Đặt cược vào 3G

00:00, 16/12/2008

Cuối cùng, sau nhiều lần lỡ hẹn, ngày 5/11 vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức phát hồ sơ thi tuyển 3G. Theo lộ trình, Bộ sẽ dành thời gian hơn 2 tháng để doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ, 1 tháng cho chấm thầu và cấp phép 3G cho 4 doanh nghiệp đạt điểm cao nhất vào quý II/2009. Như vậy, các doanh nghiệp đã, đang và sẽ làm gì để chuẩn bị cho cuộc thi này cũng như triển khai dịch vụ?

Vượt “cửa ải” 11 tiêu chí
 
Theo ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển cấp phép 3G Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), thi tuyển 3G lần này sẽ trải qua hai vòng thi. Vòng đầu tiên là sơ tuyển. Ở vòng này, doanh nghiệp phải xây dựng hồ sơ đảm bảo 11 tiêu chí. “Qua” vòng một, doanh nghiệp vào vòng hai là xét tuyển với 5 tiêu chí cơ bản, trong đó có những tiêu chí quan trọng như vùng phủ sóng, thời gian triển khai nhanh; tiền đặt cọc và cam kết sử dụng chung hạ tầng của mạng 2G sẵn có.


 

Xem ảnh lớn


Một trong những điểm đặc biệt của lần thi tuyển này là các doanh nghiệp sẽ phải nộp tiền đặt cọc. Quy định hiện tại tại hồ sơ mời thi tuyển, số tiền đặt cọc được quy định không thấp hơn 5% so với tổng số vốn đầu tư vào mạng lưới trong 3 năm đầu tiên. Như vậy, doanh nghiệp tự thấy trong 3 năm đầu tiên mình cần phải đầu tư bao nhiêu tiền vào mạng 3G thì 5% chi phí ấy sẽ phải mang ra đặt cọc.

Thực ra, tiền đặt cọc trước hết nhằm mục đích bảo lãnh thực hiện triển khai giấy phép.Với doanh nghiệp, phải thự hiện đúng cam kết sau khi nhận được giấy phép, nếu như Bộ đi kiểm tra mà không thực hiện theo đúng thì sẽ bị phạt từ tiền đặt cọc. Không chỉ mang ý nghĩa bảo lãnh, số tiền đặt cọc mà mỗi mạng di động đưa ra cũng sẽ là một trong những tiêu chí để xem xét chấm điểm trong đợt thi tuyển này. Doanh nghiệp nào nộp càng nhiều tiền càng chứng tỏ quyết tâm cao triển khai giấy phép và cũng thể hiện năng lực tài chính của bản thân doanh nghiệp.

Đặt cược vào 3G

Mặc dù mới nhận được hồ sơ thi tuyển 3G chưa lâu, song theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các mạng di động đều tỏ ra khá lạc quan về khả năng giành được giấy phép 3G.

Giám đốc mạng MobiFone, ông Lê Ngọc Minh cho biết, khi đọc các nội dung của thư mời thi tuyển, MobiFone nhận thấy mình có thể mạnh với đủ các điều kiện để nhận giấy phép 3G và cung cấp dịch vụ 3G cho khách hàng trong thời gian tới. Tất cả các điều kiện về tối thiểu nhân lực, trạm, tổ chức tài chính MobiFone đều đáp ứng đủ như trong hồ sơ đã nêu. Đặc biệt là lợi thế mạnh trong việc sử dụng tiềm lực hiện có của mạng để phát triển 3G.

Trong khi đó, Phó Giám đốc mạng VinaPhone, ông Hoàng Trung Hải đánh giá những tiêu chí mà Bộ đưa ra cho doanh nghiệp là khá chi tiết, cụ thể và thực tế. Từ đó, doanh nghiệp sẽ phải tự cân đối năng lực mạng của mình để có được hồ sơ chi tiết, trung thực nộp cho Bộ. Với năng lực tài chính, vùng phủ sóng, số lượng thuê bao hiện tại,  VinaPhone cũng tin rằng sẽ giành được giấy phép cung cấp 3G lần này.

Đại diện mạng di động Viettel cũng không kém phần tự tin với “tấm vé” 3G. Đề thi tuyển 3G tập trung nhấn mạnh 3 yếu tố, gồm năng lực tài chính, năng lực mạng lưới và năng lực con người. Trong đó năng lực tài chính và mạng lưới sẽ là yếu tố thực chất để đảm bảo rằng mạng di động nếu trúng tuyển 3G sẽ có khả năng sớm cung cấp dịch vụ cho người dân. Những yếu tố này Viettel đều hội tụ đủ.

Có vẻ im hơi, kín tiếng hơn trong cuộc đua giành giấy phép lần này, nhưng đại diện của mạng di động công nghệ CDMA EVN Telecom, Phó Giám đốc EVN Telecom Nguyễn Mạnh Bằng cũng cho biết, họ đang đặt cược vào tấm giấy phép 3G lần này: “EVN Telecom đang sở hữu băng tần không hiệu quả lắm, vì vậy chúng tôi đã đặt cược cả vào việc thi tuyển để có được giấy phép 3G”.

Như vậy, các tiêu chí đã rõ ràng, gần 3 tháng nữa giờ thi cũng sẽ điểm, cờ sẽ đến tay ai thì người đó cũng sẽ phất. Với năng lực và triển vọng cung cấp dịch vụ viễn thông tiên tiến này, khách hàng hy vọng sớm được “tiêu dùng” những dịch vụ có chất lượng cao và giá thành hợp lý.

Phan Lê
TIN LIÊN QUAN