Có phải vì Covid-19 mà đóng cửa “sân chơi” quốc tế của các HS tài năng?
Nên chăng Bộ GD&ĐT cần có những chuyển đổi số đúng thời điểm, vượt qua khó khăn để tạo các cơ hội cho các tài năng học sinh có cơ hội so tài cùng bạn bè trên toàn thế giới.
Mới đây, Bộ Giáo dục - Đào tạo có văn bản gửi các Sở GD&ĐT và các trường Đại học có trường THPT chuyên về việc không tổ chức thi chọn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2020, do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới và Việt Nam. Trước đó, ngày 13/3/2020, Bộ GD&ĐT đã có công văn số 400 về việc lùi thời gian tổ chức kỳ thi này.
Vào năm 1974 khi còn chiến tranh, Việt Nam đã cử đội tuyển học sinh tham dự kỳ thi Olympic Toán Quốc tế và từ đó hàng năm các học sinh đội tuyển quốc gia Việt Nam đều đạt các thành tích đáng tự trong các kỳ Olympic khu vực và quốc tế các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học, Sinh học và đều đoạt huy chương, trong đó có nhiều huy chương vàng đưa Việt Nam liên tục trong Top 10 các quốc gia ở nhiều môn khoa học cơ bản.
Từ đây GS Ngô Bảo Châu hai lần giành Huy chương vàng Toán Quốc tế và sau đó trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng Fields cao quý nhất của ngành Toán học.
Kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia năm học 2019-2020 đã kết thúc, kết quả Bộ GD&ĐT đã công bố công khai trên cổng thông tin Bộ GD&ĐT. Theo lộ trình vào tháng 3, từ danh sách hàng trăm học sinh xuất sắc đoạt giải quốc gia, mỗi môn sẽ chọn 30-40 học sinh có kết quả tốt nhất được tham dự vòng chọn các đội tuyển thi các kỳ thi khu vực châu Á và quốc tế.
Với tình hình dịch Covid-19, ngày 5/5/2020 Bộ GD&ĐT đã có văn bản số 1569 thông báo không tổ chức vòng tuyển chọn kỳ vọng nhất cho các tài năng tương lai.
Ban tổ chức của các kỳ thi khoa học quốc tế cũng đã và đang lên các phương án tổ chức vượt qua Covid-19, các phương án lựa chọn là lùi thời gian tổ chức phù hợp, một số môn thay thế bằng kỳ thi online: Toán Quốc tế (IMO) sẽ hoãn tới cuối tháng 8 và dự phòng thi online hoặc tổ chức thi tại chỗ; Kỳ thi toán châu Á Thái Bình Dương - APMO được chuyển sang online; Kỳ thi Sinh học Quốc tế thay thế bằng kỳ thi online: IBO Challenge; Kỳ thi Vật lý Quốc tế thì thông báo sau ngày 15/5 sẽ có phương án.
Riêng với môn Tin học, ngay từ khi bắt đầu được tổ chức, kỳ thi Tin học châu Á Thái Bình Dương - AIPO là kỳ thi duy nhất đã tổ chức thi online. Các tài năng Tin học Việt Nam đã quen thuộc với các kỳ thi online: Olympic Tin học sinh viên, Kỳ thi ICPC đã thi online bằng tiếng Anh từ cách đây hơn 5 năm và từ 2016 các học sinh giỏi bậc THPT đã thành thục tham gia kỳ thi online này với thành tích cao, dự kiến Việt Nam sẽ có báo cáo kinh nghiệm tổ chức thi ICPC cho bậc phổ thông trong kỳ thi Tin học Quốc tế IOI 2020.
Đoàn học sinh Việt Nam đoạt 2 huy chương vàng và 4 huy chương bạc tại Olympic Toán Quốc tế lần thứ 60 - IMO 2019..
Với mục tiêu tất cả vì học sinh và tìm kiếm, vun đắp các tài năng, các kỳ thi Olympic các môn khoa học khu vực và quốc tế hầu hết đều không hủy và có phương án phù hợp với tình hình thực tế hoặc chuyển sang thi online.
Vài năm qua ngành GD&ĐT Việt Nam cũng đã có ý tưởng chuyển giao tổ chức các kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia cho các Hội Nghề nghiệp như Hội Toán học, Hội Tin học, Hội Vật lý… như Bộ đã giao công tác tổ chức Olympic Sinh viên các ngành khoa học trong hệ thống các trường ĐH và CĐ.
Các Hội nghề nghiệp với nguồn lực là các thầy cô, các nhà khoa học và chuyên gia có đủ năng lực chuyên môn và kinh nghiệm tổ chức các kỳ thi này phối hợp với sự giám sát của Bộ GD&ĐT. Vài năm qua, Bộ TTTT cũng cùng Hiệp hội An ninh an toàn thông tin tổ chức thi quốc tế rất thành công dù là ngành mới và không dễ, năm 2020 sẽ tổ chức Chung kết Quốc tế thông qua hình thức hackathon online.
Trong khó khăn của dịch Covid-19, Đảng và Chính phủ cũng kêu gọi, thúc đẩy có những chuyển đổi mạnh mẽ vượt qua khó khăn đưa Việt Nam tiến lên, một trong những giải pháp hiệu quả là mạnh mẽ chuyển đổi số, tận dụng công nghệ để vượt qua rào cản ngăn cách.
Ngành GD&ĐT cũng đã có những chuyển đổi đưa dạy và học sang hình thức trực tuyến trong 3 tháng qua. Vậy nên chăng Bộ GD&ĐT cần có những chuyển đổi số đúng thời điểm, vượt qua khó khăn để tạo các cơ hội cho các tài năng học sinh có cơ hội so tài cùng bạn bè trên toàn thế giới.
“Hãy cùng nhau, chúng tôi cam kết đặt con người lên hàng đầu, với học sinh là người đầu tiên. Với thiện chí và những nỗ lực tốt đẹp của giới học thuật, của ngành công nghiệp và lãnh đạo cộng đồng toàn cầu, chúng tôi sẽ biến Chung kết Toàn cầu ICPC 2020 trở thành một trải nghiệm độc đáo và bổ ích cho tất cả mọi người.” - trích thông báo gửi học sinh của ông Bill Poucher, Chủ tịch Kỳ thi lập trình ICPC toàn cầu.
Việt Nam đã dũng mãnh “chiến đấu” với Covid-19, chẳng nhẽ Bộ GD&ĐT ở lại khi có đủ các điều kiện vượt qua? Hãy cùng nhau vun đắp và tạo cơ hội cho các tài năng khoa học tương lai của đất Việt!
Hoàng Việt