Khai thác tiềm năng sách điện tử

04:00, 25/04/2013

Sức hút của kinh doanh sách điện tử là ở chỗ dù giá bán chỉ dao động ở mức 5.000-10.000 đồng/bản sách nhưng nếu đạt được khoảng 1.000 lượt mua thì doanh thu đạt được cũng từ 5-10 tỉ đồng.
Từ khi dịch vụ sách điện tử có bản quyền được giới thiệu ra thị trường với những tên tuổi tiên phong như Lạc Việt, First News, Vinabook, Phương Nam, đến nay thị trường kinh doanh sách điện tử đã có một số bước tiến và thu hút được khá nhiều công ty tham gia.

Bắt nhịp với sự khởi động của các công ty tư nhân, một số đơn vị nhà nước cũng đã nhanh chóng vào cuộc. Cụ thể, Công ty Sách điện tử Trẻ của Nhà xuất bản Trẻ đã liên kết với Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM để cung cấp 20.000 đầu sách điện tử, cung cấp nhiều tài liệu miễn phí và khai thác kinh doanh các tài liệu có bản quyền; Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM với trang sách điện tử sachweb.vn có 782 tựa sách đa dạng…

Hơn nữa, hiện nay tổng doanh số sách điện tử tại Việt Nam chưa đạt đến 1% so với doanh số của sách giấy, dư địa còn rất lớn nên số lượng DN tham gia ngày càng nhiều.

Anybook, trang bán sách điện tử mới khai trương của Viettel

Tuy nhiên, thực tế kinh doanh sách điện tử không bằng phẳng và “dễ ăn” như lí thuyết. Bởi dù sách điện tử rẻ, tiện lợi nhưng người đọc hiện vẫn rất thích đọc sách giấy. Bằng chứng là trong các hội chợ sách, dù là “hiện tượng đặc biệt” giữa hàng trăm quầy sách giấy với một hệ thống máy tính cung cấp nhiều đầu sách, nhưng các quầy sách điện tử vẫn vắng khách tham quan trong khi các quầy sách giấy lại đông nghịt người do bạn đọc không quen với việc ngồi vào máy tính đọc sách.

Vì vậy, nhiều công ty sau khi triển khai sách điện tử một thời gian dài vẫn lắc đầu than lỗ. Kinh nghiệm ở các nước, để phát triển sách điện tử, các công ty thường đầu tư vào các loại máy đọc sách chuyên dụng với loại màn hình e-link nên lượng người đọc rất cao. Song ở Việt Nam, các công ty chỉ cho đọc trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng màn hình màu thông thường mà không sử dụng máy đọc sách chuyên dụng trên do lo ngại mất cắp bản quyền.
Đây được xem là nguyên nhân chính khiến sách điện tử chưa bứt phá để phát triển được. Hơn nữa, ở nước ta tình trạng sách điện tử không có bản quyền được phát tán rộng rãi trên mạng cũng là rào cản của việc kinh doanh sách điện tử.

Khó khăn là vậy, song bước đi của các công ty cho thấy họ vẫn không chùn bước. Nhưng nếu muốn phát triển sách điện tử, rõ ràng DN phải nỗ lực nhiều hơn, phải có những bước tiến cao về công nghệ và quảng bá rộng rãi hơn để người đọc có thể tiếp cận dễ dàng hơn với sách điện tử.

Theo thongtincongnghe