Hàng loạt quốc gia siết chặt lệnh cấm Telegram

14:00, 04/09/2024

Telegram đã vướng vào rắc rối lớn khi trở thành nền tảng phát tán nhiều thông tin sai lệch và tạo điều kiện cho chủ nghĩa cực đoan…

Telegram đang trở thành mục tiêu chỉ trích tại nhiều quốc gia.

Hiện tại, Telegram một lần nữa trở thành mục tiêu chỉ trích gay gắt sau khi nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Pavel Durov bị bắt giữ gần ngoại ô Paris như một phần cuộc điều tra về các hành vi phạm tội liên quan đến ứng dụng nhắn tin này, chẳng hạn như tội phạm có tổ chức và buôn bán ma túy.  

"Giám đốc Điều hành Telegram, ông Pavel Durov, không có gì phải che giấu và thường xuyên di chuyển tới châu Âu. Thật vô lý khi cho rằng một nền tảng hoặc chủ sở hữu nền tảng phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ hành vi nào lạm dụng nền tảng đó", Telegram nhấn mạnh trong bài đăng trên blog sau vụ bắt giữ.

Vào tối ngày 28/8 theo giờ địa phương, Tòa án Paris đã công bố báo cáo sơ bộ về vụ việc, đồng thời cho phép CEO Pavel Durov tại ngoại với điều kiện nộp 5 triệu euro (5,5 triệu USD) bảo lãnh và cấm xuất cảnh khỏi Pháp

Mặc dù vậy, ứng dụng nhắn tin nổi tiếng vẫn gặp rắc rối ở nhiều quốc gia, một số nơi đã cấm hoặc cố gắng trấn áp Telegram vì lo ngại tương tự. 

Theo Surfshark và Netblocks, tổng cộng đã có 31 quốc gia cấm nền tảng Telegram kể từ năm 2015, tạm thời hoặc vĩnh viễn, ảnh hưởng đến hơn 3 tỷ người trên toàn cầu. 

VƯƠNG QUỐC ANH

Gần đây nhất, Telegram đã được sử dụng để lên kế hoạch và điều phối cuộc bạo loạn chống người nhập cư tại Vương quốc Anh vào đầu tháng 8/2024.

Sự việc xảy ra sau khi ba nạn nhân nữ bị tấn công ở miền bắc nước Anh và các kênh Telegram bị những kẻ cực đoan sử dụng để gieo rắc lòng thù hận với người nhập cư cũng như chia sẻ thông tin về địa điểm hay mục tiêu biểu tình. 

Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết sẽ mạnh tay trấn áp các nền tảng truyền thông xã hội thổi bùng ngọn lửa bất ổn nhưng cho đến nay vẫn chưa có động thái đáng chú ý nào đối với Telegram. 

Thủ tướng Starmer từng kêu gọi "biện pháp trừng phạt cứng rắn và hiệu quả" đối với công ty vào năm 2021.

TÂY BAN NHA

Người Tây Ban Nha đã không thể sử dụng Telegram trong thời gian ngắn vào tháng 3 năm nay vì lệnh cấm ứng dụng sau khi bốn Tập đoàn truyền thông nổi tiếng của nước này, bao gồm Mediaset, Atresmedia, Movistar và Egeda, phàn nàn rằng Telegram phát tán nội dung mà không xin phép bản quyền.

Thẩm phán đã yêu cầu ứng dụng gửi một số thông tin nhất định phục vụ vụ kiện vào tháng 7/2023 và ra lệnh chặn do công ty không phản hồi. 

Tuy nhiên, phán quyết sau đó đã bị thu hồi khi nhận quá nhiều chỉ trích từ công chúng là không thỏa đáng và có thể gây thiệt hại cho hàng triệu người dùng. 

NA UY

Na Uy coi Telegram là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia. Vào tháng 3/2023, Chính phủ nước này đã cấm toàn bộ bộ trưởng, thư ký nhà nước, cố vấn chính trị sử dụng Telegram và TikTok trên các thiết bị làm việc. 

Bộ trưởng Tư pháp Emilie Enger Mehl cho biết: "Trong bản đánh giá về mối đe dọa công khai 'Focus 2023', cơ quan tình báo chỉ ra mạng xã hội là môi trường thuận lợi cho những kẻ muốn gây ảnh hưởng đến công chúng thông qua tin tức sai lệch và giả mạo". 

ĐỨC

Vào năm 2022, Đức từng cân nhắc việc cấm Telegram sau khi Chính phủ phát hiện 64 kênh có khả năng vi phạm luật pháp Đức về phát ngôn thù địch, chẳng hạn như các kênh âm mưu bài Do Thái.

Đức đã ban hành mức phạt hơn 5 triệu USD đối với các nhà điều hành Telegram vì không tuân thủ luật pháp Đức.

Sau phán quyết, Telegram tuyên bố đã hợp tác với Chính phủ Đức và xóa những video được nêu trong danh sách cũng như những video chứa nội dung có khả năng vi phạm pháp luật trong tương lai.

Telegram được sử dụng làm phương tiện liên lạc chính trong nhiều tổ chức cực đoan. 

NGA

Nga đã cấm Telegram trong khoảng 2 năm kể từ năm 2018 sau khi nhà đồng sáng lập kiêm CEO Pavel Durov không tuân thủ yêu cầu cung cấp thông tin về một số người dùng. 

Nhưng lệnh cấm dường như không tạo ra nhiều tác động và ứng dụng này vẫn phát triển mạnh mẽ như nguồn tin tức không chính thống dành cho người dân Nga. 

BELARUS

Telegram là công cụ quan trọng ở Belarus để truyền bá thông tin về các cuộc biểu tình chống Chính phủ vào năm 2020 và 2021. Đây là một trong số ít ứng dụng mạng xã hội còn hoạt động khi đất nước này chặn Internet trong ba ngày xuyên suốt quá trình bầu cử Tổng thống.

Ngay sau cuộc bỏ phiếu, Belarus đã công bố danh sách các kênh Telegram được coi là cực đoan và chủ yếu là kênh hoạt động chống Chính phủ. Người dân tham gia những kênh này có nguy cơ bị phạt tù tới 7 năm, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế. 

IRAN

Telegram bị chặn ở Iran từ năm 2018 sau nhiều cuộc biểu tình nổ ra một năm trước đó, kêu gọi công lý kinh tế tốt hơn tại nước này.

Chính phủ cáo buộc Telegram đã tạo điều kiện cho cuộc biểu tình. 

Dù đã thực hiện lệnh cấm, có thông tin cho biết một nửa trong số 80 triệu dân Iran vẫn sử dụng Telegram để liên lạc thông qua mạng riêng ảo (VPN). 

ẤN ĐỘ

Chỉ một ngày sau khi CEO Durov bị bắt, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố đang điều tra Telegram về vai trò bị cáo buộc của ứng dụng trong một số hoạt động tội phạm và sẽ xem xét lệnh cấm trong khi chờ kết quả điều tra. 

Quốc gia tỷ dân đã chứng kiến ​​ứng dụng làm rò rỉ một số đề thi và phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em, thao túng giá cổ phiếu và tống tiền.

Vào tháng 7/2024, chính quyền Ấn Độ đã phát hiện ra âm mưu thao túng giá cổ phiếu trong đó người quản lý kênh Telegram nhận được hơn 22.000 USD nhờ việc thao túng giá cổ phiếu của một công ty sản xuất tôn thép.

"Một trong những trò lừa đảo tràn lan nhất trên Telegram là gian lận đầu tư, trong đó người dùng được thêm vào nhóm và được gợi ý đầu tư tiền cổ phiếu trên ứng dụng giả mạo giống hệt ứng dụng giao dịch chứng khoán hợp pháp", đại diện thuộc Sở Cảnh sát Delhi phụ trách tội phạm mạng chia sẻ với phương tiện truyền thông địa phương.