Game di động Việt đang gặp khó
11:29, 21/05/2013
Các nhà phát hành game di động Việt vẫn gặp nhiều khó khăn và số tựa game di động được người dùng biết đến mới chỉ đếm trên đầu ngón tay!
Nhiều yếu tố thuận lợi
Smartphone và máy tính bảng đang ngày càng trở thành những thiết bị quen thuộc, phổ biến với người dùng Việt Nam. Sự phát triển của công nghệ và sức nóng cạnh tranh trên thị trường đã thúc đẩy các nhà sản xuất cho ra đời những mẫu smartphone giá rẻ, càng tạo sức hút với người dùng. Ngoài ra, giá các gói cước 3G và chi phí sử dụng Wi-Fi tại Việt Nam được đánh giá là khá bình dân, nên được nhiều người dùng di động sử dụng. Hiện nay, các nhà mạng như VinaPhone hay MobiFone đều có gói cước thuê bao 3G trong 1 tháng thấp nhất là 50.000 đồng, được xem là mức giá 3G rẻ hơn so với nhiều nước trên thế giới. Sở hữu smartphone và kết nối 3G giá rẻ khiến những người ít mê game di động nhất cũng tải và lưu vào máy một số trò chơi để giải trí khi cần.
Trong quá trình nghiên cứu thị trường để phát triển các game di động, công ty SohaGame đã thống kê được số liệu tăng trưởng của thị trường smartphone tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 1/2012 đến tháng 1/2013 đạt mức 266%. Theo ông Bùi Quang Minh, Giám đốc công ty SohaGame, với tỷ lệ này, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng số lượng smartphone đứng thứ 2 thế giới trong năm 2012.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc công ty game Vinova, game di động đang có mức tăng trưởng tốt cả về doanh thu lẫn thị phần. Ước tính thị trường game di động toàn cầu sẽ đạt giá trị 54 tỷ USD vào năm 2015. Khu vực châu Á dẫn đầu thị trường game di động toàn cầu với xấp xỉ 40% thị phần, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như các thị trường game di động mới nổi, trong đó có Việt Nam, đang là những khu vực có tỷ lệ tăng trưởng cao. Chính vì các yếu tố “thiên thời địa lợi” như trên nên thị trường game di động tại Việt Nam đang sôi động, với sự xuất hiện của nhiều nhà phát hành như Minh Châu, VNG, VTC, SohaGame, MEcorp, MVcorp, Gameloft VN… với các tựa game như iWin của Mecorp, game xếp hình của VNG, Tào Tháo truyện của MC Corp, gà 3D của VTC…
Các thể loại game di động cũng đang phát triển mạnh mẽ. Ban đầu dường như chỉ có những tựa game Java chạy trên hệ điều hành Symbian của Nokia, song đến nay các nhà phát hành game di động Việt Nam cũng đã bắt đầu có những sản phẩm chạy trên các hệ điều hành phổ biến khác như iOS, Android hay Windows Phone 8. Những tựa game vốn rất quen thuộc với máy tính, nay cũng đang dần được “mobile hoá”.
Mới ở giai đoạn… dạo đầu
Ông Bùi Quang Minh, giám đốc của SohaGame, cho rằng “Vấn đề là các sản phẩm game do các studio Việt có khai thác tốt thị trường Việt Nam không mà thôi”. Hiện nay thị trường game di động Việt Nam dù đã bắt đầu có sự tham gia của các nhà phát hành, song số lượng sản phẩm hấp dẫn và được nhiều người biết đến vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thực tế, thị trường game di động đang khá nóng song số lượng những studio làm game di động tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, nếu so với mức độ phủ rộng cũng như tiềm năng của thị trường này.
Hơn nữa, các nhà phát hành muốn mở rộng đối tượng người dùng, vì thế các sản phẩm thường được thiết kế dành cho tất cả các nền tảng di động phổ biến hiện nay là iOS, Android, và Windows Phone 8. Điều này giúp mang lại nhiều người dùng cho họ, song cũng khiến một số sản phẩm còn gặp trục trặc và chạy chưa mượt vì năng lực thiết kế chưa đạt để “phủ” hết các nền tảng di động. Các nhà phân tích cho rằng thị trường này tại Việt Nam vẫn mới đang trong giai đoạn đầu.
Theo Giám đốc SohaGame, các nhà phát hành game cần phải nghiên cứu xem người Việt thích chơi những dòng game gì, những game như thế nào đang thành công và kinh doanh tốt ở Việt Nam? “Chẳng hạn, game online trên di động theo mô típ từ Trung Quốc đang phổ biến và thành công ở Việt Nam là một gợi ý tốt”.
Trong khi đó, công ty game nổi tiếng khác của Việt Nam là VNG cũng chỉ mới góp mặt vào thị trường này với 1 tựa game “Xếp Hình”. Đây là game di động đầu tiên, đánh dấu việc chính thức gia nhập thị trường game di động tự sản xuất tại Việt Nam của VNG. Đại diện VNG cho biết game Xếp Hình là một thể loại game quen thuộc với đa số người dùng tại Việt Nam và thường được gọi chung là game xếp kim cương . Tuy vậy, đội ngũ phát triển của studio JBS đã bổ sung thêm các tính năng xã hội vào game. “Đội ngũ JBS muốn biến Xếp Hình thành một mạng xã hội mini, nơi game thủ có thể thực hiện các hoạt động giao tiếp, trao đổi vật phẩm, khẳng định đẳng cấp cá nhân một cách dễ dàng”, đại diện JBS cho biết. Dự kiến, từ đây đến hết năm 2013 VNG sẽ tiếp tục ra mắt thêm 9 tựa game mobile thuộc nhiều thể loại khác nhau.
Số lượng game vẫn còn hạn chế. Các nhà phát hành game di động tại Việt Nam cũng gặp nhiều rào cản như hệ thống thanh toán, phân phối game, dịch vụ khách hàng còn chưa làm hài lòng người dùng và chiến dịch marketing còn nhiều hạn chế.
Ngoài những khó khăn trên, một thử thách lớn khác đang đối mặt với các nhà phát hành game di động Việt Nam là sự cạnh tranh của các hãng game nước ngoài. Bởi vì game là một mảng hoạt động rất được các công ty kinh doanh trên nền tảng di động quan tâm. Trên các kho ứng dụng như App Stores hay Google Play, game luôn là một phần đầy hấp dẫn, phong phú và liên tục được cập nhật. Người dùng di động Việt Nam hầu như không xa lạ gì với những trò chơi như Fruit Ninja, Angry Birds, Asphalt hay Cut The Rope. Làm thế nào để các nhà phát triển game di động tại Việt Nam cạnh tranh với các hãng game thế giới? Đó là câu hỏi mà hầu hết các nhà phát hành khi được hỏi đều gần như “bỏ ngỏ” với lời thừa nhận “rất khó trả lời vì nó quá khó”.
Nguyễn Hoàng