Email+ sản phẩm 'Make in Việt Nam' dành cho công cuộc 'Chuyển đổi sổ'

14:32, 17/08/2023

Mới đây, một công ty Việt Nam đã được cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho phần mềm thư điện tử với tên gọi đầy đủ là “Phần mềm thư điện tử tin cậy, bảo mật Email+”, một sản phẩm đã nhiều năm được phát triển, tùy biến, tối ưu bảo mật cho người Việt.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang diễn ra sâu rộng, tác động toàn diện và sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của đời sống KTXH thì đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng CNTT đã trở thành một xu thế tất yếu. Cùng với nhận thức ngày càng cao của xã hội, sự quyết tâm của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT thời gian qua Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực “Chuyển đổi số” và đi vào đời sống xã hội hàng ngày.

Các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã tiên phong, từng bước khẳng định chỗ đứng, cung cấp những ứng dụng, nền tảng thúc đẩy công cuộc “Chuyển đổi số” tại Việt Nam và đã có những đóng góp quan trọng. Tuy nhiên, nếu như các sản phẩm, dịch vụ số như ứng dụng chat, gọi xe, trình duyệt, phần mềm quản lý công việc, đào tạo… đều đã ít nhiều có những Sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt mang dấu ấn riêng, thì trong lĩnh vực thư điện tử, dù cũng có một số công ty rất mạnh, chuyên sâu và thực tế đã cung cấp, triển khai nhiều dự án nhưng dường như những dịch vụ và giải pháp mang thương hiệu Việt vẫn chưa được biết đến rộng rãi.

Mới đây, một công ty Việt Nam đã được cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho phần mềm thư điện tử với tên gọi đầy đủ là “Phần mềm thư điện tử tin cậy, bảo mật Email+”, một sản phẩm đã nhiều năm được phát triển, tùy biến, tối ưu bảo mật cho người Việt. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với anh Trương Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp Thông Tin (iWay) về sự kiện này.

Email Make in Vietnam

Phóng viên: Chào anh, anh có thể chia sẻ về những lý do mà iWay đã quyết định phát triển sản phẩm Email+ "Make in Vietnam", cũng như ý nghĩa của việc đăng ký bản quyền của sản phẩm này không?

Anh Trương Anh Tuấn: Với gần 20 năm tiên phong, nghiên cứu, phát triển và triển khai các dịch vụ liên quan đến thư điện tử, iWay xác định sứ mệnh của mình là phải đưa đến người dùng Việt những giải pháp thư điện tử mang giá trị Việt, tin cậy, bảo mật với chi phí hợp lý nhất. Trong thời gian đầu, iWay thường cung cấp các dịch vụ dưới hình thức kiểu “may đo”, triển khai, tuỳ biến theo yêu cầu cụ thể của từng khách hàng. Mặc dù cách làm này đem lại hiệu quả với từng khách hàng cụ thể, nhưng hạn chế là chưa thể phổ biến thương hiệu “Make in Việt Nam”, phân phối rộng rãi được đến nhiều khách hàng. Theo thời gian, chúng tôi dần nhận thấy nhu cầu về giải pháp thư điện tử tin cậy, bảo mật, đảm bảo chủ quyền dữ liệu, đóng gói và triển khai trên máy chủ đặt tại Việt Nam là rất lớn. Khách hàng cần những sản phẩm có thương hiệu, được đóng gói, đồng bộ, hoạt động ổn định, có thể triển khai nhanh chóng, dễ dàng.

Được sự đồng hành của cộng đồng nguồn mở toàn cầu, đặc biệt là Zextras Italy - công ty hàng đầu Châu Âu về phát triển và cung cấp dịch vụ cho hệ thống thư điện tử nguồn mở, iWay đã phát triển, tuỳ chỉnh và đóng gói một giải pháp thư điện tử phù hợp với nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam, với tên đăng ký chính thức là “Phần mềm thư điện tử tin cậy, bảo mật Email+”.

Sản phẩm này không chỉ được kế thừa từ tảng thư điện tử nguồn mở đã được phát triển gần 20 năm với hơn 500 triệu người dùng trên thế giới, được vận hành bởi những chuyên gia có kinh nghiệm đến từ những công ty hàng đầu về giải pháp thư điện tử nguồn mở như Zimbra, Zextras mà đã được Việt hóa, tối ưu về UI/UX, giúp người dùng Việt có trải nghiệm tốt nhất với máy chủ đặt tại Việt Nam.

Việc đăng ký bản quyền cho Email+ ngoài các yếu tố pháp lý thì có thể coi như một hình thức đánh dấu cột mốc số của một doanh nghiệp CNTT Việt trên không gian mạng quốc gia của Việt Nam. 

Anh Trương Anh TuấnGiám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp Thông Tin (iWay)

Phóng viên: Như anh cũng biết, hiện nay các ứng dụng như chat, tin nhắn, OTT đã tạo ra sự thuận tiện và tốc độ trong việc giao tiếp và trao đổi thông tin. Vậy các ứng dụng này thay thế được thư điện tử hay không và anh đánh giá thế nào về vị trí của thư điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay?

Anh Trương Anh TuấnTôi xin trả lời bạn theo 2 ý:

Đầu tiên chúng ta có thể thấy các ứng dụng như chat, tin nhắn, OTT đang ngày càng trở nên phổ biến và phần nào đó có vẻ như lấn át với thư điện tử truyền thống. Dù vậy, tôi vẫn khẳng định thư điện tử vẫn là một trong những kênh liên lạc và giao tiếp quan trọng nhất. Theo các thống kê của Statista (số liệu năm 2022) thì số lượng tài khoản thư điện tử trên thế giới toàn thế giới hiện nay là hơn 4,2 tỷ người sử dụng với hơn 300 tỷ thư gửi đi mỗi ngày và dự kiến vẫn tăng đều đặn. Một số lý do dẫn đến thư điện tử vẫn tồn tại và phát triển ngay cả với sự ra đời của rất nhiều ứng dụng xã hội mới và các lựa chọn thay thế có thể kể ra như sau:

1.    Thói quen – Thư điện tử đã có từ nhiều thập kỷ và nhiều người cảm thấy thoải mái khi sử dụng và gần như người trưởng thành nào cũng có vài tài khoản.

2.    Độ tin cậy – Có lẽ vì thư điện tử đã tồn tại nhiều năm nên nó được xem như một phương tiện giao tiếp đáng tin cậy hơn những ứng dụng khác.

3.    Ăn sâu vào văn hóa – Sử dụng thư điện tử đã trở thành một phần của văn hóa công sở vì nhiều lý do.

4.    Khả năng lưu trữ, tra cứu, quản lý theo luồng - Khả năng lưu trữ theo cấu trúc thư mục với bộ lọc mạnh mẽ giúp người dùng có thể dễ dàng truy vấn, tìm kiếm các thông tin trao đổi khi cần cùng với khả năng lưu trữ cũng sẽ giúp người dùng có thể yên tâm tìm kiếm lại những thông tin từ rất lâu hay các thông tin quan trọng.

5.    Quyền riêng tư và bảo mật – Thư điện tử cung cấp cách trò chuyện với một người hoặc nhiều người theo cách tương đối riêng tư, điều mà không phải lúc nào cũng có sẵn với các ứng dụng khác.

Email một sản phẩm Make in Việt Nam dành cho công cuộc Chuyển đổi sổ

Hơn nữa, hiện nay nhiều doanh nghiệp tổ chức không chỉ dừng lại ở việc sử dụng các dịch vụ, giải pháp thư điện tử dùng để trao đổi thông tin trong nội bộ, với khách hàng, đối tác hàng ngày (với số lượng giới hạn) như trước mà họ còn có nhu cầu gửi thư, phân phối và vận chuyển những tài sản số, những thông tin quan trọng với số lượng lớn (có thể lên đến hàng chục hàng trăm nghìn thư mỗi ngày) đến đúng địa chỉ, an toàn, bảo mật đảm bảo chủ quyền dữ liệu,…và đó thật sự cũng là một nỗi đau của không ít doanh nghiệp và tổ chức. Vì những nhu cầu đó nên bên cạnh những giải pháp thư điện tử dùng để giao tiếp với nội bộ, khách hàng, đối tác mà iWay đã triển khai hàng chục năm qua thì chúng tôi cũng đã và tiếp tục triển khai cung cấp nhiều giải pháp thư điện tử số lượng lớn (EMD) cho các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu nhất là khối các công ty tài chính, ngân hàng và bảo hiểm,...

Với những chia sẻ trên tôi có thể khẳng định thư điện tử hay email vẫn là một kênh liên lạc quan trọng, hiệu quả và chưa thể thay thế được bất chấp sự phát triển của các ứng dụng khác.

Để trả lời ý thứ hai thì bạn cũng đã biết, “Chuyển đổi số” là một chủ trương lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước, năm 2022 là năm “Chuyển đổi số Quốc gia”, năm 2023 là năm “Dữ liệu số Quốc gia”. Với “Chuyển đổi số” thì việc liên lạc, giao tiếp trao đổi qua thư điện tử vẫn là kênh quan trọng, còn với “Dữ liệu số” thì mọi dữ liệu thông thường trước đây bây giờ phải được số hoá nhưng việc lưu trữ dữ liệu ở đâu để đảm bảo chủ quyền dữ liệu, tuân thủ luật An ninh mạng cũng là điều quan trọng thậm chí là bắt buộc, vì thế việc ra đời một giải pháp thư điện tử “Make in Việt Nam” cũng là góp phần vào việc thúc đẩy “Chuyển đổi số” và đảm bảo chủ quyền dữ liệu Quốc gia. 

Phóng viên: Anh có thể chia sẻ vì sao iWay vẫn cần mẫn theo đuổi lĩnh vực này mặc dù trên thị trường đã có những ông lớn trong ngành và đâu là những thế mạnh của iWay trong việc cung cấp các dịch vụ/giải pháp liên quan đến thư điện tử?

Anh Trương Anh TuấnKhông thể phủ nhận trong lĩnh vực các dịch vụ, giải pháp thư điện tử đều có sự tham gia của những công ty nổi tiếng, có thương hiệu trên thế giới cũng như tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, nhu cầu của thị trường liên quan đến thư điện tử tại Việt Nam còn lớn lắm và chắc trong cả cái bánh đó vẫn còn phần cho chúng tôi (cười) và quan trọng nhất là chúng tôi biết được miếng bánh của mình là gì.

iWay xác định khách hàng mục tiêu là những doanh nghiệp, tổ chức cỡ vừa và iWay cam kết đem tới cho các doanh nghiệp, tổ chức coi trọng chủ quyền dữ liệu giải pháp Email tin cậy, bảo mật, linh hoạt với chi phí hợp lý.

Ban đầu khi nói cạnh tranh với các ông lớn khác đơn giản chỉ là suy nghĩ hơi mang tính ngông cuồng và tự tôn dân tộc theo kiểu “Tây làm được, ta làm được”. Khi suy nghĩ sâu hơn, kỹ hơn thì chúng tôi thấy nhu cầu có được những giải pháp liên quan đến thư điện tử tin cậy, bảo mật, đảm bảo chủ quyền dữ liệu, có máy chủ đặt tại Việt Nam là rất lớn mà chúng tôi có đến gần 20 năm chuyên sâu cung cấp các dịch vụ giải pháp thư điện tử tại Việt nam vì thế chúng tôi có những điểm mạnh mà không hẳn ông lớn nào (cười) cũng có như:

1. Hiểu khách hàng: Gần 20 năm triển khai các giải pháp cho nhiều doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam giúp chúng tôi thật sự hiểu khách hàng (cả văn hoá, tâm lý cũng như thói quen của người Việt) và có khả năng cung cấp dịch vụ một cách linh hoạt, đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của mỗi doanh nghiệp, tổ chức.

2. Kỹ thuật chuyên sâu: iWay tự hào có đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm, tham gia vào các dự án thư điện tử nguồn mở, làm chủ công nghệ lõi, tích hợp được vào các hệ thống ứng dụng riêng của từng doanh nghiệp, tổ chức và chúng tôi cũng thường xuyên chia sẻ các chủ đề kỹ thuật với các chuyên gia hàng đầu thế giới về thư điện tử nguồn mở.

3. Tôn trọng chủ quyền dữ liệu: iWay cung cấp hệ thống vận hành trên máy chủ riêng của doanh nghiệp, tổ chức hoặc trên hạ tầng của các nhà cung cấp trong nước, khách hàng hoàn toàn làm chủ dữ liệu, đảm bảo an ninh, an toàn, có thể mã hoá các dữ liệu quan trọng.

Phóng viên: Cảm ơn những chia sẻ vừa rồi của anh, xin hỏi anh một câu cuối cùng không liên quan đến email (cười), tôi được biết anh nói riêng và tập thể iWay nói chung rất yêu thích thể thao đặc biệt là chạy bộ, vậy phải chăng có sự tương đồng nào giữa chạy bộ và các công việc hàng ngày của iWay?

Anh Trương Anh Tuấn: Cảm ơn câu hỏi rất thú vị của bạn! iWay cũng vừa có một kỳ nghỉ Summer Trip cho toàn thể anh chị em và gia đình tại Đà Nẵng, kết hợp với chạy giải Manulife International Marathon. Một chuyến đi thành công hơn mong đợi, khi lần đầu tiên iWay tham gia đăng ký tập thể và tất cả anh chị em đã hoàn thành cự ly mục tiêu của mình. Chuyến đi cũng đồng thời mang lại nhiều trải nghiệm, tình đoàn kết cũng thư tình thân trong mỗi gia đình.

Đúng là có khá nhiều sự tương đồng giữa chạy bộ và các hoạt động của công ty nói chung hay công việc của từng cá nhân mà tôi chỉ nêu vài ý như sau:

Đầu tiên là về suy nghĩ, có những điểm khá tương đồng trong hai hoạt động này như “mục tiêu rõ ràng - cách làm mềm dẻo”. Khi chạy bộ mục tiêu rất rõ, có thể là bạn muốn chạy cự li full marathon, trong từng này thời gian, vượt lên ai đấy, nhưng cách làm thì cần mềm dẻo, cả khi tập luyện, cũng như khi thi đấu, tùy từng giai đoạn/tình huống cụ thể, mỗi người, mỗi thời điểm sẽ cần có chiến thuật tối ưu khác nhau. Kinh doanh cũng tương tự bởi công ty nào cũng có những mục tiêu rất rõ như vượt lên đối thủ, làm tốt hơn, … nhưng làm thế nào thì cũng luôn đòi hỏi sự mềm dẻo. Cũng có những hình mẫu nhưng mình phải thử, phải làm và tối ưu hóa trong khi làm.

Một điểm tương đồng nữa là sự kiên nhẫn, giống như để chạy các cự ly dài như half marathon 21km, full marathon 42km hay thậm chí ultra marathon, để hoàn thành được chặng đường thì ngoài sức khoẻ ra thì cũng đòi hỏi sự bền bỉ, quyết tâm và kiên nhẫn. Với lĩnh vực mà iWay theo đuổi suốt 20 năm nay, nếu chúng tôi không có sự bền bỉ, quyết tâm và kiên nhẫn thì iWay không thể khẳng định vị thế của chúng tôi hiện nay như một công ty hàng đầu về các dịch vụ/giải pháp liên quan đến thư điện tử tại thị trường Việt Nam.

Trong công việc hàng ngày của chúng tôi cũng luôn đòi hỏi sự tỉ mỉ và tập trung cao, chạy bộ cũng tương tự, nhất là với cự ly dài 42km cũng cần có sự phân bổ sức lực thông minh, tính toán chiến lược tốc độ theo từng chặng để có thành tích cao mà không quá sức. 

Ngoài ra qua việc tham gia chạy cũng giúp tôi có những thay đổi về nhận thức ví dụ như trước kia tôi luôn ưu tiên cho việc phải quản lý thời gian, tôi đã học và rất thích sử dụng các ứng dụng để nhắc việc, để quản lý thời gian. Về sau tôi mới nhận ra rằng không nên thực hiện một cách máy móc mà quan trọng hơn là biết lúc nào mình cần làm việc gì, khi làm một ᴠiệc nào đó nhất là những việc nặng, việc khó thì có một năng lượng tốt và đủ để thực hiện việc đó mới là điều quan trọng. Giống như khi tham gia chạy bộ cũng vậy, bạn cũng cần phải biết phân phối sức, tập trung sức cho phù hợp trên từng đoạn đường để có thể về được đích (cười),…có lẽ vì thế bây giờ tôi nghĩ việc cần chưa chắc là phải quản lý thời gian mà là quản lý năng lượng. Các hoạt động thể thao như chạy bộ giúp cho tôi có năng lượng tốt, tích cực để làm ᴠiệc và tôi cũng muốn truyền tải năng lượng tích cực đó đến mọi người.

Phóng viên: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Theo thuongtruong.com.vn

(https://thuongtruong.com.vn/news/email-san-pham-make-in-viet-nam-danh-cho-cong-cuoc-chuyen-doi-so-107870.html)