Gặp gỡ ICT 2024: “Phát triển Kinh tế số, Công nghiệp AI & Bán dẫn”

07:45, 07/03/2024

Tối ngày 6/3/2024, tại khách sạn Pan Pacific (Hà Nội), Hội Tin học Việt Nam (VAIP) đã cùng 19 tổ chức xã hội nghề nghiệp đồng tổ chức thành công sự kiện Gặp gỡ ICT - Xuân Giáp Thìn 2024 với chủ đề “Phát triển Kinh tế số, Công nghiệp AI & Bán dẫn”.

Tiết mục văn nghệ chào mừng sự kiện Gặp gỡ ICT - Xuân Giáp Thìn 2024 với chủ đề “Phát triển Kinh tế số, Công nghiệp AI & Bán dẫn”.

Mỗi dịp Xuân về - chương trình Giao lưu đầy ý nghĩa của giới CNTT-TT - Gặp gỡ ICT lại được diễn ra. Đây là dịp để các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT và bè bạn giới CNTT-TT có dịp giao lưu, trao đổi, chia sẻ, khởi động cho những chuỗi sự kiện, hoạt động sôi nổi và thiết thực trong năm.

Sự kiện thường niên này do 19 tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực ICT tổ chức. Và trong sự kiện năm nay, thành viên mới thứ 20 là Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia được thành lập vào tháng 9/2023.

Toàn cảnh buổi Gặp gỡ ICT 2024.

Tham dự buổi Gặp gỡ ICT 2024 có ông Nguyễn Mạnh Hùng, UVTW Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Trưởng Bộ TT&TT; ông Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Đỗ Xuân Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam; ông Nguyễn Quang A, nguyên Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam; ông Bùi Mạnh Hải, nguyên Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, ông Nguyễn Lãm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam; ông Đặng Đức Mai, nguyên Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội; ông Nguyễn Quang Bắc, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng cùng sự hiện diện của các lãnh đạo cao nhất các Hội - Hiệp hội ngành CNTT-TT, đại diện các CLB FISU; CLB VLSP; CLB VFOSSA và CLB VNOI. Cùng các lãnh đạo CNTT-TT các Bộ - ngành, Lãnh đạo các trường Đại học lớn và đông đảo lãnh đạo các Doanh nghiệp CNTT-TT cùng các hội viên các Hội và Hiệp hội ngành CNTT-TT."

Nhân dịp Gặp gỡ ICT 2024 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng ông Nguyễn Long Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam đã tặng hoa chúc mừng NSND Dương Minh Đức và NSND Nguyễn Thanh Vinh nhân dịp các Nghệ sĩ vừa được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu cao quý vào sáng 6/3/2024.

Thay mặt các Hội, Hiệp hội và Câu lạc bộ CNTT chuyên ngành, TS. Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam đã phát biểu khai mạc cho buổi gặp gỡ và khẳng định: "Các tổ chức xã hội nghề nghiệp chuyên ngành chính là lực lượng nòng cốt trong công cuộc chuyển đổi số của đất nước và góp phần chủ động tham gia vào Cách mạng Công nghiệp 4.0. Những gì đã đạt được vẫn chưa thể như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, song những kết quả đó cũng đóng vai trò hết sức quan trọng và đã tạo được nền tảng cho những bước đi tiếp theo về Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số".


TS. Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam đại diện các Hội, Hiệp hội CNTT phát biểu tại buổi gặp gỡ ICT năm 2024.

Thay mặt các Hội, Hiệp hội CNTT, ông Nguyễn Quân đã đề xuất với Bộ trưởng Bộ TT&TT nguyện vọng tạo dựng một nền tảng pháp lý đầy đủ và hoàn thiện cho sự phát triển của CNTT&TT. Theo ông, dữ liệu không chỉ là tài nguyên mà giờ là tài sản đặc biệt bởi càng dùng nhiều thì giá trị lại càng lớn, nó khác với tài sản hữu hình khác. Chính vì thế nó đóng vai trò rất quan trọng trong công cuộc Chuyển đổi số, nhưng thời điểm này chưa có luật về dữ liệu. Nếu không có một bộ luật mang tính tổng hợp thì các hoạt động của ngành TT-TT sẽ có những khó khăn vướng mắc, bởi vì khai thác, sử dụng CSDL chung, đặc biệt là tích hợp vào CSDL quốc gia, thậm chí là kết nối với hệ thống CSDL quốc tế thì cần có hành lang pháp lý thật đầy đủ, toàn diện và đảm bảo sự an toàn.

Trong buổi gặp mặt, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT đã chia sẻ rằng: “Cơ hội đầu tiên của doanh nghiệp CNTT là tham gia vào việc sản xuất chip và phải làm việc này thật nhanh, không chờ đợi”.

Ông cũng đã dẫn lời của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng nói "Make in Vietnam". Theo ông, thực ra, ai cũng muốn làm công nghiệp nhưng nó khó và không biết bắt đầu từ đâu. Khi chúng ta làm chủ chip thì sẽ làm chủ ngành công nghiệp Electronic. Tức là con chip mới có thể thiết kế bo mạch mới với những chức năng hoàn toàn mới và đó là AI. Với những sự đầu tư của Việt Nam cho hạ tầng, nguồn nhân lực trong nhiều năm qua, hy vọng vào một tương lai xán lạn hơn bao giờ hết.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT phát biểu tại buổi gặp gỡ ICT năm 2024..

Còn khó nhất theo ông Trương Gia Bình là làm sao sản xuất được chip sau khi đã thiết kế. Hiện Việt Nam chưa có cơ hội để sản xuất chip thuận lợi. Tập đoàn TSMC của Đài Loan đã có thiện chí dành cho Việt Nam một dây chuyền của mình cho việc này. Tuy nhiên, sản xuất chip rất khác với phần mềm là phải tính được giá thành cụ thể cho một đầu chip và chỉ khi sản xuất hàng loạt với số lượng lớn thì mới có giá thành rẻ. Vấn đề là Việt Nam có thể nhanh chóng có được đội ngũ nhân lực về chip và công nghiệp bán dẫn hay không?

Việt Nam hiện đang có 1 triệu kỹ sư CNTT mà một nửa số đó là làm về phần mềm. Đây chính là một lợi thế vì kỹ sư phần mềm chỉ cần 18 tháng hoặc thậm chí chỉ 3 đến 6 tháng vừa học vừa làm là hoàn toàn có thể chuyển sang thiết kế chip bán dẫn.

Ở một khía cạnh  khác, trong khuôn khổ buổi lễ, ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện Tiktok Việt Nam chia sẻ: “Tiktok bắt đầu triển khai thương mại điện tử từ khoảng cách đây 1 năm rưỡi. Chỉ sau 18 tháng triển khai, đã có 2,8 triệu doanh nghiệp và các hộ kinh doanh đang hoạt động có doanh thu trên nền tảng có mã số thuế . Hiện Tiktok đang có những sáng kiến và cần sự giúp đỡ của cộng đồng CNTT-TT. Thứ nhất, Tiktok cùng Bộ NNPTNT và các tỉnh thành tạo ra "Chợ phiên OCOP". Vào thứ bảy hàng tuần sẽ có một buổi giới thiệu đặc sản của địa phương nào đó nhằm thúc đẩy sản xuất và tạo công ăn việc làm cho người dân ở nông thôn. Chương trình thứ hai là phối hợp với Sở TTTT Tp Hồ Chí Minh đào tạo và thay đổi nhận thức của bà con tiểu thương ở các chợ để thay đổi một chút về ngành bán lẻ”.

Đồng thời, ông Thanh cũng hi vọng rằng trong thời gian tới, Tiktok sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ và ủng hộ của các doanh nghiệp ICT để Tiktok nói riêng và các sàn thương mại điện tử nói chung phát triển hơn nữa.

Ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện Tiktok Việt Nam phát biểu tại buổi gặp gỡ ICT năm 2024..

Tới dự chương trình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có lời chúc mừng năm mới với đông đảo các đại biểu tham dự. Bộ trưởng khẳng định: “CNTT-TT có sứ mạng cao cả để Việt Nam cất cánh và phát triển. Cơ hội lớn nhất với Việt Nam khi thế giới có những thay đổi lớn chính là Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra. Một trong những cơ hội mà Việt Nam phải tranh thủ chính là ngành công nghiệp bán dẫn. Đây chính là cơ hội để tạo dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà, đưa doanh nghiệp Việt Nam hội nhập sâu vào công nghệ toàn cầu”.

Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang xây dựng Chiến lược Quốc gia về công nghiệp bán dẫn và sẽ trình Thủ tướng để dự kiến ký ban hành vào tháng 11/2024. Tuy nhiên, cá nhân Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đang quyết tâm để hoàn thành chiến lược này trong thời gian sớm hơn để trình Thủ tướng ban hành. Vì thế, Bộ trưởng mong muốn các Hội, Hiệp hội và Câu lạc bộ CNTT chuyên ngành nhanh chóng tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo chiến lược này nhằm định hình chính xác để Việt Nam sớm trở thành cường quốc về công nghiệp bán dẫn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi gặp gỡ ICT năm 2024..

Riêng về vấn đề xây dựng pháp luật, Bộ trưởng cho biết là Chính phủ và Quốc hội đã nhất trí giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Luật Dữ liệu bên cạnh Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân mà Bộ Công an đang đảm trách. Theo Bộ trưởng, khai thác sử dụng và bảo vệ dữ liệu trong thời đại số hoá và Internet là hết sức quan trọng và việc hoàn thiện pháp luật đi kèm là hết sức quan trọng.

Chủ đề chuyển đổi số năm 2024, Thủ tướng nhấn mạnh: Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Trọng tâm vẫn là dữ liệu số!.

Đó là dữ liệu cá nhân; là các cơ sở dữ liệu từ Trung ương, bộ ngành và địa phương; là mở dữ liệu để kết nối chia sẻ; là an toàn dữ liệu; là xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn quốc gia; là xử lý dữ liệu số để tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế. “dữ liệu 2024” sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản gồm: tạo dữ liệu, khai thác dữ liệu và xây dựng nền tảng khoa học về dữ liệu để tạo ra giá trị mới, sức mạnh mới và khi chúng ta ngồi đây trong trào lưu mới ChatGPT, Open AI cũng là khởi đầu “làn sóng” khai thác, kết nối dữ liệu và trí tuệ nhân tạo! 

Ông Nguyễn Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam bày tỏ mong muốn tất cả các Hội, Hiệp hội và Câu lạc bộ CNTT chuyên ngành cùng nỗ lực phấn đấu cho những mục tiêu chung và riêng đã đặt ra. Ông cũng hy vọng sang năm 2025, tất cả sẽ lại gặp nhau đầu xuân để tổng kết lại những gì đã làm được và đặt ra những mục tiêu tiếp tục phải phấn đấu.

Ban tổ chức tặng hoa các nhà tài trợ.

Bộ trưởng Bộ TT&TT và lãnh đạo các Hội, Hiệp hội đồng tổ chức buổi lễ Gặp gỡ ICT 2024 cùng nâng ly chúc mừng.


 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng ông Nguyễn Long Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam tặng hoa chúc mừng NSND Dương Minh Đức và NSND Nguyễn Thanh Vinh vừa đực Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu cao quý vào sáng 6/3/2024.

Cùng chủ đề “Phát triển Kinh tế số, Công nghiệp AI & Bán dẫn” khởi động với các cơ hội mới cũng như thách thức mới cho năm 2024 với cộng đồng ICT. Hy vọng trong năm Giáp Thìn 2024 giới CNTT sẽ có sự lột xác ngoạn mục, mang đến những cơ hội mới đầy tiềm năng. Tin tưởng rằng năm Giáp Thìn với hình tượng con rồng bay lên đầy kiêu hãnh chúng ta sẽ cùng nhau thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự phát triển và khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu của ngành CNTT-TT Việt Nam.

Chương trình gặp gỡ ICT 2024 Xuân Giáp Thìn do 20 tổ chức xã hội nghề nghiệp đồng tổ chức: Hội Tin học Việt Nam, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hiệp hội Internet Việt Nam, Hội Tự động hoá Việt Nam, Hiệp Hội Thương mại Điện tử Việt Nam, Hiệp Hội An toàn Thông tin Việt Nam, Hội Thể thao và Giải trí điện tử Việt Nam, Hội Tin học Y Tế Việt Nam, Hiệp hội BlockChain Việt Nam, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, CLB FISU, CLB VFOSSA; CLB VLSP, CLB VNOI, Hội Tin học - Viễn thông Hà Nội, Hội Tin học Tp HCM, Hội Tin học Đà Nẵng.

Các nhà tài trợ đã đồng hành cùng chương trình gồm:

Nhà tài trợ Vàng: Công Ty TNHH Công Nghệ Tiktok Việt Nam.

Nhà tài trợ Bạc: Công ty Cổ phần FPT; Tập đoàn Công nghệ CMC.

Nhà tài trợ Đồng: Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam - VNPT; Tổng công ty Viễn thông Mobifone.

Cùng các nhà tài trợ: Công ty Cổ phần Hanel; Công ty Cổ phần Netnam; Công ty Cổ phần Misa; Công ty TNHH Tích hợp Thông minh; Công ty Cổ phần Công nghệ Tinh Vân; Công ty cổ phần Viễn thông Quốc tế HTC-ITC; Công ty OTV Media; Công ty Cổ phần VNG.

PV (Theo Tạp chí Tin học và Đời sống)