Dr. Thùy Dung - Bác sĩ tự xưng livestream bán thực phẩm chức năng
Mặc dù Bộ Y tế đã nhiều lần phát đi cảnh báo về hành vi mạo danh, sử dụng hình ảnh bác sĩ, để quảng cáo thực phẩm chức năng khiến người tiêu dùng lầm tưởng đây là thuốc chữa bệnh. Thế nhưng vì lợi nhuận, bác sỹ “tự xưng” Dr.Thùy Dung trên mạng xã hội vẫn bất chấp để vi phạm.
- Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm việc livestrream bán hàng giả, trốn thuế
- Sau khi "càn quét" thị trường thương mại điện tử châu Á, livestream bắt đầu tiến vào châu Âu
- Trí tuệ nhân tạo: Bạn đồng hành quý giá của y bác sĩ tương lai
- Cẩn trọng người tự xưng bác sĩ quảng cáo mỹ phẩm y tế Angel như thuốc trị bệnh trên TikTok
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội nở rộ chiêu trò của nhiều đối tượng tự xưng bác sỹ rồi phát livestream quảng cáo, thành lâp group tư vấn, chăm sóc sức khỏe bán các loại thực phẩm chức năng. Điều đáng nói là các livestream này được chạy quảng cáo liên tục trên mạng xã hội khiến nhiều người bệnh tin tưởng và sập bẫy, bỏ tiền mua những sản phẩm không hề có tác dụng chữa bệnh như quảng cáo..
Fanpage hơn 383 nghìn người theo dõi, mỗi clip quảng cáo tư vấn và bán thực phẩm chức năng đều thu hút nhiều người xem.
Nổi bật nhất là fanpage Dr Thùy Dung trên mạng xã hội facebook, người phụ nữ xuất hiện trong fanpage này trước được giới thiệu là Bác sĩ Thùy Dung, tốt nghiệp Học viện Quân y, Giám đốc Trung tâm đào tạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng - Viện khoa học ứng dụng y dược Phương Đông nhưng thời gian gần đây đã lược bỏ thông tin giới thiệu: “Tốt nghiệp Học viện Quân y. Người này liên tục phát livestream trên facebook, tiktok, youtube để quảng cáo bán các loại thực phẩm chức năng như viên xương khớp Glucosamine Avocado; viên huyết áp Omega 3 Krill; sữa ngũ cốc Collagen Nebimi, viên uống Collagen các loại…
Đặc biệt những sản phẩm nêu trên chỉ là thực phẩm chức năng, không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, nhưng tài khoản Dr.Thùy Dung này liên tục tự xưng là bác sĩ, tư vấn như thuốc chữa các loại bệnh xương khớp, huyết áp, mỡ máu, gan nhiễm mỡ, dạ dày…
Lập group tư vấn sức khỏe nhưng thực chất là thổi phồng công dụng như thuốc chữa bệnh để bán TPCN ?
Với việc phát livestream và chạy quảng cáo tần suất cao, nên fanpage Dr Thùy Dung có hơn 383 nghìn người theo dõi, luôn đạt được số lượng người xem lên tới hàng nghìn người, thậm chí là hàng vạn người cho mỗi clip. Hơn thế nữa, Dr Thùy Dung còn lập các group kiểu như: “Xương khớp vững mạnh” để tư vấn, chia sẻ các thói quen ăn uống, cách sinh hoạt trong đời sống để có sức khỏe tốt nhưng luôn kèm theo quảng cáo, tư vấn bán thực phẩm chức năng, thổi phồng công dụng như thuốc chữa bệnh khiến nhiều người nhẹ dạ cả tin xuống tiền không tiếc để mua hàng.
Anh Phạm Phương Nam, ở huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, cho biết: “Bố mẹ tôi năm nay đã ngoài 60 tuổi rồi, xương khớp không còn tốt, bị đau nhức chân mỗi lúc trái nắng trở trời. Tâm lý lo lắng bệnh tuổi già nên ở nhà lên facebook xem Livestream của bác sĩ Thùy Dung, tin tưởng là bác sỹ tốt nghiệp Học viện Quân y tư vấn nên đã đặt mua Glucosamine Avocado. Đến khi tôi về mới biết và kiểm tra thì tôi phát hiện cái này không phải là thuốc chữa bệnh, nó cũng chỉ là thực phẩm chức năng, làm sao có thể chữa được bệnh xương khớp mà cô ấy lại quảng cáo nó như thuốc đặc trị bệnh xương khớp. Tôi cho rằng những gì vị bác sỹ Dung này tư vấn là sai sự thật, thổi phồng công dụng như thuốc chữa bệnh. Đặc biệt chiêu trò này rất tinh vi khiến những người bệnh, người già kém hiểu biết rất dễ nhầm lẫn nên đã bỏ tiền ra mua sản phẩm”.
Các sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Cùng chung hoàn cảnh như nhà anh Nam, chị Hằng ở Cầu Giấy chia sẻ: “Chồng tôi thường xuyên phải tiếp khách, công việc văn phòng ít vận động. Đi khám sức khỏe định kỳ mới thầy báo động về các chỉ số như mỡ máu, gan nhiễm mỡ, huyết áp. Lo lắng sức khỏe của chồng, tôi có lên mạng tìm hiểu và được bác sỹ Dung tư vấn cho là chỉ cần uống 2 viên Omega 3 Krill mỗi ngày là sẽ kiểm soát được huyết áp, hạ mỡ máu, gan nhiễm mỡ, đánh bay đau đầu hoa mắt. Thấy facebook Dr Thùy Dung có nhiều người theo dõi (chắc là uy tín) nên tôi đã đặt liền 03 hộp với giá 2 triệu 600 nghìn đồng với mong muốn chữa bệnh cho chồng. Khi nhận được thuốc và sử dụng một thời gian tôi mới phát hiện ra rằng đây là thực phẩm chức năng chứ không phải thuốc chữa bệnh như tư vấn của Dr Thùy Dung.”
Sử dụng hình ảnh bác sĩ, lương y, nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật
Trước đó ngày 23/5/2023, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát đi cảnh báo về việc mạo danh các bác sĩ, quảng cáo thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh để bán sản phẩm. Người bệnh, người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh. Bên cạnh đó người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với các dạng clip giới thiệu từng là các bệnh nhân, dùng sản phẩm thực phẩm chức năng có thể khỏi bệnh.
Đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý những hành vi quảng cáo tư vấn bán thực phẩm chức năng của vị bác sĩ Dr Thùy Dung để tránh cho nhiều người tiêu dùng lầm tưởng rồi rơi vào cảnh tiền mất tật mang như trên.
Theo Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn