Tính đến hôm nay, chiếc điện thoại đầu tiên được độ vỏ mica trong suốt bước sang tuổi thứ 3. Đó cũng là ngần ấy năm, những dân chơi, dân vọc Sài Gòn bằng sự say mê, bằng nhiều phương pháp, từ thủ công đến áp dụng máy móc để làm nên những chiếc điện thoại sáng long lanh, đẹp mê mẩn lòng người.
Trong suốt có tự bao giờ?
Tháng 9 năm 2007, diễn đàn công nghệ sl45 đang yên ả bỗng dưng dậy sóng với mẫu điện thoại kịch độc iMobile 310 được “mod” bằng vỏ mica trong suốt. iMobile 310 vốn là mẫu điện thoại độc với nickname nổi tiếng “thỏi son biết hát”, nay được khoác lên chiếc áo trong sáng long lanh càng khiến nó nổi bật hơn bao giờ hết.
Người có ý tưởng và kỳ công “cày đẽo” độ vỏ trong suốt là Bùi Đức Duy cùng với một người bạn nữa (hiện là chủ một cửa hàng điện thoại).
Hai người thích điện thoại lạ này, trong một lần vô tình bắt gặp chiếc Motorola Startac mang vỏ trong suốt lộ hết phần “nội thất” bên trong ra hết sức ngẩn ngơ. Ý tưởng về một chiếc điện thoại tương tự hình thành một cách mạnh mẽ. Cả hai bắt đầu vọc và tính toán, lúc này đang sẵn có iMobile 310, nếu độ vỏ mica cho nó nữa thì đúng là còn “độc hơn thịt vịt”.
Duy tâm sự: “Thật ra chọn iMobile vì nó nhỏ gọn, tháo lắp lớp vỏ ngoài đơn giản hơn một số điện thoại khác. Nói là dễ làm nhưng giờ nghĩ lại thấy mình đúng liều. Tưởng đâu làm nhanh, ai dè khi bắt tay rồi mới “té ngửa”. Thời gian để hoàn thiện lên con số kỷ lục, hơn 2 tháng theo đuổi cùng nhiều rắc rối phức tạp khác”.
Theo nhiều dân chơi, vỏ mica hoàn toàn khác hẳn với loại vỏ nhựa trong suốt của Trung Quốc hiện nay. Các loại vỏ nhựa này rất rẻ, chỉ chừng vài chục đến trăm ngàn đã được đo ni đóng giày cho một số mẫu điện thoại phổ thông trên thị trường hoặc máy nghe nhạc, USB. Yếu điểm của chúng là rất mau xuống nước, bị đục, dễ trầy xước và không thể đánh bóng lại được. Trong khi đó, vỏ mica là phải đặt hàng riêng với cách thiết kế ngày càng độc đáo, chơi một thời gian có thể đánh bóng lại rất sáng đẹp.
Sau khi tháo vỏ máy ra và tính toán lại thì mới hay nếu chơi vỏ mica vào thì phải “hi sinh” sườn máy. Có như vậy, vỏ mica mới ôm trọn vừa khít với các chi tiết bên trong. Cái đẹp cái độc nào cũng cần có sự hài hòa, sắp xếp khéo léo. Vấn đề nảy sinh là khi bỏ sườn đi thì những vị trí như khe sim, mainboard, chân sạc, chân pin, loa, lỗ cắm tai nghe, bắng răng điều khiển của iMobile sẽ không còn ăn khớp nhau nữa.
Đó là chưa kể, chúng rất dễ bị hỏng hóc, xốc vì không còn bộ sườn nâng đỡ, bao bọc. Duy vắt óc suy nghĩ thử xem làm sao để kết nối chúng lại với nhau. Quan trọng nhất là khe sim và mainboard vì đây là 2 bộ phận quan trọng để điện thoại hoạt động được. Tính tới tính lui, cả 2 quyết định sẽ dùng dây đồng để kết nối chúng lại. May sao mọi chuyện suông sẻ.
Tiếp đó là cắt xén, mài dũa vỏ mica. Không như các loại vỏ khác, mi ca có đặc tính dễ bị mờ khi cắt và dùng keo dán. Thế nên, sau khi cắt dán là đến phần mài dũa, đánh bóng. Mài dũa cần chăm chút, kỹ càng, chịu khó. Các loại vỏ khác bên trong có thể “xấu xí” cũng chẳng ai để ý, riêng với mica vì trong suốt nên bên trong càng cần được bóng bẩy. Đánh bóng làm sao để mica “lên nước” thật long lanh cũng là cả một quá trình nghệ thuật.
Sau khi làm được vỏ mica rồi thì lại phải lọ dò chế tác ra những nút bàn phím bạc sáng lấp lánh. Cái ấn tượng, hấp dẫn của chiếc iMobile 310 đến nay còn nằm ở những chi tiết “đắt giá” như thế. Đó là một tổng thể hài hòa, đẹp long lanh. Thiếu sót duy nhất của chiếc điện thoại này là muốn lấy thẻ nhớ, lấy sim ra thì bắt buộc phải bung hết vỏ máy. Điều đó cũng chẳng quan trọng vì chơi đích thực vốn là như vậy!
Đổi đời vỏ mica
“Công nhận hồi ấy siêng thật. Phải có đam mê lắm tụi mình mới theo đuổi được công việc vì tất cả đều phải làm thủ công. Vừa làm vừa học hỏi, mò mẫm từng chút một”. Duy nhớ lại. “Hiện nay, chiếc điện thoại độc nhất vô nhị này vẫn nằm triển lãm tại một cửa hàng điện thoại trên đường Kỳ Đồng, Q3, TP HCM. Theo Duy, sau khi thông tin về chiếc điện thoại được post lên mạng, rất nhiều người ngợi khen và gạ mua lại. Lắm dân chơi kết ngay từ cái nhìn đầu tiên nên muốn sở hữu với cái giá khá cao”. Song, đó là thành quả của niềm đam mê nên tụi Duy quyết định không bán mà chỉ dành để chia sẻ cho những anh em yêu thích cái độc, cái đẹp của thiết bị số. Hồi ấy làm một cái vỏ như thế rất khó khăn, phức tạp chứ bây giờ thì đơn giản hơn nhiều lắm rồi.
Sau thời gian ngâm cứu, dân chơi Sài Gòn đã có thể sản xuất hàng loạt vỏ mica cho các loại điện thoại như Nokia, Blackberry, SL… Nếu ngày trước, một sản phẩm hoàn thiện phải mất cả tháng thì nay chỉ khoảng vài ngày. Sản phẩm làm ra đẹp, đều, bóng mượt và có thêm nhiều họa tiết, kiểu dáng hết sức phong phú. Có được điều này vì dân chơi cho nhập về những chiếc máy phay CNC. Người chơi có thể lên máy tính thiết kế cho mình một bộ vỏ ưng ý. Máy tính được kết nối với máy phay cơ khí này bằng phần mềm nên sản xuất ra vỏ với độ chính xác cao, sắc xảo hơn khi mày mò cắt, mài bằng tay.
Những ai thích chơi vỏ mica chắc hẳn đều biết nick duytandesigner. Cửa hàng Tân đóng ở quận 9, TP HCM và anh chàng này nhận gia công làm các loại vỏ gỗ, vỏ mica, độ vỏ độc cho nhiều mẫu điện thoại.
Long lanh để ngẩn ngơ
Từ đây, phong trào chơi vỏ mica nổi lên mạnh mẽ trong giới trẻ ở Sài Gòn. Một cái vỏ như vậy không phải rẻ, dao động từ 2,5 triệu đồng trở lên tùy theo độ khó của máy và cả những yêu cầu riêng của khách hàng. Đắt thì đắt vậy nhưng dân chơi vẫn không ngại chi tiền chỉ để được tận mắt nhìn thấy những phụ tùng, hoạt động bên trong. Cảm giác ánh sáng đèn chiếu hắt lên qua lớp vỏ mica trong suốt, thấy từng chi tiết nhỏ nhất của một chiếc điện thoại mang đến một tâm trạng khó diễn tả bằng lời.
Dù rằng, họ biết, chơi như vậy là đắt, là phải biết giữ gìn, chăm sóc để vỏ máy luôn sáng bóng. Yếu điểm của vo mica là nếu bị bụi bẩn rơi vào bên trong dễ khiến người dùng khó chịu. Ban đầu ánh sáng hắt ra từ điện thoại hấp dẫn họ nhưng dùng một thời gian đôi khi cũng gây nên sự khó chịu. Có vẻ như cái dáng trong suốt ấy chỉ phù hợp để trưng cất trong tủ hơn là sử dụng nhiều. Nhưng đã say mê thì đó chỉ là những chuyện nhỏ.
Mới đây nhất, một khách hàng ở Canada đã đặt hàng một con điện thoại vỏ mica để “làm que làm quảnh” ở trời Tây. Cái thú chơi ngày nào của Sài Gòn nay đã có những ảnh hưởng nhất định đến dân chơi nước ngoài. Với người chơi, như vậy là thành công, niềm vui, niềm đam mê của mình đã được lan tỏa đi khắp nơi.
Ông Nguyễn Long - Phó chủ tịch, Tổng thư Ký Hội Tin học Việt Nam và GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ là khách mời của chương trình "Công nghệ kiến tạo: Nâng cao chất lượng nguồn lực CNTT" được phát sóng trên kênh VTV2 lúc 21h30 ngày 12/3/2024.