Hà Nội kiến nghị Bộ Tài chính tháo gỡ hàng loạt vướng mắc quản lý tài chính - ngân sách
Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội quan tâm, tạo điều kiện tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP trên mức 35% để bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô giai đoạn 2021-2025.
- Hà Nội lên kế hoạch chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác
- Hà Nội kiến nghị Chính phủ giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thanh toán dịch vụ công
- Hà Nội: Xử phạt trên 6.000 trường hợp không đeo khẩu trang phòng COVID-19
- Sẽ phát sóng 5G thương mại ở Hà Nội, TP. HCM từ tháng 12
- Hà Nội kiến nghị xây dựng 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt
Ngày 4/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc của Thành ủy Hà Nội với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa hai bên.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá cuộc làm việc rất quan trọng trong bối cảnh Hà Nội đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, tài chính ngân sách 5 năm 2021-2025 và năm 2021.
Đặc biệt, trong năm 2021 và 5 năm tới ngoài nhiệm vụ thường niên Hà Nội còn nhiệm vụ quan trọng khi triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị; thứ hai là triển khai Nghị quyết 115 của Quốc hội về một số cơ chế đặc thù với Hà Nội. Đây là những nhiệm vụ Hà Nội triển khai và cần sự phối hợp, giúp đỡ của các Bộ, cơ quan, trong đó có Bộ Tài chính.
Theo Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh, những năm qua kết quả phối hợp giữa Bộ Tài chính và Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Cụ thể, từ 2016 đến nay, Hà Nội đều hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách trung ương giao. Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 ước đạt gần 1.187.619 tỷ đồng, có tốc độ tăng trưởng bình quân 11-12%/năm, đóng góp 26,7% vào GRDP của Thành phố, chiếm 19% tổng thu ngân sách toàn quốc.
Riêng năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng tổng thu ngân sách của Hà Nội ước thực hiện trên 279.350 tỷ đồng, đạt 100,2% dự toán.
Về chi ngân sách, trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội ước thực hiện 383.011 tỷ đồng, có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm đến 8%/năm và có tỷ lệ so với GRDP là 8,6%. Chi ngân sách đã bám sát dự toán, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, bố trí chi thường xuyên ở mức hợp lý, ưu tiên nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.
Hà Nội đã thực hiện tiết giảm chi thường xuyên so với dự toán trung ương giao và trong điều hành ngân sách là 16.000 tỷ đồng để có nguồn bổ sung cho đầu tư phát triển.
Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính và Ban Cán sự đảng UBND thành phố ký Biên bản ghi nhớ
Hà Nội và Bộ Tài chính cũng đã phối hợp có hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về giá, phí và lệ phí; công tác sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, quản lý tài sản công và mua sắm tập trung; Công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý tài chính doanh nghiệp nhà nước. "Tính đến nay thành phố đã hoàn thành công tác cổ phần hóa của 01 doanh nghiệp. Trong số 12 doanh nghiệp còn lại, đã lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá trị 08 doanh nghiệp, còn 04 doanh nghiệp đang đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn theo kế hoạch", Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thông tin.
Hà Nội đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Tài chính triển khai thủ tục hành chính lĩnh vực tài chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Thành phố đã đơn giản hoá được 12 thủ tục hành chính lĩnh vực này; triển khai kết nối, tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đối với 249 dịch vụ công trực tuyến, góp phần giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp đến giao dịch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch TP. Hà Nội cũng nêu một số khó khăn vướng mắc trong phối hợp giữa Bộ Tài chính và thành phố Hà Nội thời gian qua.
Từ đó, Hà Nội đề xuất Bộ Tài chính tháo gỡ 31 công việc cụ thể thuộc 5 nhóm vấn đề.
Cụ thể, đối với lĩnh vực tài chính ngân sách, Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội quan tâm, tạo điều kiện tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố trên mức 35% để bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô giai đoạn 2021-2025; tiếp tục quan tâm xem xét các giải pháp tổng thể, đồng bộ để ngăn chặn, chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận.
Đáng chú ý, Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành thêm các giải pháp, chế tài xử lý vi phạm, chậm trễ trong công tác quyết toán dự án hoàn thành; nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 72/2017/TT-BTC theo hướng để các Ban Quản lý dự án chuyên ngành tự thẩm định, phê duyệt dự toán thu, chi phù hợp với cơ chế tự chủ của đơn vị; nghiên cứu, xem xét, hướng dẫn nội dung ứng vốn Quỹ phát triển đất của các địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án cấp bách, cấp thiết cần triển khai sớm...
Đối với công tác quản lý, thẩm định về giá, Hà Nội kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét và phối hợp với các bộ có liên quan sửa đổi một số quy định nhằm bảo đảm phù hợp với thực tế hiện nay. Đáng chú ý, Hà Nội kiến nghị Bộ Tài chính xem xét cơ chế tháo gỡ vướng mắc trong công tác xây dựng phương án giá tiêu thụ nước sạch để đáp ứng thực tiễn cho địa phương.
Đối với công tác sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và quản lý tài sản công, Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính có báo cáo Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công để tháo gỡ các tồn tại, khó khăn, vướng mắc đang gặp phải; Đồng thời sớm báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định quy định quản lý, sử dụng, khai thác đối với quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước không phải là nhà ở đang giao các công ty quản lý, kinh doanh.
Theo thuongtruong.com.vn