quỹ đầu tư dài hạn và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm DN. Tận dụng cơ hội thúc đẩy cổ phần hóa DN nhà nước gắn với niêm yết trên TTCK để phát triển thị trường.

Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo. Ðến nay, Tổ nghiên cứu đã bước đầu triển khai công tác nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo và kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý, giám sát liên quan. Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ về Xây dựng khuôn khổ pháp lý quản lý tài sản mã hóa trên TTCK. Hiện Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo và chưa quy định đơn vị chính thức quản lý lĩnh vực này. Vì vậy, các hoạt động mua bán, trao đổi tiền ảo do một số cá nhân tại Việt Nam thực hiện thông qua các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế như: Binance, Coinbase… hoặc thông qua hình thức thỏa thuận trực tiếp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

(Nguồn: Bộ Tài chính)


 Theo baonhandan.com.vn