Đất Mũi vươn mình ra biển
Câu chuyện thời sự với người dân Đồng bằng Sông Cửu Long bây giờ là hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống lao động sản xuất của họ như thế nào?. Tuy “cái án” nước dâng 1m và ngập mặn tràn khắp vẫn là “tầm nhìn xa” vài chục năm nhưng cũng chẳng mấy, các lão nông chi điền bây giờ đã bắt đầu phải nếm những thời vụ bất ổn, cảm thấy khó “nhìn trời mà liệu nắng mưa” hơn. Vậy mà cũng như “từng hạt phù sa lấn biển thêm rừng”(*), như những cây Mắm cây Đước lấn biển và giữ đất, từng cây trạm viba và BTS di động cũng đang được cấy trồng vươn mình ra các đảo cực Nam Tổ quốc, để phục vụ bà con nuôi trồng thủy sản và ngư dân đánh bắt xa bờ. Dưới nắng ngập tràn, những làn sóng điện được dệt lên như làm cho hình thù Đất Mũi thêm lung linh.
(*): Lời bài hát “Về Đất Mũi” của nhạc sỹ Hoàng Hiệp
Mốc tọa độ 0001 thiêng liêng
Xa xưa Cà Mau vốn là vùng đất hoang vu với rừng rậm, ẩm thấp mà thiếu nước ngọt, ruộng nhiều phèn, nhiều muỗi vắt nên vắng người sinh sống. Qua bao thăng trầm lịch sử, qua bao năm tháng cần mẫn “cây Mắm đi trước, cây Đước theo sau” lấn dần ra biển, mở mang bờ cõi và trở thành vùng đất bồi phì nhiêu dung dưỡng những người con đất Việt can trường. Cà Mau giàu tài nguyên cả về rừng và biển, hệ sinh thái rừng ngập nước có diện tích gần 100.000 ha được chia thành 2 vùng: rừng ngập lợ với đặc trưng cây Tràm là chủ yếu, nằm sâu trong đất liền ở U Minh hạ; rừng ngập mặn với đặc trưng cây Đước, cây Mắm là chủ yếu ở Đất Mũi và ven biển. Rừng Cà Mau đã nổi tiếng trên thế giới từ lâu, chỉ đứng sau rừng ngập mặn ở cửa sông Amazon (Brazil). Biển Cà Mau có vị trí trung tâm hàng hải trong vùng Đông Nam Á, sát với đường biển quốc tế nên thực sự rất có tiềm năng cho phát triển kinh tế.
Ra tới Mũi Cà Mau, mảnh đất nhô ra ở điểm tận cùng phía Nam của Tổ quốc. Đứng trên đài vọng cảnh có thể thấy rõ hình thù chiếc “ngón chân cái” này của Việt Nam, những mái nhà của dân cư Xóm Mũi (thuộc địa phận xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) tưởng chừng như chỉ một bước chân là ra biển, tựa vào ngút ngàn cây và vẫn bảng lảng khói bếp trong nắng sớm. Ở đây, đứng bên mô hình tượng đài con tàu trên bục cao sẽ cho ta cảm giác như đang hiên ngang trên mũi tàu khổng lồ của Tổ quốc, rẽ sóng ra khơi giữa trập trùng sóng gió.
Cột mốc toạ độ quốc gia ở Đất Mũi được bảo vệ trong ngăn kính riêng và chôn dưới mặt đất, khách thăm quan có thể đứng phía trên nhìn rõ xuống. Trên các ụ xây mũi tên hình cánh sao chỉ 4 hướng có đắp nổi dòng chữ “Mốc tọa độ Quốc gia - Điểm tọa độ GPS 0001”. Đứng ở đây, rút máy di động bấm số gọi về cho người thân ở nhà mà giọng ngẹn ngào. Có lẽ nào ta đã thực sự đang đứng ở nơi tận cùng của đất nước?!.
Vươn xa cánh sóng dệt niềm tin
Nếu như người dân vùng đồng bằng Bắc, Trung bộ thường sử dụng xe máy là phương tiện đi lại thì ở miền Tây Nam bộ, nhất là miền sông nước Cà Mau thì lại là chiếc ghe máy (địa phương thường gọi là chiếc Vỏ lãi). Con cái trong nhà tới tuổi lao động thì việc gia đình mua sắm cho chiếc Vỏ lãi cũng tựa như mua cho chiếc xe máy vậy. Loại Vỏ lãi nhỏ nhất ngồi được khoảng 3 người lớn giá bán 13 triệu đồng, loại nhỡ lớn hơn chở được 7-9 người thì khoảng gần 30 triệu đồng.
Khác với các anh em bưu tá và công nhân dây máy trên bờ, anh em làm ở Bưu điện và Trạm viễn thông các huyện sông nước này dùng Vỏ lãi làm phương tiện đi đến với khách hàng. Từ việc tiếp thị phát triển dịch vụ đến các khâu bảo trì, sửa chữa và chăm sóc khách hàng, phát thư báo... Tổ viễn thông chia ra mỗi người phụ trách một địa bàn bán kính khoảng 20km, khi có việc là lên đường xử lý thông tin ngay. Anh Thống - Giám đốc Trung tâm viễn thông 4, phụ trách huyện Cái Nước cho hay, địa bàn rộng, dân cư thưa và đường đi xa vậy nên các anh em thường phải “lập trình” kế hoạch tác nghiệp rất khoa học và hiệu quả, một chuyến “đi tuần” là kết hợp giải quyết được nhiều công việc cùng lúc: bảo dưỡng máy này, kiểm tra máy kia; giới thiệu với khách hàng này dịch vụ tiện ích mới, hỗ trợ hướng dẫn thuê bao khác sử dụng các thiết bị thông tin họ vừa mua về dùng...
Cả hệ thống xây dựng hạ tầng, cung cấp dịch vụ và chăm sóc khách hàng của Cà Mau hoạt động đều tay vậy nên mặc dù gặp nhiều khó khăn đặc thù, song mạng lưới thông tin liên lạc nơi đây luôn được đầu tư phát triển kịp thời, rộng khắp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Toàn tỉnh hiện có khoảng 110.000 thuê bao điện thoại cố định, di động trả sau và Internet MegaVNN, đó là chưa tính tới khoảng trên 700.000 thuê bao di động trả trước của Vinaphone và Mobifone. Như vậy thị phần máy cố định của VNPT Cà Mau đạt 92%, Internet 90% và di động chỉ tính riêng trả sau là gần 70%.
Rồi đây các ngành kinh tế biển, dịch vụ, du lịch, nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến xuất khẩu… của Cà Mau sẽ ngày càng phát triển. Các ngành mới như dầu khí và khí đốt (có trữ lượng rất lớn), khí điện đạm, cảng biển, hàng hải... cũng sẽ phát triển, đi lên. Và song hành cùng đó, ngành Bưu chính Viễn thông - CNTT vẫn đã và sẽ tiếp tục góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội không ngừng của vùng đất yêu thương này./.
Chí Bằng