Đổi mã vùng điện thoại: Sẽ giảm thiểu tác động đến người dân
Đó là khẳng định của Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông-TT&TT) Trần Mạnh Tuấn trước dư luận thời gian qua xung quanh việc Bộ TT&TT quy hoạch lại kho số viễn thông, trong đó có việc đồng loạt chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định (ĐTCĐ) tại 63 tỉnh, thành phố, gây nhiều khó khăn cho người dân khi sử dụng.
Trước những phản ứng trái chiều từ dư luận những ngày qua về những thiệt hại, bất cập có thể xảy ra khi bộ này đồng loạt chuyển mã vùng điện thoại cố định tại 63 tỉnh, thành phố. Công Trần Mạnh Tuấn cho biết “Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT & TT) đã tính toán để giảm thiểu ở mức thấp nhất thiệt hại của người dân, doanh nghiệp khi chuyển mã vùng điện thoại cố định. Song trước sự bùng nổ thông tin di động khiến kho số viễn thông đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, quy hoạch kho số tại thời điểm này là hết sức cấp bách”.
Cứu thua cho nguy cơ “cháy số” của dịch vụ di dộng.
Thông tư 22 do Bộ TTTT ban hành trong bối cảnh việc quy hoạch kho số viễn thông tại thời điểm này là hết sức cấp bách. Điều này xuất phát từ thực tế xuất phát điểm của ngành viễn thông là mạng viễn thông cố định, khi đó chưa có mạng di động. Quy hoạch kho số trước đây, đa số đầu mã đều được sử dụng làm đầu mã vùng. Số đầu mã vùng cho mạng cố định là 7 (2x, 3x, 4x, 5x, 6x, 7x, 8x), trong khi mã cho mạng di động là 2 (1xx, 9x).
Với sự phát triển ngày càng tăng của các thuê bao điện thoại di động thì đang tồn tại một nghịch lý là số lượng thuê bao điện thoại di động tăng (hiện đã hơn 120 triệu thuê bao), trong khi kho số dành cho mạng di động lại cạn kiệt. Hiện số lượng điện thoại cố định khoảng 7 triệu thuê bao và xu hướng ngày càng giảm, vì vậy việc quy hoạch lại kho số viễn thông để sử dụng hiệu quả, nhu cầu lớn để dành kho số lớn và nhu cầu nhỏ phải thu hẹp lại là điều cần thiết.
Thêm vào đó, do quá trình chia tách các tỉnh, thành, một số tỉnh được chia tách có đầu mã vùng không như ban đầu. Chẳng hạn, hai thành phố lớn HN và TPHCM có đầu mã 1 chữ số (Hà Nội là 4; TPHCM là 8), nhưng một số tỉnh khác có độ dài 2 chữ số. Khi chia tách như Nam Định trước đây mã vùng là 35, sau khi tách thành Nam Định và Hà Nam thì mã vùng một tỉnh là 350, 1 tỉnh là 351. Vì vậy mã vùng trở nên không đồng nhất, một số tỉnh mã vùng sẽ là 3 chữ số.
Bên cạnh đó, quá trình sử dụng cũng cho thấy một số mã, số được quy hoạch trước đây như mã dịch vụ nhắn tin, Internet tốc độ thấp qua modem... đến nay không còn sử dụng phải loại bỏ ra khỏi quy hoạch... Để giải quyết vấn đề này, khoản 2, Điều 47, Luật Viễn thông quy định Bộ TT&TT là cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng quy hoạch lại kho số để sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên kho số.
Vậy giải quyết vấn đề quy hoạch lại kho số, mở rộng kho số di động, đều có tính toán đến tác động đến người dân. Hiện có 2 cách: Một là - kéo dài số thuê bao, và hai là - phải bổ sung thêm đầu mã cho thuê bao. Quy hoạch mà Bộ TT & TT đưa ra về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu này bằng việc bổ sung đầu mã cho điện thoại di động, thu gọn đầu mã điện thoại cố định. Điều này phù hợp với thông lệ trên thế giới là cố định độ dài số thuê bao (10 số), không tốn kém thời gian cho người dân, doanh nghiệp phải quay thêm dãy số dài, không cần thiết.
Đã có giải pháp để giảm thiểu thiệt hại cho người sử dụng.
Thông tin về việc đổi mã vùng ĐTCĐ đã gây phản ứng từ phía người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là thông tin về thời điểm thông tư có hiệu lực là từ 1.3.2015. Giải đáp về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết: Thời điểm 1/3 là thời điểm có hiệu lực của quy hoạch chứ không phải tất cả các nội dung quy hoạch bắt đầu phải có hiệu lực từ 1/3. Vấn đề này, cơ quan báo chí cần nói rõ để người dân nhận được thông tin chính xác. Đây mới chỉ là quy hoạch để người dân biết định hướng của Nhà nước. Sau đó, Nhà nước mới xây dựng các kế hoạch cụ thể để thực hiện quy hoạch. Trong đó, việc đổi mã vùng dự kiến sẽ làm trong nhiều giai đoạn, theo từng khu vực, mỗi khu vực có thể kéo dài nhiều tháng, như vậy có thể hàng năm sau mới thực hiện xong phần đổi mã vùng.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng.
Việc chuyển mã vùng đang dự kiến sẽ thực hiện theo 3 giai đoạn nhằm giảm thiểu việc gián đoạn thông tin liên lạc của người dân. Giai đoạn 1, sẽ phải thông báo cho người dân trên các phương tiện đại chúng trước ngày áp dụng 60 ngày. Việc thực hiện cũng sẽ chuyển đổi song song, vẫn áp dụng cả mã vùng cũ và mã vùng mới trong khoảng thời gian từ 3-6 tháng. Nếu có phản hồi tích cực thì mới cắt hẳn mã vùng cũ để chỉ duy trì mã mới.
Sau khi thực hiện xong việc chuyển đổi mã vùng sẽ có kế hoạch chuyển đổi dần số thuê bao di động dầu 1xx về các đầu 3x, 4x, 5x, 7x,8x, các số đầu 9x giữ nguyên. Kế hoạch sơ bộ này đã được xem xét và đánh giá là giải pháp tối ưu nhất để thực hiện Quy hoạch và không gây xáo trộn lớn thói quen sử dụng của người dân.
Việc tính toán đổi mã vùng ĐTCĐ cũng được tính toán đến mục tiêu lâu dài để quy hoạch tồn tại được khoảng 10-12 năm sau vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu thực tế, không phải tiếp tục thay đổi. Từ 7 đầu mã, mã vùng ĐTCĐ hiện quy định chỉ còn sử dụng đầu 2x, vì vậy, sẽ chỉ có một số tỉnh vẫn giữ được số cũ, còn đa số các tỉnh sẽ phải thay đổi. Việc thay đổi cũng cố gắng quy luật, từ Bắc vào nam, dễ thuộc dễ nhớ. Trong tương lai gần, khi các vùng cước từ 63 vùng cước hiện nay (theo quy định mỗi tỉnh một vùng cước) sẽ thu hẹp lại chỉ còn từ 8-10 vùng cước thì việc thay đổi mã vùng như trên vẫn không bị ảnh hưởng.
Nha Trang.