Hà Nội: Phát hiện kho hàng sản xuất mỹ phẩm giả mạo thương hiệu nước ngoài

12:00, 17/06/2021

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, tối 16/6, đội QLTT số 11 phối hợp với Công an huyện Thanh Oai kiểm tra một kho hàng nghi ngờ sản xuất mỹ phẩm giả mang thương hiệu nước ngoài. Được biết, kho hàng này ở địa chỉ tại thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai.

Trong quá trình kiểm tra kho hàng trên, lực lượng chức năng phát hiện tại đây, có một số lượng lớn sản phẩm đã được chiết, rót vào các chai mang nhãn hiệu COCO CHANEL. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện số lượng lớn sản phẩm mang nhãn hiệu COLLAGEN X12 OLIVE, Pink Lady Shower,… và nhiều sản phẩm khác chưa được đóng chai và gắn nhãn mác.

Dây chuyền sản xuất mỹ phẩm. Ảnh anninhthudo.vn

Lực lượng chức năng cho biết, có nhiều máy móc có khả nang dùng để sản xuất các sản phẩm giả mang thương hiệu nước ngoài tại kho hàng này. 

Trong các xô, chậu đựng hóa chất có mùi hôi nồng nặc và nhiều bọt. Số hóa chất nói trên được chủ cơ sở sản xuất sau đó sang chiết vào các chai lọ có logo, nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng. 

Chủ cơ sở trên là Nguyễn Hữu Duy (SN 1987), trú tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà, TP. Hà Nội không xuất trình được giấy tờ nào liên quan đến số lượng lớn sản phẩm này, cũng như giấy tờ sản xuất, bao bì, chai lọ, các nhãn mác của các thương hiệu nói trên.

Lực lượng chức năng đã niêm phong các thùng hàng, nguyên liệu sản xuất... để phục vụ điều tra.

Trước đó, ngày 13/6, sau thời gian điều tra, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Thái Nguyên chủ trì, phối hợp với Công an huyện Phú Bình kiểm tra nhà ông Hưng. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hiện bao tải dứa, nilon bên trong đựng rác thải y tế là găng tay nhựa, cao su đã qua sử dụng.

Lực lượng chức năng cho biết, tổng số rác thải thu giữ được là 13.540kg. Cụ thể, 3.940kg găng tay đã qua sử dụng đã được phân loại; 6.470kg găng tay đã qua sử dụng chưa được phân loại và 3.130kg rác thải là các đầu bao tay của găng tay đã qua sử dụng.

Theo điều tra ban đầu, số rác thải trên là của Vũ Thị Thu Hương (SN 1989, ở Mê Linh, TP. Hà Nội) được thu mua từ các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn TP. Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên, sau đó vận chuyển, tập kết tại nhà ông Hưng để phân loại, tái chế rồi mang đi tiêu thụ.

Tuy nhiên, toàn bộ quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý số rác thải trên của Vũ Thị Thu Hương đều không có giấy tờ, thủ tục pháp lý. 

Pv (T/h)