Dự báo đến năm 2025, Đà Nẵng chuẩn bị 75.000 nhân lực cho chuyển đổi số
Đó là thông tin được đưa ra tại Chương trình “Đối thoại tháng 3” do Thành ủy Đà Nẵng phối hợp với Thành đoàn TP tổ chức với chủ đề “Thanh niên Đà Nẵng tiên phong trong chuyển đổi số (CĐS)” diễn ra vào sáng nay.
- Thủ tướng Chính phủ đối thoại với thanh niên về xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0
- Hội nghị Chuyển đổi số Việt Nam 2022: Nâng cao nguồn nhân lực số
- Phát triển nguồn nhân lực: Chìa khóa để chuyển đổi số thành công
- Chuyển đổi số rất cần đội ngũ nhân lực có kiến thức đa ngành, chứ không chỉ riêng về CNTT
Tại buổi đối thoại, anh Ngô Tuấn Anh, Bí thư đoàn Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng bày tỏ băn khoăn về việc làm sao bảo vệ được dữ liệu thông tin cá nhân của người dân. Bởi hiện nay thông tin cá nhân lộ lọt rất nhiều, dẫn đến hàng loạt vụ lừa đảo.
Theo ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng, Bộ Công an đang triển khai cơ sở dữ liệu dân cư. Tất cả ứng dụng của chính quyền đều truy xuất đến cơ sở dữ liệu này và cơ bản đảm bảo được các thông tin cá nhân.
Ông Thạch cho rằng bản thân người dùng cần trang bị kỹ năng về an toàn thông tin. Đơn cử như không dùng các tài khoản cá nhân, số điện thoại… để làm mật khẩu cho các tài khoản trên mạng. Hay việc không dùng email công vụ thường xuyên để đăng ký tài khoản.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại buổi đối thoại.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho hay, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được vận động rất nhiều. Bộ Công an đặt vấn đề này hơn ba năm rồi và mới cơ bản nhất trí thông qua, sắp tới chuẩn bị ban hành nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Theo ông Triết, khả năng bảo vệ của từng cá nhân khi tham gia môi trường số rất quan trọng. Đà Nẵng có 1,3 triệu dân nhưng có đến 2,4 triệu tài khoản mạng xã hội. Trung bình mỗi người dân có hai tài khoản.
Năm 2021, trên không gian mạng có 70 triệu lượt thông tin liên quan đến Đà Nẵng. Trong đó chỉ 9% là thông tin tích cực, 12% là tiêu cực, còn lại mang tính trung dung.
Bí thư đoàn ĐH Đà Nẵng Nguyễn Thành Đạt cho hay, Đà Nẵng có lợi thế lớn về nguồn cung lao động trong CĐS với mạng lưới các trường đại học tốt nhất miền Trung.
Theo ông Trần Trung Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, thanh niên phải là lực lượng tiên phong, dẫn dắt, đi đầu trong CĐS. Dự báo đến năm 2025, Đà Nẵng chuẩn bị 75.000 nhân lực cho CĐS. Đến năm 2030 toàn TP có khoảng 115.000 nhân lực. Trong đó, nhân lực qua đào tạo từ 65-80%.
“TP đã đề ra nhiều cơ chế chính sách trong việc đào tạo cán bộ, trọng dụng, thu hút người tài trong khu vực công. Nhất là với người có tài năng mà TP đang cần trong việc CĐS”, ông Sơn cho hay.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết thông tin, Khu phức hợp Văn phòng FPT tại quận Ngũ Hành Sơn vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu công nghệ thông tin tập trung.
Sắp tới, Đà Nẵng sẽ đưa Công viên phần mềm số 2 vào hoạt động. Đồng thời Đà Nẵng cũng đang thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, một trong ba trung tâm của cả nước.
Cũng tại chương trình, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Trần Ngọc Thạch cho hay, hạ tầng số của TP hiện có cơ bản đảm bảo trong việc triển khai các ứng dụng điện tử, trung tâm dữ liệu.
Đà Nẵng đang thí điểm đặt năm trạm thu phát sóng 5G. Dự kiến trong năm 2023 phủ sóng 20% mạng 5G, ưu tiên ở trung tâm TP. Đến năm 2025, Đà Nẵng cơ bản phủ sóng 5G toàn TP.
Bảo Ngọc (T/h)