Đề xuất chuyển đổi toàn bộ xe buýt tại TPHCM sang xe điện từ năm 2026

11:11, 31/07/2024

Ngày 30/7, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo về chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh, năng lượng điện đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng.

Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hồ Chí Minh Phạm Vương Bảo cho biết, thành phố có 2.209 xe buýt đang hoạt động. Trong đó, 546 xe buýt điện và CNG (chiếm 24,7%). Theo kế hoạch, từ năm 2024 đến 2025 sẽ đấu thầu 69 tuyến với 1.449 xe. Đến năm 2030, thành phố sẽ có tổng cộng 108 tuyến với 1.901 xe. Hiện thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu đề xuất giai đoạn từ nay đến năm 2025, toàn bộ xe buýt chuyển sang xe CNG, xe điện. Năm 2026, toàn bộ xe buýt đang hoạt động sẽ chuyển sang xe điện.

"Đến năm 2030, 100% xe buýt tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ sử dụng năng lượng xanh. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tuy xe buýt điện chưa phải đích đến cuối cùng trong phát triển giao thông đô thị nhưng là sự lựa chọn tối ưu trong khoảng 10 đến 15 năm tới", ông Phạm Vương Bảo khẳng định.

Tại hội thảo, tiến sĩ Lê Văn Nghĩa (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã đưa ra con số cụ thể để chứng minh sự khác biệt giữa xe buýt sử dụng năng lượng sạch với xe sử dụng nhiên liệu truyền thống. Theo đó, hiện nay, tại thành phố Hồ Chí Minh, xe buýt sử dụng diesel có mức phát thải khí CO2 hơn 6.700 tấn, xe CNG hơn 1.100 tấn, còn xe điện chỉ phát thải khoảng 2,7 tấn. Khi chuyển đổi xe buýt sử dụng nhiên liệu diesel và CNG sang xe buýt điện, lượng khí CO2 phát thải giảm gần 49% so với hiện nay.

Tuyến xe buýt điện D4 lộ trình Vinhomes Grand Park (thành phố Thủ Đức) – Bến xe buýt Sài Gòn (quận 1). Ảnh: internet.

Góp ý cho lộ trình phát triển xe buýt điện, PSG. TS Phạm Xuân Mai (Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, xe buýt điện sẽ chiếm ưu thế trong tương lai và dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ cải tiến công nghệ, chính sách hỗ trợ, sự ưa chuộng từ người tiêu dùng và nhu cầu bức thiết tại các đô thị lớn. Do đó, các chính sách ban hành về xe buýt điện cần sát sườn, đưa ra nhanh chóng, kịp thời và vạch ra lộ trình cụ thể, khoa học.

Về phía cơ quan nhà nước, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, thành phố đang xây dựng đề án làm hơn 180km đường sắt đô thị trong 10 năm tới. Đây là một bước góp phần chuyển đổi phương tiện giao thông xanh, phát triển giao thông bền vững.

Đặc biệt, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho phép thành phố ban hành cơ chế, chính sách chuyển đổi phương tiện hóa thạch sang năng lượng xanh, gắn với phát triển giao thông công cộng. Các đơn vị đã nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, qua đó nhận định được xu thế phát triển và xác định được nhiều vấn đề về hạ tầng, tính khả thi, chính sách thực hiện…

"Cho đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã lên sơ đồ các trạm sạc giai đoạn 1 từ nay đến năm 2030, trước mắt các bến xe buýt là nơi ưu tiên làm trạm sạc. Ngoài ra, định mức đơn giá rất quan trọng, đầu tư kinh doanh vận tải công cộng, doanh nghiệp mua được phương tiện và có nguồn thu đủ để hoàn vốn khấu hao xe", ông Trần Quang Lâm chia sẻ.

Theo Tạp chí Thương Trường

https://thuongtruong.com.vn/news/de-xuat-chuyen-doi-toan-bo-xe-buyt-tai-tphcm-sang-xe-dien-tu-nam-2026-124590.html