Hàng trăm giải pháp công nghệ hỗ trợ phát triển thành phố thông minh

15:29, 17/04/2024

SmartCity Asia 2024 diễn ra từ ngày 17-19/4 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SEEC), TPHCM thu hút khoảng 800 gian hàng trưng bày của hơn 500 doanh nghiệp (DN) đến từ nhiều quốc gia với hàng trăm giải pháp hỗ trợ phát triển thành phố thông minh.

Thành phố thông minh đang là xu thế phát triển chung của các đô thị trên thế giới và Việt Nam là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng đó. Chính phủ xác định phát triển đô thị bền vững, thông minh là hướng đi có tính đột phá để nâng cao vị thế của Việt Nam.

Thúc đẩy các quan hệ hợp tác công - tư trong phát triển đô thị thông minh

Diễn đàn và Triển lãm Quốc tế Đô thị thông minh châu Á - SmartCity Asia 2024 là một trong những sự kiện uy tín trong khu vực mang tầm quốc tế về đô thị thông minh.

Với sự tham gia của nhiều đơn vị trong nước và quốc tế. Sự kiện hướng đến mục tiêu thúc đẩy các quan hệ hợp tác công - tư trong triển khai các dự án thành phố thông minh, từ đó tận dụng và khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội nhằm giải quyết các thách thức của đô thị hiện đại thông qua nền tảng công nghệ số.

SmartCity Asia 2024 diễn ra từ ngày 17-19/4 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SEEC), TPHCM thu hút khoảng 800 gian hàng trưng bày của hơn 500 doanh nghiệp (DN) đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, với các chủ đề chính như: Các công nghệ và giải pháp ứng dụng trong đô thị thông minh (nhà ở thông minh, AIoT, công nghệ chất bán dẫn, tài chính – thanh toán thông minh, tòa nhà thông minh, chiếu sáng thông minh, năng lượng xanh, robot,…).

Đồng hành cùng chương trình là các DN công nghệ tiêu biểu trong nước như: Viettel, VNPT, Mobifone, FPT… Bên cạnh đó là sự tham gia tích cực của các cụm gian hàng các quốc gia Hàn Quốc, Ấn Độ, Phần Lan, Trung Quốc, Nga, …

Các đại biểu tham quan tại SmartCity Asia 2024. Ảnh: VGP/LA

Tại triển lãm sẽ diễn ra diễn đàn với các chuyên đề chính như: Chiến lược đô thị thông minh với định hướng phát triển xanh và bền vững; các giải pháp công nghệ cho cuộc sống thông minh; các ứng dụng AIoT trong đô thị thông minh theo định hướng phát triển xanh.

Cùng với đó, tại Smart City Asia 2024 các hoạt động xúc tiến thương mại, gặp gỡ giao thương (business matching) sẽ được tiến hành song song giữa các hình thức trực tuyến và gặp gỡ lãnh đạo các thành phố, tham quan các khu đô thị thông minh kiểu mới của thành phố.

Phát triển đô thị thông minh là xu thế tất yếu

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, cho rằng, chương trình SmartCity Asia 2024 là sự kiện có uy tín trong khu vực về phát triển đô thị, thành phố thông minh. Đây là cơ hội rất lớn cho các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, thảo luận những vấn đề và giải pháp trong phát triển đô thị thông minh bền vững. Chương trình cũng mở ra cơ hội hợp tác giữa các địa phương trong nước của Việt Nam với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế về phát triển đô thị, thành phố thông minh (ĐTTM).

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Đức Long, cần thống nhất nhận thức chung phát triển ĐTTM chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô của đô thị nhưng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề lớn của đô thị bao gồm giao thông, môi trường, năng lượng, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh, trật tự đô thị,... và để đạt được những nội dung này một cách bài bản thì các yếu tố thông minh phải được xác định, tính toán và đưa vào ngay từ khi quy hoạch đô thị, thành phố.

Các bạn trẻ đang trải nghiệm ứng dụng CNTT&TT trong ĐTTM tại một gian trưng bày. Ảnh: VGP/LA

Các địa phương cần xác định hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội khác.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đề nghị người đứng đầu địa phương phải quyết liệt chỉ đạo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu để hình thành được kho dữ liệu dùng chung cấp tỉnh, tập hợp đầy đủ dữ liệu của các ngành, lĩnh vực, chính quyền các cấp; dữ liệu phải được thường xuyên cập nhật, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống". Trên cơ sở đó, xác định rõ các bài toán nghiệp vụ trong chỉ đạo, điều hành, phát triển các công cụ phân tích dữ liệu để khai thác tối đa giá trị của dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền và cung cấp dịch vụ, tiện ích thông minh cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, Bộ cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai chuyển đổi số, ứng dụng CNTT&TT trong ĐTTM. Ảnh: VGP/LA

Hiện nay Bộ TT&TT đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về cơ sơ dữ liệu (CSDL) dùng chung trình Chính phủ trong tháng 5/2024. Trong đó tập trung làm rõ các CSDL dùng chung bao gồm CSDL quốc gia, CSDL của các bộ, ngành, địa phương và mối quan hệ giữa các CSDL dùng chung; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu đảm bảo dữ liệu trong cơ quan nhà nước được quản lý thống nhất, nhất quán và có thứ bậc. Các quy định tại dự thảo Nghị định này sẽ giải quyết một số vấn đề vướng mắc hiện nay của địa phương trong việc tổ chức, hoạch định và triển khai các CSDL phục vụ phát triển chính quyền số và ĐTTM.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, Bộ TT&TT cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai chuyển đổi số, ứng dụng CNTT&TT trong ĐTTM để việc triển khai đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững trong dài hạn.

Theo Báo Chính phủ

(https://tphcm.chinhphu.vn/hang-tram-giai-phap-cong-nghe-ho-tro-phat-trien-thanh-pho-thong-minh-101240417141935972.htm)