Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cần bắt đầu từ tư duy
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải đào tạo lại từ người đứng đầu cho đến những người ở vị trí thấp nhất của doanh nghiệp, phải nhận thức một cách đầy đủ chứ không đơn thuần chỉ là công nghệ thông tin, đó là cả vấn đề tư duy nhận thức, về công tác quản trị.
- Thái Nguyên: Hiệu quả thiết thực từ việc triển khai chương trình Chuyển đổi số
- Tín hiệu vui từ chuyển đổi số trong nông nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc
- Chuyển đổi số và cuộc sống ở Việt Nam 10 năm tới: Góc nhìn từ chuyên gia
- Tận dụng khung chuyển đổi số để tăng tốc, bứt phá sau đại dịch COVID-19
- Nắm bắt cơ hội chuyển đổi số trong nông nghiệp
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn
Thời gian qua, dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ lạc quan thì Covid-19 chính là “mồi lửa” thúc đẩy chuyển đổi số.
Với 98% doanh nghiệp Việt Nam là quy mô nhỏ và vừa (SMEs), nhu cầu chuyển đổi số trong các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất lớn. Theo tính toán có khoảng 72% doanh nghiệp SMEs đang tìm cách chuyển đổi số để đưa sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường. Dù vậy, chúng ta vẫn phải nhìn nhận thực tế rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số.
Theo ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp đã ứng dụng được công nghệ số vào các vấn đề như mua hàng, bán hàng, quản trị nội bộ, logistics, sản xuất và marketing.
Trong đó, cụ thể là các hoạt động như sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội, thanh toán điện tử, sử dụng phần mềm quản lý nhân sự từ xa, quản lý chứng từ, kho hàng... Tuy nhiên, việc ứng dụng trong sản xuất còn rất yếu, như ứng dụng thiết bị IoT, rô bốt, dây chuyền tự động hoá hay hệ thống điều hành sản xuất nhà máy…
“Năng lực chuyển đổi số khi so sánh giữa hai doanh nghiệp rõ ràng doanh nghiệp lớn có năng lực chuyển đổi số tốt hơn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở hầu hết khía cạnh. Do đó, nếu muốn thúc đẩy chuyển đổi số chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa đến các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bởi khối doanh nghiệp này đang gặp khó khăn nhiều hơn đến nguồn nhân lực; vấn đề nội bộ, chi phí ứng dụng về mặt nguồn nhân lực, nguồn tiền… Còn các doanh nghiệp lớn gặp khó khăn liên quan đến vấn đề về bên ngoài, đó chính là các vấn đề về môi trường kinh doanh, thể chế, hành lang pháp lý trong việc chuyển đổi số” - ông Lương Minh Huân nêu thực tế.
Hỗ trợ SMEs vượt rào cản
Thời gian tới, để thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, cần thúc đẩy chuyển đổi số gắn với quản trị doanh nghiệp trong 3 trụ cột chính là tài chính, nguồn nhân lực và maketting. Đặc biệt, phải đào tạo lại từ người đứng đầu cho đến những người ở vị trí thấp nhất của doanh nghiệp, phải nhận thức một cách đầy đủ chứ không đơn thuần chỉ là công nghệ thông tin, đó là cả vấn đề tư duy nhận thức, công tác quản trị.
Cần có hệ thống chuyên gia tư vấn, cụ thể như trong quản trị tài chính thì cần gì? Trong tài chính việc quản trị rủi ro ra sao? Quản trị nguồn nhân lực thì việc sử dụng nguồn lực như thế nào để phù hợp với nền kinh tế số của chúng ta, do đó phải có chuyên gia tư vấn là rất cần thiết...
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Chương trình chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó lĩnh vực kinh tế số xác định chuyển đổi số trong các doanh nghiệp là một trong những trọng tâm phát triển. Triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp SMEs chuyển đổi số.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 80 hướng dẫn Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy định sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng công nghệ số, chuyển đổi số. Theo đó, mỗi hợp đồng tư vấn chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ thêm 50% giá trị hợp đồng với tổng giá trị không quá 50 triệu đồng/năm.
Ông Đường thông tin, trong chương trình chuyển đổi số SMEdx đã xác định khoảng 7 - 8 nền tảng quan trọng doanh nghiệp cần như: nền tảng tăng doanh số bán hàng, quản lý hoạt động kinh doanh, tài chính, nhân sự, tìm kiếm kênh phân phối mới… Chương trình cũng đặt mục tiêu đẩy nhanh chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua sử dụng các nền tảng số xuất sắc. Chương trình đã lựa chọn 20 nền tảng số xuất sắc công bố trên cổng SMEdx.vn với mục tiêu mỗi năm hỗ trợ 30.000 doanh nghiệp sử dụng và trải nghiệm các nền tảng…
"Với sự chung tay của nhà nước, các hiệp hội và doanh nghiệp, công cuộc chuyển đổi số sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới, đóng góp cho phát triển kinh tế số đạt được mục tiêu đóng góp 20% GDP vào năm 2025" - ông Đường nói.
Theo/vietq.vn