Dùng điện thoại để điều khiển việc tưới rau
Sau hơn hai năm tự mày mò nghiên cứu anh nông dân Bùi Ngọc Minh Tâm ở An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM đã thành công với sáng chế tưới rau, bật đèn thông qua tin nhắn điện thoại.
Từ thành công này, một anh chàng kỹ sư tự động hóa với hai tấm bằng quý giá trong lĩnh vực năng lượng đã quyết định bỏ ngang công việc nghiên cứu của mình để về làm nông dân trồng rau.
“Ở Hà Nội, tưới rau tại TP.HCM”
Men theo con hẻm sát hông nhà, vườn rau của anh Tâm rộng gần 200m2 với hàng chục loại rau, bên trên là hai hàng béc phun nước được lắp cố định, ngoài hộp điều khiển đặt trước cổng vườn rau của anh Tâm cũng giống như bao vườn khác.
Chỉ tay vào hộp điều khiển, anh Tâm tự tin nói: “Điều khác thường là chỉ cần chiếc hộp điều khiển và chiếc điện thoại “cùi bắp” này, vài phút sau vườn rau sẽ ướt đẫm”.
Chỉ cần một tin nhắn, anh Tâm đã kích hoạt bộ điều khiển để tự động bật sáng bóng đèn.
Trình diễn tưới rau bằng thiết bị sáng chế của mình, anh Tâm chỉ cần sử dụng điện thoại soạn tin nhắn và gửi đến bộ điều khiển. Khi đồng hồ điểm sang giây thứ 10 kể từ lúc gửi tin đi, cũng là lúc điện thoại anh Tâm reo lên, báo hiệu tin nhắn từ hộp điều khiển là môtơ nước đã được khởi động.
Ngay tức thì từ trên cao các béc nước bắt đầu phun xối xả xuống vườn rau. Chỉ trong vài phút nhiều loại rau: xà lách, mồng tơi, tía tô... ướt đẫm từ gốc đến ngọn.
Sau vài phút nhận thấy vườn đủ nước, anh Tâm gửi tin nhắn với ký tự “off”, 10 giây sau các béc đồng loạt ngừng phun nước.
Chưa hết, anh Tâm còn có thể bật tắt đèn bằng điện thoại di động. Bóng đèn được lắp vào nguồn điện từ hộp điều khiển, lần này để thuyết phục hơn anh Tâm chọn vị trí cách hộp điều khiển 200m để nhắn tin, cho tôi kiểm tra nguồn điện và quan sát bóng đèn. Kết quả vẫn thế, với hai tin nhắn “on”, “off” bóng đèn được bật sáng chỉ sau hơn 10 giây và tắt ngay sau đó.
Ý tưởng từ đĩa rau 200.000 đồng
Theo anh Tâm, nhờ xuất thân là dân tự động hóa nên trước đó anh đã sáng chế ra bộ điều khiển bật tắt đèn, quạt nhưng do bước sóng ngắn nên chỉ hiệu quả trong vài chục mét.
Động lực “làm nông dân” chỉ manh nha khi đầu năm 2011, trong một lần đi công tác ở Nhật Bản, anh Tâm phải bỏ ra hơn 200.000 đồng để gọi một đĩa rau cho tô phở, thấy nhu cầu rau quá lớn, viễn cảnh về trang trại rau với bộ tưới tự động lóe lên trong anh.
Sau nhiều đêm trằn trọc anh quyết định ban ngày vừa đi học trồng rau, ban đêm mày mò nghiên cứu. “Cái khó nhất vẫn là tìm ra mật mã sóng (mã code) nhằm kết nối điện thoại với hộp điều khiển” - anh Tâm nhớ lại.
Phần cứng tìm dễ dàng vì trong nước đều có nhưng do sóng điện thoại được nhà mạng khóa bằng mật mã nên việc chọn cổng giao tiếp để nạp chương trình, lập trình bộ thu phát sóng liên tục gặp trục trặc do chưa tìm được mật mã tương thích.
“Hàn con chip lộn chân cũng không liên kết được với nhà mạng, nên nhiều lúc gửi tin nhắn hộp điều khiển nhận nhưng không điều khiển máy bơm, phải sửa tới sửa lui...” - anh Tâm nói.
Nhờ sự giúp đỡ hỗ trợ của bạn bè, đến giữa năm 2013 anh đã cho ra đời sản phẩm tưới rau bằng điện thoại đầu tiên của mình.
“Vườn rau gần 200m2 với hàng trăm lần được đem ra thí nghiệm nay đã xanh tốt hơn với công nghệ tưới tự động. Ngoài ra, tôi thuê gần 3.000m2 đất để trồng rau sạch áp dụng hệ thống tưới tự động này và đã cho thu hoạch” - anh Tâm phấn khởi.
Không chỉ tưới rau, hiện bộ điều khiển của anh có bốn cổng ra độc lập nên có thể điều khiển được bốn thiết bị.
Sắp tới, anh Tâm dự định sẽ nâng cấp chip để cho ra nhiều cổng hơn, và dùng phần mềm được lập trình thay cho các phần cơ để tinh giảm khối lượng và có thể sửa chữa ngay trên máy vi tính.
Theo ông Trần Trường Sơn - phó chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, anh Tâm là nông dân sản xuất giỏi của TP.HCM. Với mô hình trồng rau sạch, sáng chế tưới rau bằng điện thoại của anh Tâm được nhiều khách tham quan thích thú khi được giới thiệu và trình diễn tại triển lãm nông nghiệp TP.HCM.
“Ở đô thị nhiều người trồng rau nhưng không có thời gian chăm sóc, hoàn toàn có thể tin tưởng ở sáng chế này” - ông Sơn nói.
Nha Trang ( Tổng hợp)