Hàng Online: Mảnh đất màu mỡ của hàng giả

06:09, 18/08/2009

 Đặc thù của mua bán qua mạng hiện nay là quá dễ dàng lập nick, topic trao đổi mua bán mà không chịu bất kỳ sự ràng buộc hay quản lý nào. Không có cửa hàng cố định, không tốn chi phí thuê nhân viên, mặt bằng. Tất cả trao đổi chỉ thông qua tin rao vặt hoặc nick trên các diễn đàn.
 
Trong đó, yếu tố giá cả đóng vai trò khá quan trọng. Nhiều khách hàng chỉ cần thấy topic nào có giá rẻ nhất, chủ topic là thành viên lâu năm thì tin tưởng trao đổi mua bán. Có lẽ vì vậy mà buôn bán qua mạng trở thành mảnh đất cực kỳ màu mỡ cho những con buôn hàng giả, hàng đểu với nhiều hình thức ngày càng tinh vi hơn.

 

Lợi nhuận lớn
 
Lợi nhuận từ buôn bán hàng giả, kém chất lượng lớn hơn rất nhiều so với việc bán hàng đúng chất lượng. Mỗi chiếc điện thoại chính hãng hoặc xách tay lời dao động từ 200- 500 ngàn đồng tùy theo hàng cao cấp hay bình dân. Riêng hàng giả, bán trót lọt thì có thể lời bằng bán 10 hàng thật.
 
Sở dĩ việc mua bán hàng giả, hàng dựng thời gian gần đây diễn ra phổ biến vì nguồn hàng này cực kỳ phong phú và được làm giả khá sắc xảo. Lại thêm việc buôn bán qua mạng quá dễ dãi cùng lợi nhuận lớn là nguyên nhân chính. Vấn đề quản lý, phát hiện, cảnh báo sau giao dịch lại không được kiểm soát chặt chẽ nên càng biến hàng giả thành miếng mồi béo bở cho những đối tượng lừa gạt khai thác triệt để. Thủ đoạn lừa gạt cũng tăng tiến theo thời và theo nhu cầu của thị trường.
 
Trước đây, các cửa hàng hoặc con buôn chỉ tập trung đánh tráo các linh phụ kiện nhỏ để tăng thêm một ít lợi nhuận. Nhiều nhất là tráo pin, sạc, tai nghe ở các dòng Nokia phổ biến trên thị trường. Gần đây lại có thêm nguồn hàng tân trang, hàng dựng (thường gặp ở dòng Blackberry do Trung Quốc sản xuất) nhưng được bán với giá máy mới, thậm chí có cả bảo hành.
 
Song đó vẫn  được xem là nhẹ vì dù gì khách hàng cũng có thể “mắc vốn” hoặc bắt đền chủ cửa hàng hoặc chủ toipc. Nhưng những trường hợp mua qua cá nhân mà trúng phải hàng giả là “bó tay”. Lang thang trên một số diễn đàn, trang tin rao vặt dễ bắt gặp vô vàn người rao bán cá nhân với mặt hàng từ bình dân đến cao cấp giá rất hấp dẫn, khó mà cưỡng lại được.
 

 Mặc dù chủ topic có để địa chỉ nhà đầy đủ xong giao dịch lại diễn ra ở những địa điểm công cộng như siêu thị, trường học, quán cafe với lý do ở nhà đông người không tiện trao đổi. Tại đây, khi khách hàng chưa kịp xem kỹ lưỡng sản phẩm thì người bán ra vẻ hối thúc vì bận công việc, bận đi giao hàng cho người khác. Thời gian cập rập khiến người mua cũng lúng túng và chỉ xem qua loa.
 
Đến khi phát hiện ra hàng giả hoặc có những hỏng hóc thì quá muộn. Gọi điện thoại cho người bán thì tắt máy, tìm đến địa chỉ ghi trên topic cũng chẳng thấy đâu. Hoặc may mắn liên lạc được nhưng chủ topic đưa ra nhiều lý lẽ để rũ bỏ trách nhiệm và từ chối không bảo hành dù trước đó đã hứa hẹn những lời tốt đẹp nhất. Các thủ đoạn này hầu như không mới nhưng nhiều khách hàng vẫn bị lừa.
 
Nguyên nhân có thể lý giải vì đa phần giao dịch kiểu này chỉ xoay quanh những mặt hàng bình dân, giá rẻ. Khi phát hiện, người mua thấy số tiền nhỏ và tự rút ra bài học chứ không làm cho ra lẽ nên kẻ gian có điều kiện nhởn nhơ để lừa gạt người khác. Sau mỗi cú lừa trót lọt, kẻ gian bỏ nick cũ và lập nick mới để tiếp tục chiêu lừa cũ.

 

Thủ đoạn tinh vi
 
 Tất cả cũng chỉ mới ở dạng cấp thường. Mới đây nhất, thủ đoạn lừa được đẩy lên một bước mới. Không chỉ có người ham rẻ mà ngay cả người chấp nhận mua hàng giá đắt cũng “dính chưởng”. Để dễ dàng qua mặt những khách hàng xịn, háng hóa được rao bán có cả thẻ bảo hành chính hãng. Cư dân mạng đang xôn xao về việc xuất hiện nhiều thẻ Nokia club giả nhưng được biến hóa như thật. Người mua bình thường bằng mắt thường khó lòng mà nhận ra được.
 
 Hàng được bán  là những chiếc điện thoại hàng nhái Nokia 8800 Art với giá trị thật khoảng 2,5 triệu đồng (xuất xứ HongKong) với thẻ bảo hành đến năm 8/2010. Giá của con hàng cũng không phải rẻ, dao động từ 12- 15 triệu đồng. Tuy nhiên so với hàng chính hãng trên 20 triệu thì cái giá này rất đáng để nhiều khách hàng suy nghĩ. Điều đáng nói ở đây là việc làm giả thẻ Nokia này diễn ra rất sôi động. Không ít nick trên các diễn đàn rao nhận làm thẻ Nokia giả để cung cấp cho các đầu nậu, cửa hàng nhằm hợp thức hóa cho những chiếc điện thoại giả hay có nguồn gốc Hong Kong.
 
Giá làm thẻ giả còn được rao công khai với khoảng 1 triệu đồng là đã có được chiếc thẻ Nokia giả mà như thật. Sau sự kiện này, việc mua bán nhiều mặt hàng nóng trên các diễn đàn trở nên sôi động hơn hẳn. Tấp nập kẻ mua, người bán với đủ loại hàng thật giả lẫn lộn và cả những lời tố giác mình bị lừa, bị qua mặt đẻ cảnh báo cho hàng trăm ngàn khách hàng khác.
 
Điều này cho thấy buôn bán qua mạng vẫn là mảnh đất mỡ màng cho những kẻ chuyên lừa đảo. Dù được cảnh báo qua các kênh báo đài nhưng trước vẻ bóng bẩy của sản phẩm, giá cực rẻ cũng như tin vào cấp độ, thời gian tham gia diễn đàn lâu năm của một số nick mà người mua nhanh chóng bỏ qua những công đoạn cần thiết. 
 

Cũng chính vì việc mua bán hàng thật, giả hiện nay khá phức tạp mà Nokia đã có những thủ thuật hướng dẫn khách hàng nhằm chống lại những tiêu cực khi mua bán trên mạng. Mới đây, hãng máy ảnh Canon cũng công bố thẻ bảo hành chính hãng và một số thủ thuật để khách hàng nhận biết thẻ thật thẻ giả để không bị lừa một cách ngoạn mục. Quan trọng hơn cả là khách hàng cần hết sức tỉnh táo, không ham của rẻ. Khi giao dịch cần kiểm tra máy móc kỹ lưỡng. Chắc ăn nhất là mang máy đến các trung tâm bảo hành chính hãng để kiểm tra thật hư.

 

Bắt tay chống hàng giả. Khách hàng tự kiểm tra thẻ thật giả của Nokia bằng cách: Kiểm tra Version bằng lệnh *#0000# và so sánh với Version mà Nokia đăng tải trên Web. Kiểm tra IMEI qua các cách: *#06# ; *#92702689 và so sánh IMEI sau lưng máy với thẻ Club. Nếu người bán thật tâm thì thương lượng với người bán để xem kỹ bên trong máy như tem bảo hành dán trên ốc vít hoặc độ mới của các con ốc vít. Tốt nhất là mang thẻ bảo hành đến các Trung tâm bảo hành Nokia để nhờ xác minh độ thật giả.