Cẩn trọng người tự xưng bác sĩ quảng cáo mỹ phẩm y tế Angel như thuốc trị bệnh trên TikTok

09:25, 19/03/2024

Một phụ nữ tự xưng là bác sĩ Hoa thời gian gần đây liên tục lên các clip quảng cáo mỹ phẩm y tế Angel trên TikTok với công dụng như thuốc trị bệnh, vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo.

Mạng xã hội TikTok đang trở thành mảnh đất màu mỡ để chào bán các loại mỹ phẩm. Giữa “ma trận” sản phẩm từ sản xuất trong nước đến hàng nhập khẩu, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin cũng như biết cách lựa chọn sản phẩm đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn.

Chiêu trò của các quảng cáo bán mỹ phẩm xuất hiện trên TikTok thường có người tự nhận bác sĩ tư vấn "nổ" về công dụng, thổi phồng công dụng mỹ phẩm như thuốc trị bệnh. 

Việc tự nhận là bác sĩ nổi tiếng, nhân viên y tế để quảng cáo sai sự thật công dụng mỹ phẩm đã diễn ra từ lâu. Mặc dù các cơ quan chức năng đã can thiệp bằng nhiều biện pháp nhưng vẫn không thể chấm dứt. Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã phát đi cảnh báo và khuyến cáo người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm mỹ phẩm chữa bệnh.

Người tự xưng bác sĩ Hoa quảng cáo mỹ phẩm y tế Angel như thuốc trị bệnh trên TikTok.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội TikTok một phụ nữ tự xưng là bác sĩ Hoa liên tục đăng tải các clip quảng cáo mỹ phẩm y tế Angel với công dụng như thuốc trị bệnh, vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo mỹ phẩm nhằm đánh vào tâm lý người bị bệnh về da liễu như mụn, nám... mà nhẹ dạ cả tin mua về sử dụng. Người phụ nữ tự xưng là bác sĩ Hoa này thường xuyên quảng cáo mỹ phẩm y tế Angel trên các kênh "Mỹ phẩm Y tế Angel", "Kênh Mỹ phẩm Y tế Angel", "Mp.Y tế Angel"...

Cụ thể, vị "bác sĩ" này luôn khẳng định trong các clip quảng cáo sản phẩm trị nám bao gồm viên tế bào gốc, kem bơ nhãn hàng Doctor Angel với công dụng trị mọi loại nám; khẳng định sản phẩm mỹ phẩm mang tên kem bơ chỉ cần sử dụng từ 1 đến 2 tuần là hết sạch nám. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Chất lượng Việt Nam thì sản phẩm này chưa có Giấy phép quảng cáo của cơ quan chức năng với công năng trị nám.

Bên cạnh đó, người phụ nữ tự xưng bác sĩ Hoa này cũng thổi phồng công dụng sản phẩm mỹ phẩm Doctor Angel với công dụng trị mụn và khẳng định sản phẩm này có thể trị tất cả các loại mụn trong vòng từ 3 ngày. Cũng theo tìm hiểu của PV, sản phẩm này chưa được cấp phép quảng cáo với những nội dung như bác sĩ tự xưng tên Hoa này tư vấn cho người bệnh trên mạng xã hội. 

Theo bác sĩ bệnh viện da liễu, nám và mụn khi gặp phải cần có phác đồ điều trị tùy theo tình trạng da. Đối với nám có những dạng nám mà không thể điều trị tận gốc. Vì thế, việc người phụ nữ tự xưng bác sĩ Hoa quảng cáo bộ mỹ phẩm điều trị mọi loại nám tận gốc trên mạng xã hội TikTok là không đúng sự thật. Chưa kể, mỹ phẩm chỉ sử dụng để chăm sóc da, không có công dụng điều trị các loại bệnh da liễu như nám và mụn. 

Trước đó, Chất lượng Việt Nam cũng phản ánh tình trạng thương hiệu Doctor Angel có dấu hiệu thổi phồng quảng cáo mỹ phẩm như thuốc trị bệnh về da liễu trên website bán hàng. Cụ thể, tại website ở địa chỉ myphamyteangel.vn liên tục quảng cáo và giới thiệu các bộ sản phẩm mỹ phẩm điều trị, như: Bộ trị mụn da liễu, Bộ trị nám mạnh, Bộ trị da Retinol, Kem đặc trị mụn, Serum trị mụn, Kem trị nám chuyên sâu… với tên gọi mỹ phẩm y tế Angel. Tuy nhiên ngay sau đó, website này đã được tổ chức kinh doanh khóa mà không có bất kì động thái nào đính chính hay xin lỗi người tiêu dùng về quảng cáo sai công dụng mỹ phẩm.

Sau phản ánh của Chất lượng Việt Nam, website bán hàng này đã không còn truy cập được.

Theo tìm hiểu, thương hiệu mỹ phẩm Doctor Angle thuộc Công ty TNHH Angel Hoa Thiên Lý, có địa chỉ tại số G21 đường Hoàng Bích Sơn, Phường Phú Thủy, Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Công ty này có mã số thuế 3401186501, bà Nguyễn Tấn Mỹ Hiệp là người đại diện pháp luật.

Theo Luật Quảng cáo, quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi. Điều này cũng góp phần đưa thêm thông tin về sản phẩm, giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, với những quảng cáo nội dung không trung thực có thể dẫn tới hiểm họa khôn lường cho khách hàng. Đặc biệt với dịch vụ khám chữa bệnh, những thông tin không chính xác có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, sức khỏe, thậm chí là tính mạng khách hàng. 

Đầu tháng 10/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2023. Trong đó, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo hoàn thiện theo hướng: Về quản lý đối với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, nghiên cứu làm rõ cách thức, biện pháp quản lý đối với hoạt động quảng cáo, trách nhiệm của từng chủ thể (người phát hành quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong quản lý nhà nước đối với loại hình quảng cáo này). Về bổ sung các yêu cầu cụ thể đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt: Rà soát, làm rõ bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật liên quan (Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm...).

Theo Tạp chí Chất lượng Việt Nam

(https://vietq.vn/can-trong-voi-nguoi-tu-xung-la-bac-si-hoa-ban-my-pham-y-te-angel-tren-tiktok-d219325.html)