Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu về tiền kỹ thuật số, tiền ảo

10:47, 30/05/2024

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam), việc thiếu khung pháp lý để điều chỉnh đối với giao dịch tiền ảo gây ra những hậu quả khó lường...

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Ảnh: Quochoi.vn.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, ngày 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; và nhiều nội dung quan trọng khác.

Tham gia phiên thảo luận, đại biểu Tạ Văn Hạ - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam quan tâm tới các lĩnh vực mới mà hiện vẫn còn khoảng trống pháp lý, trong đó có tiền ảo, tiền kỹ thuật số.

Theo đại biểu, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, ông đã đặt vấn đề và đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu về tiền kỹ thuật số, tiền ảo. Tuy nhiên, đến nay đã qua 6 năm, Việt Nam vẫn khẳng định việc sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận. Trong khi thực tế, thị trường tài chính trong nước đã xuất hiện nhiều sản phẩm, dịch vụ, công nghệ số, phương tiện thanh toán trực tuyến điện tử mới, như tiền ảo, tiền điện tử, mô hình cho vay ngang hàng như một xu thế tất yếu trong kỷ nguyên số và sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

"Tôi đã đọc trên truyền hình và thấy Việt Nam là nước thứ ba trên thế giới sử dụng loại tiền này, việc giao dịch bằng tiền ảo diễn ra phổ biến với tính chất phức tạp, khó kiểm soát, dễ bị biến tướng, ẩn chứa nguy cơ để tội phạm hoành hành, trong khi thiếu khung pháp lý để điều chỉnh đối với hoạt động này, gây những hậu quả khó lường", đại biểu đoàn Quảng Nam chỉ ra. 

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương quan tâm nghiên cứu bởi hiện nay các nước đã xem xét rất cụ thể về nội dung này.

Toàn cảnh phiên thảo luận sáng ngày 29/5 - Ảnh: Quochoi.vn.

Ngoài tiền ảo, tiền kỹ thuật số, đại biểu Hạ cũng chỉ ra một lĩnh vực mới khác cũng tồn tại khoảng trống pháp lý là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

 

Theo đại biểu, các sản phẩm này du nhập vào Việt Nam thời gian ngắn nhưng phát triển nhanh và rất rộng. Đây là sản phẩm được Tổ chức Y tế thế giới, các cơ quan y tế của Việt Nam khuyến cáo là có hại đến sức khỏe của người sử dụng.

"Loại sản phẩm này dễ bị lợi dụng tẩm ướp các chất ma túy, chất gây nghiện, nhưng điều đáng nguy hiểm hơn là các loại sản phẩm này nhắm vào giới trẻ là thanh thiếu niên, nhắm vào thị hiếu công nghệ, hình ảnh, mẫu mã và dẫn đến có những hình ảnh rất bắt mắt, thu hút trẻ em, thậm chí ghi ở ngoài nhãn mác là sữa và có những hình ảnh rất hấp dẫn, bắt mắt và có đến mấy chục ngàn hương liệu, hương vị khác nhau hấp dẫn với trẻ em", đại biểu chỉ ra.

Đại biểu Hạ cho biết, dù chưa có tổ chức, doanh nghiệp nào được nhập khẩu, nhưng trên thị trường hiện không khó để mua những sản phẩm này, thậm chí chúng còn xuất hiện ngay trước các cổng trường học, được quảng cáo công khai và mua bán công khai ở trên mạng xã hội.

"Hiện nay, Việt Nam vẫn còn một khoảng trống pháp lý đối với loại hình sản phẩm này, theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử chưa có trong định nghĩa của thuốc lá Việt Nam", đại biểu nhấn mạnh, đồng thời đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu cả về khoa học và thực tiễn để có những ứng xử phù hợp về mặt pháp lý đối với loại sản phẩm này trong thời gian chưa có khung pháp lý hoàn thiện.

Đại biểu cũng đề nghị phải có những biện pháp kiểm soát và xử lý nghiêm, ngăn chặn và đối với loại sản phẩm này trên thị trường.

 

Theo VnEconomy

https://vneconomy.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-chinh-phu-khan-truong-nghien-cuu-ve-tien-ky-thuat-so-tien-ao.htm