Công nghệ mRNA có thể giúp thế giới đẩy lùi COVID-19
Công nghệ mRNA có thể giúp thế giới đẩy lùi COVID-19
Hiệu quả đáng kinh ngạc này đã được thể hiện rõ ràng trong các nghiên cứu tại Mỹ, Israel và các quốc gia sử dụng các loại vaccine mRNA.
CNN cho biết, nhiều người không đặt quá nhiều kỳ vọng vào công nghệ này do được phát triển quá nhanh. Tuy nhiên, nó đã chứng minh khả năng phòng vệ mạnh mẽ trước COVID-19. Thậm chí nó còn làm hài lòng và kinh ngạc những người ủng hộ.
Đối với công chúng toàn cầu, công nghệ RNA thông tin, hay mRNA, có thể là rất mới. Tuy nhiên, công nghệ này đã được các chuyên gia nghiên cứu trong nhiều thập kỷ. Giờ đây những nỗ lực đó đang được đền đáp xứng đáng và gặt hái được thành công vang dội. Vaccine từ công nghệ mRNA đang khuất phục đại dịch chết chóc toàn cầu chỉ trong một năm.
Câu chuyện của mRNA bắt nguồn từ đầu những năm 1990. Khi đó, nhà nghiên cứu người Hungary Katalin Kariko của Đại học Pennsylvania bắt đầu thử nghiệm công nghệ mRNA dưới hình thức liệu pháp gene.
Theo các nhà nghiên cứu, mRNA giống như một công thức nấu ăn. Nó có thể hướng dẫn các tế bào của cơ thể tạo ra một thứ gì đó. Trong trường hợp các bệnh di truyền, mRNA có thể được sử dụng để hướng dẫn tế bào tạo ra một bản sao protein khỏe mạnh.
Đối với trường hợp vaccine mRNA, nó sẽ được sử dụng nhằm ra lệnh cho tế bào tạo ra những mảnh virus giả. Sau đó, cơ thể sẽ tạo ra các kháng thể đặc biệt để phản ứng lại. Sau khi phản ứng miễn dịch trước virus của cơ thể được hoàn thiện, mRNA sẽ biến mất.
Trong nhiều năm, bà Kariko đã không thể hứng thú với ý tưởng này. Tuy nhiên, trong khoảng 15 năm trở lại đây, bà đã hợp tác với tiến sĩ Drew Weissman, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Penn Medicine, để ứng dụng công nghệ mRNA vào vaccine.
Kể từ khi bắt đầu tập trung vào mối đe dọa của các loại virus cúm hoặc mới nhất là COVID-19, các nhà khoa học đã nhận ra khả năng xoay chuyển tình thế của các loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA.
Ông Weissman cho biết: "Trong phòng thí nghiệm, chúng tôi đã nghiên cứu vaccine trong nhiều năm. Chúng tôi có 5 thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một trước khi Covid-19 xuất hiện. Chúng tôi sẽ hoàn thành chúng trong năm tới”.
Hai trong số những vaccine được thử nghiệm nhằm vào bệnh cúm. Tiến sĩ Weissman hy vọng một loại sẽ trở thành vaccine cúm phổ thống, giúp con người chống lại các chủng cúm đột biến nhanh. Nó sẽ bảo vệ con người trong thời gian rất dài chỉ với một mũi tiêm.
Trở ngại lớn nhất chính là việc phải tìm ra được phiên bản tốt nhất của virus. Cấu trúc virus mục tiêu phù hợp sẽ cho phép hệ thống miễn dịch của con người nhận ra và xây dựng hệ thống phòng vệ tốt nhất.
Theo Jason McLellan, một nhà sinh vật học cấu trúc tại Đại học Texas, công việc nghiên cứu đang diễn ra đã giúp tăng tốc độ phát triển vaccine COVID-19.
Việc nghiên cứu về hội chứng suy hô hấp cấp nặng (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) đã giúp các nhà nghiên cứu hiểu được phiên bản nào của cấu trúc dạng núm bên ngoài virus là protein đột biến. Sau đó, chúng sẽ được sử dụng trong việc sản xuất vaccine.
“Vào năm 2016, chúng tôi đã tìm ra cách để ổn định sự gia tăng các đột biến của SARS. Vì vậy, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn mọi kiến thức khi COVID-19 xuất hiện”, chuyên gia McLellan nói.
Tiến sĩ Weissman cho biết các loại vaccine tiềm năng khác, bao gồm sốt rét, lao và các loại hiếm như virus Nipah, đều có thể thực hiện nhờ công nghệ mRNA.
Phòng thí nghiệm của tiến sĩ Weissman đang nghiên cứu một loại vaccine corona phổ quát có thể chống lại COVID-19, SARS, MERS, virus gây ra cảm lạnh thông thường và cả các chủng trong tương lai.
“Chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu vaccine chống lại các loại virus corona từ đầu năm 2020. Đã có ba đợt dịch do chủng virus này gây ra trong 20 năm qua và chắc chắn sẽ còn nhiều hơn trong thời gian tới”, tiến sĩ Weissman cho biết.
Ông cũng khẳng định vaccine mRNA hoạt động rất tốt. Vaccine Pfizer tạo ra phản ứng kháng thể lớn hơn gấp 5 lần so với những người mắc COVID-19 và đã khỏi bệnh.
Bộ Y tế chuẩn bị tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine phòng COVID-19.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo nguồn vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, dịch bệnh bùng phát tại nhiều nước, Bộ Y tế đã huy động tối đa các nguồn lực tiếp cận các nhà cung cấp. Tuy nhiên để chủ động Viêt Nam cần thêm các công nghệ sản xuất tiên tiến để có nguồn sản xuất tự chủ trong nước.
Với nguyên tắc đa dạng hóa các nguồn công nghệ, thực hiện nhanh nhất các hoạt động chuyển giao, sản xuất vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo khẩn trương đàm phán mua trọn gói công nghệ tiên tiến nhất (công nghệ mRNA) để sản xuất tại Việt Nam, mua và chuyển giao các công nghệ tiềm năng khác, đồng thời tham gia vào các cơ chế chia sẻ công nghệ chung của Tổ chức Y tế Thế giới.
Bộ Y tế với sự đồng hành tham gia tích cực của các nhà sản xuất vaccine trong nước, các doanh nghiệp có đủ năng lực và tâm huyết sẽ quyết tâm đưa Việt Nam trở thành nước có thể tự chủ về vaccine phòng COVID-19 trong thời gian sớm nhất.
Theo đó, các thành viên ban chỉ đạo đã trao đổi về các yêu cầu, điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA phòng, chống COVID-19 từ tổ chức Y tế thế giới cũng như kế hoạch tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA. Đây là công nghệ sản xuất vaccine mới nhất trên thế giới.
Theo/vietq.vn