Hơn 5,1 triệu người lao động đã nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết ngày 25/10, Bảo hiểm xã hội các địa phương đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 5.159.501 lao động.
Trong những ngày qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác truyền thông về Nghị quyết số 116/NQ-CP, số người lao động làm thủ tục nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng mạnh. Theo đó, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã và đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện, để đảm bảo tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến với người lao động.
Với vai trò là cơ quan tổ chức, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó trực tiếp là chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã rất tích cực, chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương tham mưu đề xuất, xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và triển khai các chính sách hỗ trợ một cách kịp thời, chính xác, an toàn, hiệu quả.
Trong đó, phải kể đến việc tham mưu xây dựng các Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động khó khăn do Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đó, trong tình hình dịch bệnh, giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp, liên thông các phần mềm… giúp hoạt động của ngành được thông suốt, phục vụ tốt người tham gia. Công tác truyền thông cũng được triển khai ngày càng đa dạng, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, đặc biệt trên môi trường mạng xã hội một cách nhanh nhất.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, việc rà soát, đối chiếu dữ liệu rất quan trọng nhằm đảm bảo chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, nhanh chóng, kịp thời và chính xác. Vì vậy, Bảo hiểm xã hội thành phố đã tập trung tiến hành rà soát khẩn trương, huy động cán bộ công chức viên chức làm thêm trong 2 ngày nghỉ cuối tuần, phân công rõ trách nhiệm đến từng bộ phận, cá nhân để hoàn thành tiến độ đề ra, với tinh thần đưa Nghị quyết của Chính phủ sớm đi vào cuộc sống, khoản hỗ trợ đến tay các đối tượng thụ hưởng sớm nhất.
Phòng Quản lý thu, Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên nỗ lực giải quyết hồ sơ hưởng hỗ trợ của người lao động. |
Nhờ sự triển khai nhanh chóng của các địa phương, tính đến hết ngày 25/10, Bảo hiểm xã hội các địa phương đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 5.159.501 lao động. Trong đó, số đang tham gia Bảo hiểm thất nghiệp là 4.776.292 người, đã dừng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp là 383.209 người; với tổng số tiền hỗ trợ là 12.369 tỷ đồng.
Bên cạnh chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116, Quyết định số 28 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 với nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, tính đến hết ngày 25/10/2021, toàn ngành Bảo hiểm xã hội đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 770 đơn vị với 139.316 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 956,6 tỷ đồng tại 57/63 tỉnh, thành phố.
Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng xác nhận danh sách cho hơn 2,1 triệu lao động của 59.547 đơn vị sử dụng lao động trong toàn quốc để hưởng các chính sách hỗ trợ. Trong đó, số tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương là hơn 1,56 triệu lao động của 54.061 đơn vị; ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người là 373.375 lao động của 4.086 đơn vị.
Gần 2.800 lao động của 25 đơn vị được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm; hơn 69 nghìn lao động của 910 đơn vị phải ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, được người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc.
Bên cạnh đó, còn có trên 58 nghìn lao động của 272 đơn vị được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động); trên 29,5 nghìn lao động của 193 đơn vị được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).
Minh Thùy (T/h)