CEO Telegram bị bắt: Tranh cãi quanh việc CEO mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về các nội dung lạm dụng

09:22, 29/08/2024

Telegram phản đối quan điểm cho rằng nền tảng hay chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm về việc người dùng lạm dụng nền tảng. Một số chuyên gia trong ngành cũng bày tỏ ý kiến về vụ viện này...

Nhà sáng lập kiêm CEO ứng dụng Telegram Pavel Durov.

Cuối tuần trước, thế giới công nghệ xôn xao sau khi CEO Telegram Durov bị bắt tại sân bay ở Pháp. Ông Durov chịu cáo buộc vì để hoạt động tội phạm diễn ra tự do  ngay trên nền tảng, theo Marca.

Trong một bài đăng ngày 26/8, Telegram Messenger khẳng định họ tuân thủ luật pháp EU và không có gì phải che giấu, đồng thời nhấn mạnh việc buộc nền tảng phải chịu trách nhiệm về sự lạm dụng của người dùng là "vô lý".

"Telegram tuân thủ luật pháp EU, bao gồm cả Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số, hoạt động kiểm duyệt của chúng tôi nằm trong tiêu chuẩn ngành và không ngừng cải thiện. Giám đốc Điều hành Telegram Pavel Durov không có gì phải trốn tránh và thường xuyên đi du lịch ở châu Âu", thông báo cho biết.

"Thật vô lý khi tuyên bố rằng nền tảng và chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm về những vấn đề người dùng lạm dụng. Gần một tỷ người trên toàn cầu sử dụng Telegram làm phương tiện liên lạc và là nguồn thông tin quan trọng. Chúng tôi đang nỗ lực giải quyết nhanh chóng vị việc này".

HASHTAG “#FREEPAVEL”

Tỷ phú Elon Musk là một trong những người đầu tiên phản đối động thái bắt giữ này.

Ông Elon Musk, được mệnh danh là ông hoàng tranh cãi, sử dụng X (trước đây gọi là Twitter) để khởi tạo thông điệp: "#FreePavel" - kêu gọi trả tự do cho CEO Pavel. Hashtag xuất hiện vài giờ sau khi tỷ phú người Nga bị bắt giữ tại sân bay Le Bourget, làm dấy lên chicuộc tranh luận về trách nhiệm kiểm duyệt nội dung và quyền lực của các ông trùm công nghệ.

Không chỉ dừng lại ở đó, ông Musk nhân cơ hội chỉ trích ông trùm mạng xã hội Mark Zuckerberg, cho rằng ông chủ Meta đã “chiều” theo các yêu cầu kiểm duyệt. Lời tuyên bố của ông Musk được đưa ra nhằm trả lời câu hỏi tại sao CEO Zuckerberg không phải đối mặt với sức ép tương tự và cho rằng "ông ấy đã khuất phục trước áp lực kiểm duyệt".

Ông Musk không nương tay, tiếp tục cáo buộc CEO Zuckerberg để một số nội dung nhạy cảm liên quan đến trẻ em lan truyền trên Instagram, đồng thời cho phép cơ quan quản lý bí mật truy cập vào dữ liệu người dùng. 

Trong khi đó, Meta khẳng định họ luôn tuân thủ quy định pháp lý, cả Messenger hay WhatsApp đều được mã hóa bảo mật.

QUÁ KHỨ ĐẦY KHÓ KHĂN CỦA TELEGRAM

Ứng dụng từng bị chặn ở Liên bang Nga vào năm 2018 sau khi Telegram từ chối tuân thủ lệnh của tòa án về chia sẻ khóa mã hóa.

Ông Pavel Durov, thu hút sự quan tâm lớn với tư cách là người ủng hộ tuyệt đối quyền tự do ngôn luận, từng vướng rất nhiều tranh cãi. Ông trùm công nghệ 39 tuổi sở hữu khối tài sản khổng lồ với VKontakte và Telegram, từ lâu đã trở thành “cái gai trong mắt” chính phủ trên toàn thế giới, đặc biệt là ở quê hương Liên bang Nga. 

Ông Durov trốn khỏi đất nước vào năm 2014 khi từ chối bàn giao dữ liệu mã hóa cho một số cơ quan quản lý ở Nga. Kể từ đó, ông công khai phản đối mạnh mẽ việc chính phủ can thiệp quá mức.

Telegram, được biết đến bởi tính bảo mật và quyền riêng tư, từng gặp vô vàn thách thức ngay trên mảnh đất quê hương. Ứng dụng bị chặn vào năm 2018 sau khi ban lãnh đạo từ chối tuân thủ lệnh của tòa án về chia sẻ khóa mã hóa. 

Năm 2020, ứng dụng trở lại sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ. Mặc dù nổi tiếng là nền tảng riêng tư, Telegram phải đối mặt với nhiều chỉ trích, cáo buộc liên quan đến các tổ chức tội phạm lộng hành.

Đối với ông Durov, khối tài sản trị giá 15,5 tỷ USD không thể giúp ông tránh khỏi rắc rối. Ông khẳng định Telegram là nền tảng trung lập, không phải bị ảnh hưởng bởi bất cứ yếu tố nào và cam kết bảo vệ quyền riêng tư người dùng bằng mọi giá. 

Tuy nhiên, với loạt cáo buộc gần đây như khủng bố, buôn bán hàng cấm hay liên quan đến trẻ em, ngày CEO Telegram hầu tòa sẽ được cả thế giới chú ý.

Ý KIẾN KHÁC CỦA GIỚI CÔNG NGHỆ

The Times Of India đưa tin, vụ bắt giữ CEO Durov tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi giữa những người có tầm ảnh hưởng, hầu hết họ đều phản đối hành động này.

Doanh nhân Hoa Kỳ Balaji Srinivasan thẳng thắn chỉ trích hành động của chính phủ Pháp. Ông cho rằng động cơ đằng sau vụ bắt giữ là kiểm soát và phòng chống tội phạm, nhưng việc buộc CEO Durov phải chịu trách nhiệm về hành động của người dùng trên Telegram cho thấy sự bất lực của chính phủ Pháp với nhóm tội phạm trong nước.

Từng chỉ trích chính sách mã hóa của Telegram, giờ đây đồng sáng lập Ethereum Vitalik Buterin lên tiếng lo ngại, việc bắt giữ nhân vật đứng đầu nền tảng này khiến quyền tự do ngôn luận ở châu Âu bị đặt dấu chấm hỏi lớn.

Ông ​​Paul Graham, nhà khoa học máy tính và nhà văn nổi tiếng cũng cho rằng việc bắt giữ ông Durov ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của Pháp trong vai trò trung tâm khởi nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh đất nước.

Bên cạnh đó, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Capitalmind, Deepak Shenoy đồng quan điểm và nhận định uy tín của chính phủ Pháp đã bắt đầu sụt giảm.

Còn ông Edward Snowden, cựu nhân viên tình báo NSA (Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ) lên án mạnh mẽ vụ bắt giữ trên phương tiện truyền thông xã hội. Ông Snowden bày tỏ sự thất vọng trên X và cho rằng động thái làm hoen ố hình ảnh của Pháp trên toàn cầu.