Ga ngầm metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ thi công trở lại trong tháng 9
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, đơn vị đang tích cực đàm phán với liên danh nhà thầu CP03 thi công đoạn ngầm dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội đoạn Nhổn – ga Hà Nội trong tháng 9/2022
Trước đó, để chuẩn bị điều kiện tốt nhất về mặt bằng bàn giao cho nhà thầu, ngày 20/8/2022, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai công tác rào chắn, phân luồng để phục vụ thi công giai đoạn 2 ga ngầm S12 trên phố Trần Hưng Đạo (đoạn từ Lê Duẩn đến Trần Bình Trọng). Đây là hoạt động để nhà thầu CP03 quay lại thi công đoạn ngầm.
Hiện tại, nhà thầu cũng thể hiện thiện chí quay lại công trường, hoàn thành khối lượng công việc dang dở. Như vậy, thời gian nhà thầu gói thầu CP03 trở lại công trường chậm hơn so với mục tiêu ban đầu đề ra là trong tháng 8/2022.
Gói thầu CP03 do liên danh nhà thầu Hyundai - Ghella đảm nhận thi công với 4km hầm ngầm, bốn nhà ga ngầm và dốc hạ ngầm.
Theo hợp đồng ký kết ngày 30/10/2015, tổng thời gian thi công gói thầu là 49 tháng (từ ngày 6/2/2017 – 6/3/2021). Tổng giá trị gói thầu là hơn 6.500 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng phát triển châu Á.
Để phục vụ thi công gói thầu, chủ đầu tư đã bàn giao từng phần mặt bằng cho nhà thầu CP03 triển khai thi công tại 6/6 vị trí công trường chính.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp khó khăn bởi các hộ dân bị ảnh hưởng khi thi công tuyến ngầm. Công tác bàn giao mặt bằng kéo dài, đến tháng 8/2021, nhà thầu CP03 có thông báo tạm dừng thi công. Khi ấy, khối lượng thi công mới đạt khoảng 32%.
Ngày 30/10/2021, nhà thầu có thông báo chấm dứt hợp đồng. Nhà thầu cũng kèm theo điều kiện để quay trở lại thi công với nội dung chủ yếu là yêu cầu bàn giao toàn bộ công trường, và thanh toán tạm cho nhà thầu một khoản 70 triệu USD (khoản tiền này sau đó sẽ được khấu trừ căn cứ vào kết quả phân xử của Ban xử lý tranh chấp cho các khiếu nại của nhà thầu).
Chủ đầu tư đã có các văn bản phản đối việc tạm dừng thi công, chấm dứt hợp đồng của nhà thầu, đồng thời tổ chức cuộc họp với đại diện cấp cao của nhà thầu vào ngày 25/2/2022.
Phía nhà thầu cho rằng muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng, chủ đầu tư cần xử lý ba vấn đề chính là cung cấp quyền tiếp cận toàn bộ công trường để chấm dứt tình trạng chậm trễ về mặt bằng, gia hạn thời gian thực hiện, và thanh toán tạm chi phí bổ sung kéo dài thời gian thực hiện theo yêu cầu của nhà thầu.
Tại cuộc họp ngày 5/8/2022 vừa qua, UBND Hà Nội đã thống nhất cung cấp quyền tiếp cận công trường cho các phần mặt bằng còn lại muộn nhất vào ngày 30/9/2022, và thống nhất chủ trương gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng.
Cùng với đó, đồng ý để chủ đầu tư thanh toán chi phí bổ sung do chậm trễ ngày khởi công với giá trị thanh toán theo quyết định của Ban xử lý tranh chấp.
Đối với chi phí bổ sung khác, UBND Hà Nội yêu cầu nhà thầu làm việc cụ thể với chủ đầu tư, tư vấn dự án và cung cấp các bằng chứng làm cơ sở để các bên xem xét, thương thảo.
Minh Thùy (T/h)