Chưa được mua bán tên miền .vn
Mặc dù trong Thông tư 09 không đề cập nhưng tên miền .vn vẫn chịu sự điều chỉnh của luật về tài nguyên thông tin quốc gia nên không được tự do mua bán.
Ngày 6/2/2009, Thông tư 09/2008/TT-BTTTT hướng dẫn về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet và Thông tư 10/2008/TT-BTTTT quy định về giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" đã chính thức có hiệu lực. Báo BĐVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) về vấn đề này.
Ông có thể cho biết các quan điểm cơ bản của Bộ TT &TT khi xây dựng hai thông tư này?
Việc Bộ TT &TT xây dựng hai thông tư này là để điều chỉnh các quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet tại Việt
Đặc biệt, về phần tên miền, có ba quan điểm cơ bản hay cũng chính là ba sự thay đổi lớn nhất.
Một là, về trình tự thủ tục đăng ký tên miền, quy định rõ lại là: "Việc đăng ký, sử dụng tên miền được thực hiện tại các Nhà đăng ký tên miền ".vn" (không phải tại VNNIC như trước đây) theo nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt; tổ chức, cá nhân đăng ký trước được quyền sử dụng trước. Tức là Nhà đăng ký tên miền sẽ thực hiện các thủ tục tiếp nhận đăng ký, nếu tên miền đăng ký theo đúng các nguyên tắc quy định sẽ được chấp nhận và chủ thể đăng ký đầu tiên sẽ được công nhận quyền sử dụng tên miền. Cơ quan quản lý (VNNIC) không can thiệp vào quy trình đăng ký này.
Hai là, về nguyên tắc đăng ký: tên miền do tổ chức, cá nhân tự chọn nhưng phải đảm bảo không có các cụm từ xâm phạm đến lợi ích quốc gia; phải thể hiện tính nghiêm túc để không bị hiểu nhầm, xuyên tạc do tính đa âm, đa nghĩa hoặc khi không dùng dấu trong tiếng Việt. Tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về mục đích sử dụng và tính chính xác của thông tin cung cấp khi đăng ký, đảm bảo không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác và phải chịu trách nhiệm trong bất kỳ trường hợp vi phạm nào về tên miền của mình do quản lý lỏng lẻo gây ra. Như vậy, nếu trước đây, quan điểm là cơ quan quản lý phải xét cấp đối với từng trường hợp thì nay mở ra là ai đăng ký trước theo đúng thủ tục thì được quyền sử dụng trước theo như thông lệ quốc tế.
Ba là, về trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp tên miền: trước đây, do chưa có các quy định cụ thể nên mọi tranh chấp đều được giải quyết qua con đường khiếu nại hành chính, dẫn đến việc cơ quan quản lý vừa cấp phát tên miền, vừa phải tự xem xét quyết định giải quyết tranh chấp, tức là "vừa đá bóng vừa thổi còi". Thực tế từ đầu năm 2007, Luật CNTT đã có hiệu lực, quy định việc tranh chấp được giải quyết qua ba con đường (1. Tự thương lượng hòa giải; 2. Thông qua trọng tài; 3. Khởi kiện tại tòa án), nay Thông tư 10/2008/TT-BTTTT đã quy định, cụ thể hóa các quy trình, thủ tục để giải quyết tranh chấp tên miền theo đúng quy định của Luật CNTT.
Một điều đáng lưu ý nữa là Thông tư 09 đã quy định rõ "tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" không nằm trong đối tượng điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ. Dãy ký tự hoặc ký tự là nhãn hiệu hàng hóa, tên thương hiệu, tên sản phẩm, tên dịch vụ, bản quyền tác giả, tác phẩm nằm trong cấu trúc tên miền nếu chỉ đăng ký bảo vệ trên mạng sẽ không được bảo vệ trên thực tế và ngược lại, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương hiệu, tên sản phẩm, tên dịch vụ, bản quyền tác giả, tác phẩm nếu chỉ đăng ký bảo hộ trên thực tế cũng sẽ không được bảo vệ trên mạng nếu không đăng ký chúng trong tên miền". Quy định này là rất rõ ràng, tránh chuyện mập mờ và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Trước đây mọi người cứ hiểu rằng nhãn hiệu, bản quyền đã đăng ký bảo hộ ở đời thực là sẽ được bảo vệ ở mọi nơi, kể cả trong tên miền. Đây là một cách hiểu không đúng.
Vậy hiện nay toàn bộ vấn đề quản lý tên miền quốc gia được thực hiện như thế nào?
VNNIC vẫn là đơn vị đại diện cho Bộ TTV &TT quản lý hệ thống máy chủ tên miền DNS quốc gia, điều phối chung tất cả các hệ thống kỹ thuật của tên miền ".vn". Tuy nhiên, theo Nghị định 97 thì việc đăng ký tên miền được giao thực hiện tại các Nhà đăng ký tên miền ".vn" và như vậy chủ thể đăng ký tên miền có thể sử dụng máy chủ dịch vụ DNS của chính Nhà đăng ký tên miền .vn mà mình đã đăng ký hoặc sử dụng máy chủ DNS của bất kỳ nhà cung cấp nào hay có thể tự thiết lập máy chủ cho riêng mình. Song, đây chỉ là các máy chủ thứ cấp. Còn máy chủ chính của quốc gia vẫn do VNNIC quản lý và tại máy chủ này sẽ thể hiện tên miền nào tồn tại hay không tồn tại.
Nhà đăng ký tên miền ".vn" là tổ chức được VNNIC lựa chọn trên cơ sở có đủ năng lực kỹ thuật, mạng lưới, có tư cách pháp nhân đầy đủ bao gồm cả các tổ chức ở trong nước và tổ chức ở nước ngoài. Nhưng Nhà đăng ký tên miền .vn ở trong nước sẽ phải sử dụng máy chủ DNS chính (Primary) với tên miền ".vn" để cung cấp dịch vụ cho chủ thể đăng ký tên miền khi họ có yêu cầu sử dụng dịch vụ của Nhà đăng ký để nhằm đảm bảo cho VNNIC có thể hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của người đăng ký khi họ sử dụng dịch vụ trong nước (tránh tình trạng giống như vụ việc PA Vietnam đã xảy ra hồi năm ngoái). Mặc dù vậy, theo quy định thì người đăng ký tên miền .vn có quyền sử dụng máy chủ ở trong nước hoặc nước ngoài tuỳ theo nhu cầu của chủ thể. VNNIC cũng chỉ hỗ trợ được nếu chủ thể sử dụng máy chủ tên miền trong nước của Nhà đăng ký.
Thế còn vấn đề mua bán, trao đổi tên miền do không thấy nêu trong Thông tư 09 nên có thể hiểu là được phép?
Theo quy định tại Luật CNTT và Pháp lệnh BCVT hiện hành thì tần số, kho số, quỹ đạo vệ tinh và tài nguyên Internet (tên miền, địa chỉ, số hiệu mạng) là tài nguyên thông tin quốc gia và không được phép mua bán. Như vậy, mặc dù việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền quốc gia .vn không được đề cập trong Thông tư 09 nhưng tên miền vẫn chịu sự điều chỉnh chung của pháp luật về tài nguyên thông tin quốc gia và không có nghĩa là được tự do mua bán tên miền .vn. Vấn đề này sẽ được Ban soạn thảo Dự án Luật Viễn thông xây dựng các quy định chi tiết trong dự thảo Luật Viễn thông mà Bộ TT &TT đang chủ trì xây dựng và sẽ trình Quốc hội trong năm nay.
Được biết đến nay trên thế giới, tên miền đã được coi là hàng hoá nhưng tại Việt
Thực ra là không hẳn như vậy. ở đây, cần phân biệt tên miền cấp cao mã quốc gia và tên miền cấp cao quốc tế dùng chung. Theo thông lệ thì tên miền cấp cao quốc tế dùng chung (như .com, .info…) được coi là hàng hóa, được cấp theo con đường thương mại, tức là đấu thầu khai thác, mua bán, trao đổi tự do. Còn với tên miền cấp cao mã quốc gia, vấn đề này phụ thuộc vào chính sách quy định của từng nước. Có một số quốc gia không quản lý, một số quốc gia khác tổ chức đấu thầu khai thác nhưng đa phần các nước đều coi là tài nguyên nhằm đảm bảo giữ gìn an ninh, thương hiệu quốc gia trên mạng Internet. Mỗi quốc gia có thể đưa ra các chính sách để quản lý nguồn tài nguyên này một cách khác nhau, như chỉ cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc cho phép mua bán trong một giới hạn nào đó nhưng phải đóng phí, lệ phí hoặc đóng thuế cho việc chuyển nhượng. Nếu việc mua bán, chuyển nhượng được hợp pháp hóa thì cơ quan quản lý tên miền phải có trách nhiệm đảm bảo tên miền được chuyển tới đúng người được chuyển nhượng, không để người thứ ba chen ngang vào lấy mất. Và như vậy sẽ phải có phí dịch vụ, thuế cho việc chuyển nhượng.
Ngay tại Mỹ, tên miền .us cũng được quản lý rất chặt, hay tên miền .edu chỉ cho phép các trường từ cao đẳng trở lên mới được dùng, trong khi đó các tên miền .com, .hot, .info… được thương mại hóa hoàn toàn.
Có thể nói việc quản lý tên miền quốc gia hoàn toàn không phụ thuộc vào thông lệ quốc tế và tùy từng nước có thể đưa ra các chính sách quản lý phù hợp với mình.
Xin cảm ơn ông!
Khoản 3, mục I Thông tư 09 quy định: "Tài nguyên Internet của Việt
Theo ICTNews