Điện thoại di động cho người khiếm thị

16:33, 06/12/2006

Chủ nhân của đề tài thú vị này là nhóm Mobile Speech gồm anh Bùi Quang Trung (Viện Công nghệ thông tin) và hai chàng sinh viên Nguyễn Đức Thiện, Nguyễn Trung Thành.
Nguyễn Trung Thành và Nguyễn Đức Thiện (trái)
Tại buổi giao lưu giới thiệu Giải thưởng ICT- Thắp sáng niềm tin (ngày 3/12/2006) do Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về Công nghệ thông tin, Văn phòng Điều phối các hoạt động người khuyết tật Việt Nam và Hội Tin học Việt Nam đồng tổ chức, người tham dự đặc biệt chú ý đến sản phẩm dự thi được trình diễn khá ấn tượng với tên gọi: Phần mềm đọc tin nhắn trên điện thoại di động Voice Message. Từ một ý tưởng độc đáo Công trình được bắt đầu nghiên cứu từ tháng 7/2005, xuất phát từ ý tưởng của hai chàng sinh viên năm cuối khoa CNTT- Học viện Kỹ thuật Quân sự. Ban đầu chỉ là đề tài nghiên cứu khoa học nhằm mục đích chuyển đổi từ văn bản chữ viết thành tiếng nói trong điện thoại di động bằng cách thay đổi tần số. Tuy nhiên, nhờ sự hướng dẫn tận tình của cô Lương Chi Mai- Viện phó Viện CNTT và thầy Dương Từ Cường - Giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, công trình nghiên cứu đã ngày càng được đầu tư và trở thành một mảng quan trọng trong đề tài lớn ứng dụng công nghệ nhận dạng và tổng hợp Tiếng Việt cho điện thoại di động của Viện CNTT (do cô Lương Chi Mai làm chủ nhiệm). Đến tháng 6/ 2006, cùng với người anh đồng hương Ninh Bình- Bùi Quang Trung, Thành và Thiện quyết định phát triển đề tài này thành Phần mềm đọc tin nhắn trên điện thoại di động Voice Message và tham gia Giải thưởng ICT- Thắp sáng niềm tin- một cuộc thi tìm kiếm, tôn vinh các cá nhân hoặc tập thể có những ý tưởng và sản phẩm sáng tạo trong CNTT nhằm hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Cũng từ đó, nhóm Mobile Speech ra đời. Những sản phẩm thiết thực Mới đây, nhóm Mobile Speech đã giới thiệu với công chúng chiếc máy điện thoại đầu tiên ứng dụng thành công phần mềm Voice Message. Do khó khăn, thiếu thốn về thiết bị để ứng dụng rộng rãi và mang đậm “tính sinh viên”, sản phẩm đầu tay đó chính là chiếc di động quen thuộc hằng ngày của Nguyễn Trung Thành. Thay bằng các tin nhắn hiện ra theo dạng văn bản chữ viết trên máy thông thường, những chiếc điện thoại được cài phần mềm này sẽ hiển thị tin nhắn bằng ngôn ngữ nói (máy sẽ đọc số điện thoại gừi đến và nội dung tin nhắn cho người sử dụng). Chính chức năng đó sẽ giúp phần mềm của nhóm Mobile Speech tạo ra trên thị trường những chiếc điện thoại dành riêng cho người khiếm thị. Theo đánh giá của Ban tổ chức Giải thưởng ICT- Thắp sáng niềm tin, đây là công trình nghiên cứu có khả năng áp dụng thực tế cao, góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ người khiếm thị tiếp cận các sản phẩm công nghệ mới. Những dự định Hiện nay, nhóm Mobile Speech cùng Viện CNTT đang tiếp tục nghiên cứu để mở rộng chức năng khác trong phần mềm Voice Message cài đặt vào di động như: thông báo số điện thoại, tên người trong danh bạ các cuộc gọi đến, gọi đi, báo thức... bằng tiếng nói. Việc nghiên cứu này đang được tiến hành rất khẩn trương và hiệu quả với mục tiêu: Những chiếc điện thoại di động đầu tiên cho người khiếm thị sẽ được tung ra thị trường vào đầu năm 2007. Linh Nga

Tháng 6/2006, tại Philippines đã phát hành phần mềm Mobile Speech có chức năng tương tự Voice Message. Tuy nhiên, ngôn ngữ chính mà phần mềm này sử dụng là tiếng Anh và giá của một chiếc điện thoại là 250 USD. Vì thế, đại diện của nhóm Mobile Speech- bạn Nguyễn Trung Thành cho biết, Voice Message ra đời đã cải tiến, nâng cấp theo hệ thống tiếng Việt, tạo sự khác biệt lớn so với Mobile Speech của nước bạn. Mục đích chính của công trình nghiên cứu là giúp đỡ người khiếm thị hòa nhập cộng đồng, tiếp cận khoa học kỹ thuật nên giá thành mỗi chiếc điện thoại cài phần mềm chắc chắn cũng sẽ ở mức độ phù hợp, để có thể ứng dụng rộng rãi.

TIN LIÊN QUAN